18:31, 17/10/2011
Việc hai anh em ruột Y Lốk Niê và Y Dé Niê ở buôn M’ghi (xã Yang Mao, huyện Krông Bông) bỗng dưng trúng trầm, thu được hàng tỷ đồng đã gây ra “cơn sốt” đi tìm trầm. Sự việc đã kết thúc cách đây khoảng 1 tháng nhưng dư chấn của nó để lại khiến người ta phải đặt nhiều câu hỏi mỗi khi xảy ra nhưng “cơn sốt” kiểu như vậy.
Từ việc đi hái lan trúng trầm bạc tỷ
|
Hai anh em Y Lốk (bìa trái) và Y Dé (bìa phải) đang hồ hởi kể lại chuyện nhặt được trầm |
Khoảng tháng 8 vừa qua, hai anh em ruột Y Lốk Niê và Y Dé Niê đã đến khu vực núi Ea Kar trên địa phận xã Yang Mao để tìm lan đá. Cả buổi lang thang trong rừng nhưng không tìm thấy gì, trong lúc ngồi nghỉ trưa, chuẩn bị đưa cơm ra để ăn, họ phát hiện một khúc gỗ mục trôi theo dòng nước kẹt giữa hai tảng đá. Nhặt lên xem thì Y Lốk phát hiện đó là trầm hương. Hai anh em mừng rỡ hơn bắt được vàng, bỏ ngay khúc trầm vào gùi và tiếp tục tìm kiếm nhưng không còn. Khúc trầm hai anh em nhặt được nặng khoảng 800 gram, bán được 4,2 tỷ đồng. Hy vọng vẫn còn trầm tại khu vực này, khoảng 1 tuần sau, Y Lốk và Y Dé tiếp tục quay lại tìm. Lần này lại nhặt được một mảnh trầm khoảng 6 gram và bán được 120 triệu đồng. Chưa dừng lại, vài hôm sau, anh rể của Y Lốk Niê và Y Dé Niê cùng thanh niên trong buôn tiếp tục tìm kiếm cũng nhặt được khoảng 6 gram, bán được 120 triệu đồng chia nhau. Từ những thanh niên nghèo khó (Y Lốk đi làm thuê, Y Dé đang vừa học vừa làm tại TP. Hồ Chí Minh), bỗng dưng có tiền tỷ trong tay nhưng hai anh em đã sử dụng đồng tiền khá hợp lý. Anh Y Dé cho biết, hai anh em đã mua gạo biếu 110 hộ trong buôn M’ghi, mỗi hộ 10kg, cho nhiều người bà con, hàng xóm vay mỗi người từ 50 - 100 triệu đồng để có vốn làm ăn. Ngoài khoản gửi tiết kiệm để phục vụ việc ăn học, Y Dé đang xây lại nhà mới và mua sắm nhiều phương tiện, vật dụng. Còn Y Lốk thì mua thêm đất canh tác, sắm sửa dụng cụ lao động như máy cày, máy phát cỏ…và dự định mở một đại lý phân bón trong buôn.
Đến việc xóa bỏ “cơn sốt” tìm trầm
|
Y Dé đang chuyên chở vật liệu xây nhà mới |
Thông tin anh em Y Lốk và thanh niên buôn M’ghi liên tiếp tìm được trầm đã nhanh chóng đến tai dân tìm trầm chuyên nghiệp. Khắp nơi từ Quảng Nam – Đà Nẵng, Khánh Hòa, Phú Yên… cũng như một số người dân huyện Krông Bông bỏ công sức, tiền bạc đổ xô nhau đến khu vực trên đã tạo nên “cơn sốt” với hàng trăm nghìn lượt người mỗi ngày đến tìm trầm. Anh Y Nhang Byă, dân quân cơ động xã Yang Mao nhớ lại, thời điểm đó là những ngày tấp nập nhất của buôn M’ghi cũng như xã Yang Mao vốn là địa phương khó khăn, vùng sâu vùng xa, hẻo lánh. Người ta sẵn sàng bỏ ra hơn 100 nghìn đồng để đi xe thồ cho quãng đường vài ki-lô-mét từ ngã ba Cư Đrăm vào buôn M’ghi tìm vận may. Trước nguy cơ cơn sốt tìm trầm có thể gây phức tạp về tình hình an ninh trật tự trên địa bàn, lãnh đạo xã Yang Mao đã báo cáo lên cấp trên và được tăng cường lực lượng chốt chặn các ngả đường vào rừng, vận động người tìm trầm trở về nhà. Các đoàn thể xã Yang Mao thì tích cực tuyên truyền trên hệ thống phát thanh xã vận động người dân địa phương không “chạy” theo “cơn sốt” làm xáo trộn cuộc sống. Không thể vào rừng ban ngày, dân tìm trầm chuyên nghiệp chuyển sang ban đêm, không ít người mang theo lương khô, âm thầm dựng lán tìm trầm. Lực lượng dân quân của xã cũng được tăng ca để chốt chặn cả vào ban đêm. Chỉ trong thời gian ngắn 4 đến 5 ngày, hàng nghìn mét vuông đất rừng đã bị cày xới. Ngậm ngải tìm trầm, giấc mộng đổi đời từ trầm không thành công, cùng với các biện pháp xử lý quyết liệt của ngành chức năng, cơn sốt tìm trầm tạm lắng. Nhưng từ dư chấn của nó để lại khiến người ta càng thêm băn khoăn mỗi khi xảy ra những “cơn sốt” kiểu như vậy. Đó là kiểu làm ăn “chụp giựt”, chạy theo phong trào, hệ quả là những rủi ro trong sản xuất kinh doanh, đồng thời gây mất trật tự xã hội. Đó còn là bài học về khả năng dự báo, nắm bắt tình hình cơ sở để sớm có những biện pháp xử lý các tình huống.
Đàm Giang
Ý kiến bạn đọc