Multimedia Đọc Báo in

Ea Súp: Vẫn “nóng” về an ninh rừng vùng dự án

09:46, 13/01/2012

Trong số 6.445,64 ha đất rừng được giao cho 9 doanh nghiệp thuê trồng rừng, cao su tại địa bàn huyện Ea Súp, sau gần 2  năm đã có hơn 2.000 ha bị phá. Đó là con số báo cáo mới nhất từ Chi cục kiểm lâm tỉnh trong đợt kiểm tra, rà soát các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh vào giữa tháng 12-2011. Điều này cho thấy an ninh vùng dự án vẫn đang đối mặt với nhiều áp lực trong khi thiếu biện pháp xử lý triệt để.

Theo báo cáo của Hạt kiểm lâm Ea Súp, trong số 9 doanh nghiệp (DN) được UBND tỉnh cho chủ trương thuê đất trồng cao su, trồng, quản lý bảo vệ rừng tại huyện Ea Súp có 4 DN đã triển khai dự án, 2 DN mới có quyết định cho thuê đất, 3 DN chỉ mới cho chủ trương (chưa có quyết định thuê đất). Tuy nhiên, dù là DN đã triển khai hay chỉ mới được cho chủ trương thì cả 9 DN này đều để mất rừng với diện tích từ vài chục đến vài trăm ha. Công ty Cổ phần (CP) Vinamit được UBND tỉnh quyết định cho thuê diện tích 925,83 ha tại xã Cư M’lan để vừa quản lý bảo vệ rừng vừa đầu tư trồng mít; tuy nhiên chưa triển khai dự án thì diện tích rừng đã bị phá lên đến 569,7 ha. Tương tự, Công ty CP Cao su Tri Đức cũng được UBND tỉnh cho thuê 996,7 ha rừng ở xã Ea Bung để quản lý bảo vệ và trồng cao su, cây ăn quả, nhưng đến nay hơn 824 ha rừng giao cho DN đã bị xóa sổ. Ngay như đối với 3 DN chỉ mới có chủ trương chứ chưa có quyết định cho thuê đất, nhưng tổng diện tích bị phá lên đến 437,34 ha/1.711,03 ha dự kiến sẽ được thuê, trong đó Công ty CP địa ốc Bình Phát và Doanh nghiệp tư nhân Phan Hồng có số diện tích rừng bị phá lớn nhất, lần lượt là 278,35ha/708,77ha, 132,97 ha/546,65 ha.
Kiểm tra rừng trồng ở Ea Súp
Kiểm tra rừng trồng ở Ea Súp
Tại cuộc họp liên ngành để bàn biện pháp xử lý tổ chức trong tháng 12-2011 đã kết luận, thực trạng phá rừng vùng dự án trên địa bàn Ea Súp là rất nghiêm trọng. Nguyên nhân ban đầu được xác định là do người dân lấn chiếm đất để được đền bù khi dự án triển khai. Để xử lý trách nhiệm liên quan đến vấn đề này thì cần các cơ quan hữu quan nhanh chóng vào cuộc điều tra làm rõ, bởi thời gian phá rừng kéo dài từ lúc các DN triển khai bước khảo sát, lập dự án cho đến khi được thuê đất thực hiện dự án. Cũng tại cuộc họp này, các cấp, ngành đã đề ra các biện pháp xử lý: đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các ngành Công an, Kiểm lâm tiến hành điều tra theo quy định của pháp luật; tạm đình việc triển khai dự án để điều tra xử lý trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân liên quan; buộc bồi thường thiệt hại tài nguyên rừng và trồng lại rừng trên diện tích rừng bị phá… Tuy nhiên, nếu làm tốt công tác này cũng chỉ là xử lý việc đã rồi, dư luận đặt dấu hỏi là tại sao rừng bị xâm hại trái phép kéo dài với diện tích khá lớn, nhưng không có biện pháp ngăn chặn kịp thời, chỉ đến khi rừng bị phá lên đến con số hàng nghìn hec-ta thì các cấp, ngành liên quan mới vào cuộc (?!) Mới đây, trong đợt rà soát thứ 5 các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh đã tạm dừng chủ trương đối với việc triển khai thực hiện 9 dự án của 9 DN này. Chủ tịch UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo các cấp, ngành kiên quyết xử lý trách nhiệm đối với việc để rừng vùng dự án bị mất, bị xâm hại trái phép trong 2 năm qua, với hơn 2.000 ha rừng đã vĩnh viễn bị xóa sổ.
Nhiều diện tích rừng vùng dự án Ea Súp bị xâm hại trái phép.  (Ảnh minh họa)
Nhiều diện tích rừng vùng dự án Ea Súp bị xâm hại trái phép. (Ảnh minh họa)
Ông Nguyễn Văn Xuân, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thừa nhận: Việc quản lý, bảo vệ, phát triển rừng luôn đối mặt với những khó khăn thách thức và chịu nhiều áp lực cho nên cần sự  chung sức của cả cộng đồng. Việc để rừng vùng dự án bị xâm hại nghiêm trọng trong thời gian qua, trách nhiệm đầu tiên thuộc về ngành nông nghiệp đã thiếu sâu sát trong chỉ đạo, giám sát đối với những đơn vị có dự án đầu tư. Đây chính là bài học đắt giá, bởi rừng thì đã mất mà hiệu quả đầu tư từ các dự án thì chưa thấy đâu! Theo báo cáo của sở này, năm 2011, UBND tỉnh đã chấm dứt chủ trương khảo sát, lập dự án của 30 đơn vị, với tổng diện tích 21.353 ha, trong đó 12 dự án trồng rừng, 15 dự án trồng cao su; tạm dừng chủ trương triển khai 18 dự án của 18 đơn vị. Như vậy, đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh còn 57 dự án trồng, cải tạo, quản lý, bảo vệ rừng, cao su và nông lâm nghiệp khác đang tiếp tục triển khai. Tuy nhiên, để chương trình dự án mang lại hiệu quả thiết thực về kinh tế, xã hội thì các ngành, các cấp cần tăng cường hơn nữa các biện pháp quản lý và xử lý triệt để, kịp thời các trường hợp vi phạm.

Yên Ninh


Ý kiến bạn đọc