Multimedia Đọc Báo in

Giữ lấy làng nghề

03:50, 26/01/2012

Mỗi một sản phẩm thủ công truyền thống không chỉ mang giá trị vật chất mà còn thể hiện bản sắc văn hóa truyền thống độc đáo của mỗi dân tộc. Tuy nhiên, trong nền kinh tế thị trường các sản phẩm từ các làng nghề truyền thống đang mất dần chỗ đứng, các làng nghề vì vậy đang có nguy cơ mai một và biến mất…

Đi tìm hương rượu cần truyền thống

Bà H’Hương Byă (buôn Cuôr Đăng B, xã Cuôr Đăng, huyện Cư M’gar) biết ủ rượu cần từ lúc còn nhỏ; khi lập gia đình, bà đã tạo dựng nên thương hiệu “Rượu cần Amí Gzoan”. Hồi mới tạo lập, rượu của gia đình bà chủ yếu bán trong buôn, xã vào những dịp lễ hội: mừng lúa mới, lễ bỏ mả, đám cưới, đám tang... Dần dần qua truyền miệng, sản phẩm “Rượu cần Amí Gzoan” đã được nhiều người biết đến, và nó đã theo những chuyến xe đi Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Khánh Hòa... cùng nhiều tỉnh thành trong cả nước. Với kinh nghiệm hơn 20 năm nấu rượu cần, bà H’Hương Byă đã quyết định truyền nghề cho con trai là Y Gzoan Byă (buôn Kô Thông, phường Tân Lợi, TP. Buôn Ma Thuột) và con gái H’ Loan Byă (buôn A Lê A, phường Ea Tam, TP. Buôn Ma Thuột) để bảo tồn nghề truyền thống của gia đình. Từ nghề nấu rượu cần, mỗi năm gia đình bà thu về hàng trăm triệu đồng và tạo việc làm cho nhiều lao động trong buôn có nguồn thu nhập ổn định.

Rượu cần, một lễ vật không thể thiếu trong các lễ cúng của buôn làng. Ảnh: Thúy Hồng
Rượu cần, một lễ vật không thể thiếu trong các lễ cúng của buôn làng. (Ảnh: Thúy Hồng)

Tuy nhiên, hiện nay một số người sản xuất, kinh doanh vì chạy theo lợi nhuận đã thay đổi một vài nguyên liệu và cách pha chế rượu cần truyền thống. Vấn đề đáng lo ngại nhất là sự thay đổi theo chiều hướng tiêu cực trong việc chế biến men ủ làm ảnh hưởng đến hương vị truyền thống. Mặt khác, nghề truyền thống này cũng đang dần bị mai một khi lớp trẻ trong buôn bây giờ phần nhiều không biết ngay cả cách lên men rượu, cho nên số người nấu được rượu ngon không nhiều, chủ yếu là những người già trong buôn. Gia đình chị H’Wăn (xã Krông Knô, huyện Lak) là một trong những hộ hiếm hoi trên địa bàn hiện đang còn giữ được truyền thống ủ rượu cần bằng lọai men cây rừng tự chế biến. Hằng năm, cứ vào tháng 12 dương lịch, chị H’Wăn lại lên rừng hái lá cây về làm men rượu cần cho dịp lễ cuối năm và để dành cho cả năm sau. Để có những nguyên liệu này, chị thường phải vào sâu trong những cánh rừng già, nhưng các loại lá để làm men cũng không còn nhiều như trước. Đó cũng là nguyên nhân mà người ta sử dụng các loại men có bán sẵn ngoài chợ để nấu rượu, hương vị truyền thống của rượu cần theo đó mà mất đi. Bà H’Lil Mlô, người còn lưu giữ được cách ủ rượu cần truyền thống ở buôn Tring, thị xã Buôn Hồ chia sẻ:  “Làm men và ủ rượu cần truyền thống hiện chỉ còn số ít người già trong một vài buôn lưu giữ được, đây là một điều rất đáng tiếc. Rượu cần truyền thống là một nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Tây Nguyên, cho nên nó cần được quan tâm gìn giữ đúng màu sắc và hương vị vốn có”.

