Multimedia Đọc Báo in

Bưu điện văn hóa xã: Thu hẹp khoảng cách giữa thành thị và nông thôn

20:34, 27/01/2012

Bên cạnh các thiết chế khác ở vùng nông thôn như điện, đường, trường, trạm, nhà văn hóa, điểm bưu điện văn hóa (BĐVH) xã hợp thành một quần thể phục vụ nhân dân đến giao lưu, học hỏi kinh nghiệm sản xuất, trao đổi thông tin kinh tế, thể thao, giải trí, mua bán hàng hóa. Đặc biệt, với hệ thống Internet, điểm BĐVH xã  càng trở nên có sức hút mãnh liệt, góp phần thu hẹp dần khoảng cách giữa thành thị và nông thôn.

Bách hóa bưu điện
Hơn 2 năm qua, đều đặn hết giờ làm việc, anh Trình Công Bình, cán bộ địa chính xã Ea H’leo (huyện Ea H’leo) lại đến điểm BĐVH xã truy cập Internet để tra cứu những thông tin phục vụ công việc chuyên môn. Đôi khi lên mạng cũng chỉ để thư giãn sau những giờ làm việc căng thẳng bằng những bản nhạc trữ tình, mẩu chuyện cười, video clip bóng đá ghi lại những khoảnh khắc, bàn thắng đẹp. Anh Bình chia sẻ: “Mặc dù ở cách trung tâm TP. Buôn Ma Thuột hơn 100 ki-lô-mét, nhưng hoàn toàn không cảm thấy xa xôi. Có thể xa về mặt địa lý và điều kiện kinh tế-xã hội không bằng nhiều nơi khác, nhưng về mặt thông tin thì bình đẳng vì đã có đường truyền Internet tốc độ cao. Quản lý tài nguyên là lĩnh vực nóng, nhạy cảm, các văn bản quy định lại thường xuyên thay đổi, nếu không tra cứu, cập nhật sẽ rất dễ phạm luật”.
Khách hàng truyền thống của điểm BĐVH xã Ea H’leo thường là học sinh, các bác nông dân,  chị em phụ nữ đến truy cập Internet để tìm các tài liệu về kỹ thuật trồng, chăm sóc các loại cây trồng-vật nuôi, kiến thức nuôi dạy con, chăm sóc sắc đẹp, giữ gìn hạnh phúc gia đình…“Nếu cách đây 10 năm chiếc điện thoại đặt tại điểm BĐVH xã là cái gì đó gây xúc động người dân, thì hiện nay chiếc máy tính có kết nối Internet có sức hút mãnh liệt. Năm 2007, lúc mới lắp đặt đường truyền Internet, trung bình mỗi ngày có 50-60 lượt người đến truy cập, cá biệt có ngày cả 10 đầu máy làm việc từ lúc mở cửa cho đến khi hết giờ nhưng vẫn không đáp ứng được nhu cầu của nhân dân trên địa bàn. Tiền thuê máy 2.000 đồng/giờ, nhưng trung bình mỗi tháng đơn vị đạt doanh thu 7-8 triệu đồng”, chị Lê Thị Tới, nhân viên điểm BĐVH xã Ea H’leo cho biết.

Người dân đến giao dịch tại điểm BĐVH xã Ea H’leo (huyện Ea H’leo). Ảnh: Nguyên Hoa
Người dân đến giao dịch tại điểm BĐVH xã Ea H’leo (huyện Ea H’leo). (Ảnh: Nguyên Hoa)

