Multimedia Đọc Báo in

Hội nghị giao ban trực tuyến sơ kết 2 năm thực hiện đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn:

Cả nước đã tổ chức dạy nghề cho gần 800.000 lao động nông thôn

14:55, 11/01/2012

Sáng 11-1, Ban Chỉ đạo Trung ương thực hiện Quyết định số 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã tổ chức Hội nghị giao ban trực tuyến với UBND 63 tỉnh, thành phố trong cả nước nhằm sơ kết 2 năm thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn và triển khai kế hoạch thực hiện năm 2012. Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương Nguyễn Thiện Nhân chủ trì Hội nghị. Tham dự ở đầu cầu Dak Lak có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Khiết; đại diện lãnh đạo các sở, ngành liên quan.

daseg
Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại Hội nghị

Sau 2 năm (2010-2011) triển khai thực hiện Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn, các địa phương đã cơ bản hoàn thành việc tổ chức thí điểm các mô hình dạy nghề và đặt hàng dạy nghề, xây dựng được một số mô hình tiên tiến; huy động được cả hệ thống chính trị, các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ, các nguồn lực xã hội tham gia dạy nghề; phân công rõ ràng trách nhiệm của các cơ quan và phối hợp chặt chẽ trong thực hiện. Nhiều địa phương đã hỗ trợ cho lao động sau khi học nghề có điều kiện sản xuất, kinh doanh; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, tư vấn học nghề và việc làm cho lao động nông thôn.

Trong 2 năm, cả nước đã tổ chức dạy nghề cho gần 800.000 lao động nông thôn theo chính sách của Đề án; trong đó có 46% lao động học các nghề nông nghiệp, 54% học các nghề phi nông nghiệp. Các đối tượng học nghề có 32,6% thuộc diện hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, hộ nghèo, người dân tộc thiểu số, tàn tật, người bị thu hồi đất canh tác; 10,6% thuộc diện cận nghèo, còn lại là đối tượng lao động nông thôn khác. 54/63 tỉnh, thành phố có tỷ lệ người lao động có việc làm sau đào tạo nghề đạt trên 70%.

Riêng tỉnh Dak Lak, 15/15 huyện, thị xã, thành phố đã thành lập và xây dựng quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo Đề án 1956; UBND tỉnh đã ban hành danh mục 37 nghề đào tạo cho lao động nông thôn. Trong 2 năm qua, toàn tỉnh đã tổ chức 143 lớp dạy nghề nông nghiệp, công nghiệp – dịch vụ cho 4.627 người với tổng kinh phí trên 70,2 tỷ đồng, trong đó, kinh phí của Trung ương hỗ trợ trên 55 tỷ đồng, còn lại là của địa phương. Số lao động nông thôn sau khi học nghề làm đúng với nghề được đào tạo có 3.324 người.

Tuy nhiên, công tác dạy nghề cho lao động nông thôn trong 2 năm  qua mới chủ yếu tập trung vào các mô hình thí điểm, việc đào tạo mở rộng vẫn còn hạn chế, yếu kém như: đào tạo nghề chưa phù hợp với nhu cầu, điều kiện của người học, chưa gắn chặt với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp…

dfsf
Bộ trưởng Bộ Lao động  - Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền báo cáo tóm tắt kết quả triển khai thực hiện Đề án

Năm 2012, cả nước đặt ra mục tiêu hỗ trợ dạy nghề cho 600.000 lao động nông thôn theo chính sách của Quyết định 1956, ít nhất 70% có việc làm sau đào tạo; tiếp tục tăng cường năng lực cho các cơ sở tham gia dạy nghề; nhân rộng các mô hình thí điểm và thí điểm thêm một số mô hình khác; mở rộng hình thức cấp thẻ học nghề.

fhdsh
Các đại biểu ở đầu cầu Dak Lak tham dự Hội nghị trực tuyến

Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân đã khẳng định tính đúng đắn của việc triển khai thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đồng thời chỉ rõ những tồn tại, hạn chế trong việc triển khai thực hiện như: cả nước vẫn còn 9 tỉnh chưa phê duyệt quy hoạch phát triển nguồn nhân lực, 1 tỉnh chưa xây dựng Đề án dạy nghề cho lao động nông thôn, 70% số huyện chưa có cán bộ chuyên trách về công tác dạy nghề, việc đào tạo nghề chưa gắn với thực tiễn và nhu cầu của địa phương, cơ sở vật chất phục vụ công tác đào tạo nghề còn nhiều hạn chế.

Để tiếp tục triển khai có hiệu quả Đề án, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu các bộ, ngành liên quan và các địa phương nhanh chóng khắc phục những mặt còn tồn tại, đồng thời cần rà soát lại các chính sách đã ban hành, nếu cần thì điều chỉnh cho phù hợp với thực tế; có niêm yết công khai bảng kê các chính sách tài chính hỗ trợ tạo việc làm cho người lao động sau học nghề; xác định việc đào tạo nghề phải gắn với nhu cầu thị trường và bảo đảm việc làm cho người lao động sau đào tạo; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, nhất là việc nhân rộng các mô hình, điển hình dạy nghề hiệu quả; kiện toàn tổ chức, bố trí đủ cán bộ và nâng cao năng lực chuyên môn của cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về dạy nghề; xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện Đề án…

 Nguyễn Xuân

 


Ý kiến bạn đọc