Nhớ lách cách tiếng thoi buôn Wiao, buôn Ur

Thị trấn Krông Năng có 3 buôn đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ là Wiao A, Wiao B và buôn Ur san sát nhau. Gần chục năm về trước khi đi vào 3 buôn này người ta dễ bắt gặp cảnh những thiếu nữ hay những amí nâng niu những tấm chăn, tấm áo thổ cẩm, Băn bă năc (tấm vải địu con) truyền thống của đồng bào mình đem phơi dọc các bờ rào; nghe những tiếng lách cách nhịp nhàng, êm êm  rất vui tai của khung cửi, tiếng thoi đưa đều đều phát ra từ những ngôi nhà dài truyền thống. Thời kỳ hưng thịnh, gia đình nào cũng có từ 2 – 3 bộ khung cửi. Bẵng đi một thời gian, những người thạo dệt thổ cẩm của các buôn cũng dần theo về bến nước ông bà, lớp trẻ thì không còn ngó ngàng đến khung cửi, các trang phục truyền thống cũng ít được mặc, được yêu thích. Người lớn tuổi vì thế đã xếp khung cửi, cuộn tròn treo vách nhà dài, để mặc bụi bám.

 Buôn Ur giờ chỉ còn mỗi Amí H’Rem, hơn 60 tuổi là còn giữ được nghề. Amí có 4 bộ khung cửi, nhưng hiện giờ chỉ sử dụng 1 bộ, 3 bộ còn lại được cuộn cẩn thận treo bên vách nhà. Amí H’Rem kể: ngày xưa nhà Amí có đông người biết dệt vải, dệt áo quần lắm, những bộ khung cửi treo trên vách nhà đó là của các dì của Amí để lại. Ngày còn trẻ, chừng 17-18 tuổi Amí đã biết se sợi chỉ, biết dệt thuần thục rồi. Con gái Êđê ngày xưa đến cái tuổi đó ai cũng phải biết dệt cho mình những chiếc váy, những túi đeo, đặc biệt là phải biết dệt một tấm Băn bă năc để sau này khi lấy chồng còn có cái mà địu con. Amí H’Rem ngày xưa chẳng được ai truyền dạy, chỉ nhìn các cô, dì trong nhà dệt rồi bắt chước theo; chỗ nào không biết thì hỏi, cứ như vậy mà thuần thục. Hôm chúng tôi ghé nhà, Amí đang lúi húi dệt tấm Băn bă năc cho cháu gái con người chị ruột là H’Mơi M’lô đến nhờ dệt giúp. Chả là cậu con trai nhà H’Mơi cưới vợ được gần năm nay và mới có con, theo truyền thống thì H’Mơi sẽ tặng một tấm Băn bă năc cho vợ chồng người con trai để chúng có cái địu con. Nhưng vì không biết dệt nên chị đành ra chợ mua chỉ, len rồi mang đến nhờ dì mình dệt cho một tấm để tặng con trai. Amí H’Rem cho biết: một tấm Băn bă năc khi hoàn thành có độ dài khoảng 3m và phải dệt liên tục trong vòng một tuần. Tấm Băn bă năc đẹp là tấm có nhiều hoa văn hình vuông hay hình tam giác đan vào nhau được dệt từ rất nhiều sợi chỉ màu. Những hình họa trên tấm Băn bă năc hầu hết là do thợ dệt trong quá trình dệt tự nghĩ ra, thích hình họa gì thì dệt hình đó. Chúng tôi hỏi H’Mơi không biết dệt sao không mua một tấm ngoài chợ về tặng con trai, H’Mơi ngượng ngùng trả lời: Băn bă năc bán ngoài chợ mỏng và mau hỏng, lại không đẹp bằng những tấm mình tự dệt. Mí H’Rem cho biết, ngày xưa chỉ và len dùng để dệt vải đều do các gia đình tự trồng bông rồi se sợi đem nhuộm, sau đó cất để dệt dần. Ngày nay không còn gia đình nào tự trồng bông làm sợi nữa, do đó chỉ, len chủ yếu là mua ngoài chợ về, vừa rẻ lại vừa tiện. Như tấm Băn bă năc mà H’Mơi nhờ Amí dệt phải mua hết hơn 200 nghìn tiền chỉ. Trong nhà Amí H’Rem có rất nhiều túi xách, chăn, áo, Băn bă năc bằng thổ cẩm, nhưng Amí cho biết chỉ dệt để cất trong nhà làm kỷ niệm hoặc để tặng người thân chứ không bán.