Ngoài khách hàng quen thuộc đến truy cập Internet, đọc báo miễn phí, điểm BĐVH xã Ea H’leo giống như một cửa hàng bách hóa tổng hợp với rất nhiều dịch vụ khác như: chuyển phát thư từ, bưu phẩm, bưu kiện, mua tem thư, đặt báo chí, điện thoại công cộng, điện báo và kết hợp với các doanh nghiệp mở kênh phân phối các hàng hóa thiết yếu với nhu cầu người dân như bán bảo hiểm ô tô, xe máy... nhờ vậy đã trở nên hấp dẫn với người dân một xã xa nhất tỉnh. Ông Bùi Văn Thanh, Phó Chủ tịch UBND xã Ea H’leo khẳng định: “Điểm BĐVH xã chính là nhịp cầu nối nhân dân của một xã vùng sâu vùng xa với thế giới bên ngoài thông qua hệ thống đường truyền Internet. Nhờ hệ thống này mà khoảng cách giữa thành thị và nông thôn đã được thu hẹp. Mọi giao dịch của người dân trên địa bàn, nhất là công nhân của các công ty, doanh nghiệp đóng trên địa bàn xã được thông suốt, giúp họ yên tâm làm việc, gắn bó với đơn vị”.

Đưa Internet về nông thôn
Phát huy lợi thế nằm cạnh trục tỉnh lộ 2 (TP. Buôn Ma Thuột - huyện Krông Ana), lại gần các Trường THPT Phạm Văn Đồng và THCS Nguyễn Trãi, năm 2008 điểm BĐVH xã Ea Na (huyện Krông Ana) đã đầu tư 10 máy tính cung cấp thêm dịch vụ Internet, giúp người dân tiếp cận thông tin nhanh chóng và thuận tiện. Khách hàng chủ yếu là học sinh và bà con nông dân trên địa bàn. Em Lê Thị Mỹ Linh, học sinh lớp 11, Trường THPT Phạm Văn Đồng đang truy cập mạng cho biết: “Sau mỗi buổi học hoặc những ngày nghỉ cuối tuần, em và các bạn thường ra BĐVH xã truy cập Internet đọc báo Hoa học trò, Mực Tím…và tìm hiểu thêm các thông tin bổ ích cho học tập.  Đến với điểm BĐVH xã Ea Na, giao dịch viên Lê Thị Trang hướng dẫn tận tình và quản lý chặt chẽ, vì vậy các em học sinh rất vui vẻ và chấp hành nghiêm túc quy định của đơn vị. Ngay cả các bậc phụ huynh cũng rất yên tâm về con em mình mỗi khi đến điểm BĐVH xã. Chị Đào Thị Sinh (thôn 1, xã Ea Na) mẹ của em Nguyễn Kỳ Duyên, học sinh lớp 10, Trường THPT Phạm Văn Đồng chia sẻ: “Nhờ tiếp cận thêm thông tin, trao đổi bài học trên Internet tại điểm BĐVH xã nên con tôi rất chăm chỉ học hành, năm nào cũng đạt học sinh khá hoặc giỏi của trường”. Chị Sinh còn cho biết thêm, nhờ có dịch vụ Internet này mà bà con nông dân có thêm kênh thông tin mới để tìm hiểu về các loại giống cây trồng, vật nuôi mới hiệu quả để vận dụng tại địa phương, từ đó nhiều gia đình cũng thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng, tiêu biểu như gia đình các anh Y Liêm Niê, Lãnh Văn Kiềm...

Nơi giữ gìn và phát huy văn hóa đọc

Người dân xã Krông Na đến BĐVH xã đọc sách, báo. Ảnh: Thúy Hồng
Người dân xã Krông Na đến BĐVH xã đọc sách, báo. (Ảnh: Thúy Hồng)

