Multimedia Đọc Báo in

Để ánh điện luôn sáng vùng biên

09:06, 05/12/2011

Cách trung tâm huyện Ea Súp hơn 50 km,  hai xã Ya R’vê, Ya Lốp giáp với tỉnh Mundulkiri (Vương quốc Campuchia) thuộc dự án kinh tế - quốc phòng của Binh đoàn 16. Các xã này được thành lập từ năm 2006, dân chủ yếu đến từ các vùng ngập lụt của tỉnh Bến Tre, Thanh Hóa vào đây tái định cư với hy vọng bám đất, bám rừng, xây dựng một cuộc sống no ấm hơn. Để giúp bà con ổn định cuộc sống và khắc phục khó khăn do thời tiết, địa hình mang lại, ngay từ những ngày đầu xã thành lập, Binh đoàn 16 và UBND huyện Ea Súp đã đầu tư xây dựng hệ thống điện và đưa vào phục vụ đời sống của bà con tại các xã. Tuy nhiên, trong quá trình khai thác, vận hành hệ thống điện do địa phương quản lý thông qua đồng hồ bán tổng tại các khu dân cư đã xuất hiện nhiều bất cập như: các hộ nghèo chưa được hưởng chính sách hỗ trợ giá; tổn thất điện được chia đều khiến người dân còn băn khoăn nhiều về giá bán điện. Trước thực tế này, sau nhiều cuộc họp, ngày 1-8-2011, Chỉ huy Binh đoàn 16 (chủ sở hữu tài sản) và UBND huyện Ea Súp đã chính thức bàn giao phần lưới điện hạ áp với chiều dài gần 32 km; 25 trạm biến áp và 2.300 khách hàng về cho ngành điện quản lý.

Công ty Điện lực Dak Lak tiến hành nghiệm thu công tơ sau tiếp nhận lưới điện.
Công ty Điện lực Dak Lak tiến hành nghiệm thu công tơ sau tiếp nhận lưới điện.
Với địa bàn rộng tới hơn 42.000 ha nhưng chỉ có gần 2.300 khách hàng sử dụng điện, sau khi tiếp nhận hệ thống điện ở Ya R’vê, Ya Lốp, Công ty Điện lực Dak Lak (PC Dak Lak) đã phải đối mặt với không ít khó khăn trong công tác quản lý và cung cấp dịch vụ. Khó khăn đầu tiên mà đơn vị gặp phải là địa bàn tại hai xã mới tiếp nhận khá rộng, dân cư thưa; tính riêng ở xã Ya R’vê có đến 18 trạm biến áp nhưng chỉ có khoảng 1.100 khách hàng, trong đó, có những thôn cách nhau đến 20-30 km, chỉ việc thu tiền điện đã khó khăn gấp nhiều lần so với các vùng khác. Bên cạnh đó, đời sống kinh tế của người dân còn gặp nhiều khó khăn.
Trước tình hình đó, sau khi tiến hành khảo sát và thay mới công tơ, Điện lực Ea Súp tiếp tục củng cố, sửa chữa hệ thống điện để bảo đảm công tác an toàn; áp dụng giá bán điện mới với chính sách hỗ trợ giá cho các hộ nghèo; đặc biệt, để làm tốt công tác chăm sóc khách hàng, đơn vị đã thuê nhà, thành lập tổ quản lý “chốt” tại địa bàn. Những cố gắng đó của Điện lực đã đạt được kết quả ban đầu, đến nay, nhân dân tại các xã Ya R’vê, Ya Lốp đã có thể dùng điện để bơm nước phục vụ sinh hoạt tại các khu dân cư, xay xát nông sản, phục vụ tốt hơn cho đời sống cũng như sản xuất mà không còn lo lắng đến giá cả hay chất lượng điện nữa. Bà Hồ Thị Em trú tại thôn 1, xã Ya R’vê cho biết: “Trước đây, khi điện còn do UBND xã quản lý, giá bán điện cao lại còn thêm sự nhập nhằng trong tính toán hóa đơn làm bà con cảm thấy không thỏa đáng. Từ khi lưới điện được bàn giao về cho ngành điện quản lý, Điện lực đã thay mới công tơ, áp dụng giá bán điện mới, rõ ràng, chính xác và người dân không còn băn khoăn nữa. Đặc biệt, khi có sự cố nhân viên ngành điện đến sửa chữa rất kịp thời”. Chính sự tin tưởng, hài lòng của khách hàng là nguồn động viên cho Điện lực Ea Súp tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ. Trao đổi với chúng tôi, ông Ngô Văn Lập, Giám đốc Điện lực Ea Súp cho biết, với những đặc điểm về địa lý, dân cư của hai xã vùng biên, sau khi tiếp nhận lưới điện, Điện lực Ea Súp đã lập phương án để triển khai các công tác sau tiếp nhận. Trong đó, việc thay mới công tơ cho khách hàng và sửa chữa những điểm mất an toàn được ưu tiên hàng đầu. Sau hơn 2 tháng, toàn bộ hệ thống đo đếm đã được thay thế, bảo đảm chất lượng và nhận được nhiều phản hồi tích cực từ phía người sử dụng. Tuy nhiên, để ánh điện luôn sáng vùng biên, Điện lực Ea Súp còn phải cố gắng nhiều hơn nữa để khắc phục những khó khăn trong việc cung cấp điện...

Hương Cẩm

Ý kiến bạn đọc