Những tấm chăn thổ cẩm được mang ra phơi ở buôn Wiao a ngày một ít đi. Ảnh: Lệ Văn
Những tấm chăn thổ cẩm được mang ra phơ i ở buôn Wiao A ngày một ít đi. (Ảnh: Lệ Văn) 

Còn ở buôn Wiao A, cả buôn hiện  nay chỉ còn mình Amí Mưn (61 tuổi) là duy trì nghề dệt. Ngay trước cửa ra vào nhà, bộ khung cửi với tấm chăn thổ cẩm đang dệt dở, được cuộn tròn treo một bên vách nhà. Tấm chăn này là Amí đang dệt giúp một người họ hàng trong buôn. Amí Mưn cho biết, một tấm chăn thổ cẩm nếu nhanh cũng phải mất gần 15 ngày dệt liên tục. Tấm chăn này Amí dệt gần một tháng mà vẫn chưa hoàn thành, bởi người ta nhờ dệt vào đúng dịp gia đình đang bận thu hái cà phê nên Amí chỉ tranh thủ vào buổi tối. Khác với Amí H’Rem, Amí Mưn dệt thường xuyên hơn và Amí còn dệt để bán. Chiếc tủ gỗ đặt ở góc nhà chứa khá nhiều các trang phục truyền thống bằng thổ cẩm, túi xách, Băn bă năc… tất cả đều do Amí dệt để bán. Ngoài ra trong tủ còn đựng rất nhiều cuộn chỉ, len, chủ yếu là người trong buôn mang đến nhờ Amí dệt giúp. Tiền công Amí chỉ lấy vài chục ngàn một sản phẩm. Nhà Amí Mưn có đến 7 người con gái, tất cả đều đã có gia đình, nhưng không một cô con gái nào biết dệt. Hỏi H’Uyn Niê (22 tuổi), con gái út của Amí Mưn vừa mới cưới chồng: “Sao không học dệt?”. Cô bẽn lẽn cười: “Bây giờ váy truyền thống chỉ mặc khi có lễ hội thôi nên không ai còn muốn học dệt”. Amí H’Rem có 2 con gái, Amí cũng đã từng truyền dạy nghề rồi, nhưng không cô nào học được. Chị H’Juyên Niê, là cán bộ dân vận huyện Krông Năng đang sinh sống tại buôn Ur cho biết. Cách đây không lâu, các buôn Wiao A, Wiao B, buôn Ur được chọn để phục dựng nghề dệt thổ cẩm truyền thống. Địa phương tổ chức được 3 lớp dạy ở nhà văn hóa cộng đồng 3 buôn; vận động được nhiều amí thạo nghề dệt đến hướng dẫn, nhưng lớp trẻ không mấy mặn mà. Nhiều người học xong rồi quên ngay, bởi chúng không còn đam mê  và không đủ kiên nhẫn để ngồi lâu bên khung cửi”. Cũng theo chị H’Juyên, các bộ trang phục truyền thống bây giờ người dân rất ít mặc, nhất là lớp trẻ. Người ta chỉ mặc trang dân tộc vào các dịp lễ hội truyền thống như cúng lúa mới, cúng bến nước… nhưng ngay cả các phong tục này nhiều nơi không còn duy trì. Sản phẩm thổ cẩm dệt truyền thống làm ra mà đến người dân trong buôn còn không sử dụng, thì biết bán cho ai. Thành thử, người tâm huyết với dệt thổ cẩm như Amí H’Rem, Amí Mưn có nhiều khung cửi đến mấy cũng phải cuộn tròn treo vách nhà...

Làm sao giữ “lửa”?