Nằm cách trung tâm huyện gần 15 km, điểm BĐVH Bản Đôn (xã Krông Na, huyện Buôn Đôn) từ lâu đã trở thành địa chỉ không thể thiếu của người dân trong xã. Với đặc thù của xã là tập trung các cơ quan hành chính sự nghiệp như: trường học, doanh trại quân đội, nhà máy thủy điện... do đó nhu cầu sử dụng các dịch vụ như: chuyển tiền, bưu kiện, gửi thư nhanh của cán bộ, công nhân và người dân địa phương là rất lớn. Mặt khác, với số lượng sách, báo được trang bị khá lớn, phong phú như sách khoa học-kỹ thuật, văn học, lịch sử, truyện thiếu nhi, báo Nhân dân, Dak Lak, Hoa học trò… đã thu hút đông đảo người dân và học sinh đến tìm đọc. Trung bình mỗi ngày BĐVH Bản Đôn đón tiếp hàng chục lượt người đến tìm hiểu thông tin và giao dịch. Chị Nguyễn Thị Hương, một người dân địa phương hằng tháng đến BĐVH để gửi tiền cho con gái học đại học ở TP. Hồ Chí Minh chia sẻ: “Hằng tháng tôi đều đến BĐVH xã gửi tiền theo hình thức chuyển phát nhanh. Thuận tiện nhất là giờ làm việc của BĐVH xã không giới hạn, có khi đã quá muộn nhưng cần gửi tiền gấp nhân viên ở đây vẫn vui vẻ mở cửa làm việc”. Với ông Lê Trung Đông thì việc đọc báo hằng ngày là một thú vui của tuổi già, cứ 3 giờ chiều ông lại đạp xe đến BĐVH xã đọc báo Dak Lak, báo Nhân Dân để biết được tình hình trong tỉnh, trong nước. Có thể nói, đối với người dân vùng sâu, vùng xa thì việc đọc sách, báo miễn phí vẫn phần nào hấp dẫn, bởi không phải ai cũng có điều kiện đặt mua báo. Bên cạnh đó là những cuốn sách về kỹ thuật canh tác nông nghiệp, chăn nuôi cũng luôn là nguồn thông tin bổ ích cho những người nông dân; sách báo thiếu nhi, tài liệu dạy-học cũng là một nguồn thông tin bổ ích mà học sinh và giáo viên địa phương tìm đến đọc thường xuyên. Bà Lê Thị Hợp, nhân viên điểm BĐVH Bản Đôn cho biết: “Từ nhiều năm nay, đơn vị hoạt động khá tốt, đặc biệt là dịch vụ chuyển tiền, bưu kiện phát nhanh. Nhờ vậy, trung bình hằng tháng Bưu điện đạt doanh thu từ 7 đến 10 triệu đồng. Mặc dù chưa có hệ thống Internet, nhưng tỷ lệ người dân đến tìm hiểu thông tin và giao dịch hằng ngày khá đông, do đó thời gian mở cửa để phục vụ người dân tại Bưu điện thường từ 6 giờ đến hơn 22 giờ. Nhiều lúc đã khuya, nhưng nếu người dân có nhu cầu giao dịch tôi vẫn mở cửa phục vụ”.

Box: Ngày 26-10-2011, UBND tỉnh có Quyết định số 2790 phê duyệt Đề án thực hiện chi trả trợ cấp xã hội trên địa bàn tỉnh thông qua cơ quan cung cấp dịch vụ. Theo đó, từ quý IV-2011, có 10 điểm BĐVH xã của 3 huyện triển khai thí điểm chi trả trợ cấp hằng tháng cho các đối tượng bảo trợ xã hội. Từ năm 2012 sẽ triển khai đại trà tại tất cả các điểm BĐVH xã trong tỉnh. Ông Nguyễn Như Vân, Giám đốc Bưu điện tỉnh cho biết, việc chi trả trợ cấp xã hội thông qua cơ quan cung cấp dịch vụ là rất cần thiết, phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, thuận lợi cho đối tượng thụ hưởng, mang tính chuyên nghiệp bền vững, chính xác, nhanh chóng, ít rủi ro, tiết kiệm chi phí, nâng cao tính cạnh tranh của các cơ quan cung cấp dịch vụ, từ đó giúp đối tượng thụ hưởng các dịch vụ, có chất lượng…


Nguyên Hoa - Lê Thành - Hồng Thúy
 


Ý kiến bạn đọc