Dân vận bắc cầu nối những bờ vui..
“Chìa khóa kiến thức” ở Dhă Prông
Với họ, không cứ phải cái gì quá to tát, gần dân, giúp dân từ những công việc đời thường là đã làm dân vận… Suy nghĩ đúng, giản dị, việc làm nhỏ nhưng hiệu quả mang lại rất lớn.
Buôn Dhă Prông (xã Cư Êbur, TP. Buôn Ma Thuột) không chỉ được biết đến là nơi chôn nhau cắt rốn của cố NSND Y Moan – giọng ca huyền thoại núi rừng Tây Nguyên mà còn khiến nhiều người ngỡ ngàng trước sự đổi thay từ trong chính nhận thức về kỹ thuật chăn nuôi, trồng cà phê để phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Điều đáng nói, những đổi thay ấy là kết quả của sự giúp đỡ giữa các đơn vị kết nghĩa với Dhă Prông.
Dhă Prông vẫn tự hào và trân trọng khi được Đảng, Nhà nước, các cơ quan đơn vị của tỉnh, TP. Buôn Ma Thuột dành nhiều sự quan tâm. Người dân Dhă Prông khoe rằng mình có nhiều anh em kết nghĩa lắm, nào là Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp tỉnh, Công an TP. Buôn Ma Thuột và thôn 3 (xã Cư Êbur, TP. Buôn Ma Thuột). Ngoài hoạt động thăm hỏi, tặng quà nhân dịp lễ Tết, sợi dây gắn kết bền chặt nghĩa tình giữa Dhă Prông và các đơn vị kết nghĩa chính là “chìa khóa kiến thức” để xóa đói giảm nghèo. Đến Dhă Prông mùa thu hoạch cà phê hầu như nhà nào cũng cà phê phơi đầy sân, thậm chí còn chất thành từng đống cao. Chị H’Vuốt Ênuôl, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân của buôn bảo: “Từ vài năm nay thôi chứ mấy năm trước đây cà phê năng suất thấp lắm”. Quả thật theo như lời chị H’Vuốt kể thì bà con Dhă Prông có tài nguyên vàng là quỹ đất đỏ bazan màu mỡ mà không biết khai thác nên vẫn nghèo. Tất cả là vì thiếu kiến thức khoa học kỹ thuật, sản xuất trồng trọt thì độc canh, có vốn nhiều thì bón phân, tưới nước nhiều, chọn giống tốt, không có thì ít hơn. Cách làm này khiến cà phê hay bị bệnh cho năng suất bấp bênh. Năm, sáu năm nay được các đơn vị kết nghĩa giúp đỡ thông qua các chương trình hỗ trợ phân bón, mở lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật nên kho kiến thức canh tác của bà con ngày một dày thêm. Những vườn cà phê độc canh được tận dụng trồng xen nhiều loại cây khác như sầu riêng, na… vừa tăng thu nhập vừa tạo bóng, giữ độ ẩm cho đất. Bà con đã biết cách cải tạo vườn cà phê theo từng thời điểm từ tỉa cành, bón phân, tưới nước… phù hợp với nhu cầu của cây. Những vỏ chai, bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng thay vì bạ đâu vứt đấy, nay được gom lại, bảo đảm vệ sinh môi trường. Nhiều gia đình còn có sổ ghi chép nông hội quy củ và bài bản lắm. Chính những thay đổi tiến bộ trong nhận thức đã đưa năng suất cà phê ngày càng được cải thiện từ con số chỉ 1 tấn/ha lên gần 4 tấn/ha. Hiện trong buôn có 142 hộ tham gia mô hình liên minh sản xuất cà phê bền vững của Công ty TNHH Một thành viên Xuất nhập khẩu Cà phê 2-9 được hỗ trợ 40% chi phí đầu tư, được bao tiêu, cộng thêm 200 đồng so với giá thị trường.
Cũng từ chương trình kết nghĩa, không chỉ chuyện “cây” mà chuyện “con” ở buôn cũng thay đổi nhiều lắm. Chị H’Vuốt bảo “Cứ ra đường không thấy heo thả rông là rõ. Trước đây mấy ai chăn nuôi biết làm chuồng trại, sử dụng giống lai để tăng hiệu quả kinh tế. Giờ thì nhà nào cũng đầu tư làm chuồng nuôi heo, ít cũng 2, 3 con”. Đáng mừng là những hộ nghèo trong buôn đã có cơ hội thoát nghèo từ mô hình nuôi dê do đơn vị kết nghĩa thôn 3 hỗ trợ. Người đầu tiên được hưởng lợi từ mô hình này là gia đình ông Y Blăng Êban. Năm 2008, hộ ông được hỗ trợ 3 con dê, được tư vấn kỹ thuật chăm sóc, làm chuồng trại chăn nuôi đúng quy cách. Nhờ vậy, chỉ sau 3 năm, đàn dê đã phát triển lên 11 con. Thêm vào đó, từ vốn vay 8 triệu đồng của Ngân hàng Chính sách Xã hội, ông đầu tư mua thêm 3 con dê giống nên đến nay đã có tổng đàn dê 20 con. 3 con giống ban đầu nay đã được chuyển tiếp cho gia đình bà H’ Luăt Êban - một hộ nghèo khác trong buôn.
Toàn buôn có 640 hộ, trong đó còn 68 hộ nghèo, dù còn phải nỗ lực nhiều nhưng đó cũng là con số trong mơ của Dhă Prông cách đây vài năm trước. Điều quan trọng là từ mối tình kết nghĩa, bà con đã có “chìa khóa kiến thức” trong tay để mở cửa đuổi cái nghèo cái đói, đón một cuộc sống ấm no, ổn định, để ngày càng có nhiều ngôi nhà mới khang trang, tô điểm cho buôn làng thêm trù phú.
Đàm Thuần – Nguyễn Xuân
Ý kiến bạn đọc