Một trong những nét văn hóa đặc sắc đậm chất Tây Nguyên đó là nghề dệt thổ cẩm. Đây là nghề tạo ra những sản phẩm mà bàn tay, khối óc của người thợ gửi gắm vào đó cả phong tục tập quán, tín ngưỡng nghi lễ, đời sống sinh hoạt của cộng đồng. Chính vì vậy, hoa văn, màu sắc trên các sản phẩm thổ cẩm tuy mộc mà không thô. Cái chất Tây Nguyên nằm ở chính từ những đường nét mộc mạc đơn sơ ấy. Nhưng một thực tế là hiện nay các sản phẩm thổ cẩm đang mất dần chỗ đứng trong đời sống cộng đồng; tiếng khung cửi vì vậy cũng thưa dần trong các buôn làng. Trong nỗ lực để duy trì một nghề đang có nguy cơ mất dần trong đời sống cộng đồng của người dân bản địa, nhiều hợp tác xã dệt thổ cẩm đã ra đời. Là người quyết tâm khôi phục nghề dệt thổ cẩm nên chị H'Yam, Chủ nhiệm HTX Dệt Thổ cẩm Tơng Bông (xã Ea Kao. TP. Buôn Ma Thuột) đã không quản ngại khó khăn, ra Bắc vào Nam, tham gia hết hội chợ này, triển lãm nọ để tìm kiếm thị trường cho những sản phẩm thổ cẩm được làm ra bằng những đôi tay của chị em ở buôn Tăng Yú. Cũng bởi quyết tâm gắn bó với nghề mà chị tự bỏ vốn ra hơn 200 triệu đồng, huy động thêm 80 triệu đồng từ những chị em xã viên có điều kiện kinh tế khá giả cùng góp vốn cho Hợp tác xã Dệt thổ cẩm Tơng Bông để làm vốn duy trì hoạt động. Chị bảo: Khi mới thành lập, HTX đối mặt với muôn vàn khó khăn, đành cầm cự bằng cách làm ăn manh mún, nhỏ lẻ, gắn bó với nghề bằng cách lấy công làm lãi. Mỗi xã viên phải tự nỗ lực tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm bằng cách mang hàng đi bán lẻ, hoặc ký gửi nhờ các cửa hàng trên phố bán giúp. Khó khăn là vậy nhưng không ai bỏ nghề. Là người yêu thổ cẩm, lại làm chủ nhiệm HTX nên chị H’Yam luôn tự nhủ phải làm mọi cách để chị em không ai xa rời khung cửi. Rồi những cố gắng ngược xuôi tìm kiếm mẫu mã, hoa văn, học thêm kỹ thuật thêu để làm đa dạng hóa cho sản phẩm thổ cẩm mà chị dày công đầu tư công sức cũng đã được đền đáp: HTX đã tạo việc làm thường xuyên cho 42 chị em là xã viên với thu nhập bình quân trên 1 triệu đồng/tháng, và việc làm thời vụ cho 100 chị em của buôn Tăng Yú. Những sản phẩm chị em trong HTX làm ra đã được thị trường đón nhận, giờ đây ở buôn Tăng Yú tiếng thoi đã ngày ngày vang lên đều đặn... Làng dệt thổ cẩm Krông Nô (xã Krông Nô, huyện Lak cũng quy tụ hơn 30 chị em yêu thích nghề dệt của huyện Lak và xã Đạ M’rông (Lâm Đồng). Điều đặc biệt là chị em ở đây tuổi đều còn rất trẻ, vì yêu thích, đam mê với nghề truyền thống mà gắn bó với con thoi, sợi len, sợi chỉ. H’Huyên R’lâm ở buôn Lê, thị trấn Liên Sơn là một trong những cô gái như thế. Vì yêu thổ cẩm mà quyết tâm đến đây học nghề, rồi ở lại đây ngày ngày làm bạn với con thoi. H’Huyên cũng là thành viên duy nhất trong gia đình biết dệt, ngay cả trong buôn Lê, thì những người trẻ như em biết dệt, yêu nghề dệt truyền thống cũng thật hiếm hoi. 

Đam mê thổ cẩm, H’Huyên đã quyết tâm theo học nghề dệt và ngày ngày làm bạn với con thoi. Ảnh: Lê Hương
Đam mê thổ cẩm, H’Huyên đã quyết tâm theo học nghề dệt và ngày ngày làm bạn với con thoi. (Ảnh: Lê Hương)

Khôi phục, bảo tồn và phát huy, phát triển làng nghề truyền thống không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế, xã hội mà còn góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa, nâng cao đời sống tinh thần cho cộng đồng dân cư, đồng bào các dân tộc. Vẫn là nỗi day dứt với sự mất – còn của nghề dệt thổ cẩm, nên các làng nghề cần có sự hỗ trợ đầu tư, hợp tác từ nhiều phía. Có như vậy thổ cẩm cũng như những sản phẩm của các làng nghề truyền thống mới được gìn giữ, phát triển thành những thương hiệu hàng hóa, có điều kiện mở rộng sản xuất, phát triển thị trường, góp phần nâng cao đời sống kinh tế, văn hóa - xã hội của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên.

Lê Hương – Lệ Văn –Thúy Hồng

 

Ý kiến bạn đọc