Multimedia Đọc Báo in

KỶ NIỆM 36 NĂM BÁO DAK LAK RA SỐ ĐẦU (15-1-1976 - 15-1-2012)

Chuyện về những người làm báo không chuyên

22:49, 14/01/2012

Chưa từng trải qua trường lớp đào tạo chuyên nghiệp nào, song bằng niềm đam mê, sự nhiệt tình những người làm báo không chuyên đã góp một phần đem đến cho độc giả  Báo Dak Lak những món quà tinh thần sinh động, hấp dẫn và đầy ý nghĩa…

Viết báo như một “nghề tay trái”

Thường xuyên được đọc những bài viết của tác giả Trương Thị Hiền đăng trên Báo Dak Lak đề cập những vấn đề về luật pháp, bạo lực gia đình, sự lệch lạc trong ý nghĩ, hay suy thoái đạo đức… với giọng văn lập luận chặt chẽ, lô gic tôi cứ ngỡ tác giả là người đã lớn tuổi và có vẻ hơi “khô”. Nhưng khi có dịp gặp, trò chuyện với chị, tôi đã thực sự có cái nhìn khác về nhà báo không chuyên này. Sinh năm 1977, hiện đang là nghiên cứu sinh ngành Xã hội học, chị đến với công việc viết báo như một duyên nợ. Khi còn là sinh viên học chuyên ngành Xã hội học ở Phân viện Báo chí tuyên truyền, chị Hiền ở cùng phòng trong khu ký túc xá với một số sinh viên chuyên ngành Báo chí. Chính sự tình cờ này đã tạo điều kiện cho chị học hỏi, tìm hiểu thêm về cách viết báo, chụp ảnh báo chí. Sau khi tốt nghiệp Đại học, từ đầu năm 2001, chị giảng dạy môn Xã hội học tại Trường Đại học Tây Nguyên. Tại đây, chị có nhiều cơ hội tiếp cận những bài báo của PGS.TS. Trần Hữu Quang – người có những ý kiến góp ý giá trị cho luận văn thạc sĩ của chị cũng như luận án tiến sĩ mà chị đang thực hiện. Nhiều lúc, chị ước giá mình cũng được như thầy: thành công trong nghiên cứu khoa học, nổi tiếng với những bài báo khoa học và các bài viết đăng tải trên phương tiện truyền thông đại chúng. Mơ ước đó là động lực để chị bắt đầu viết báo, vừa để thỏa niềm đam mê, yêu thích, cũng vừa rèn luyện, thử thách mình. Chị Hiền tự nhận thấy mình có điều kiện thuận lợi trong việc viết báo: “Công việc giảng dạy xã hội học giúp tôi có những bài viết gắn kết được lý thuyết với những hiện tượng diễn ra trong đời sống thường nhật. Bố tôi vốn là một giáo viên dạy Văn, thường xuyên viết bài cộng tác với Báo Dak Lak. Nhờ vậy, tôi đã học hỏi được nhiều điều từ bố. Ngoài ra, tôi còn có một biên tập viên đặc biệt là chồng mình. Hầu hết những bài báo của tôi đều được anh ấy đọc và góp ý trước khi gửi đến tòa soạn”. Đối với chị, nhưng giờ đây viết báo đã thực sự trở thành “nghề tay trái”, là một phần không thể thiếu trong công việc. Mỗi bài viết được đăng không chỉ mang lại niềm vui mà còn giúp chị khẳng định uy tín nghề nghiệp, rèn luyện kỹ năng phát hiện, giải quyết vấn đề vốn rất cần đối với một người làm nghiên cứu khoa học xã hội. Và trên hết, chị quan niệm, viết báo còn là một trong những cách thể hiện trách nhiệm cá nhân đối với xã hội. Đối với chị, hơn 4 năm qua, số lượng các bài viết được đăng trên Báo Dak Lak như là thành công bước đầu, là nguồn động lực lớn để chị nỗ lực học hỏi, trau dồi kỹ năng chuyên môn, để có cơ hội thể hiện trách nhiệm xã hội nhiều hơn nữa.
N
Chị Trương Thị Hiền đang xem lại bài viết của mình được đăng trên Báo Dak Lak.

Được viết những gì mình tâm đắc là hạnh phúc
Từ nhiều năm nay, cái tên Nguyễn Trúc hay Trúc Hoài dường như đã trở nên khá quen thuộc với bạn đọc Báo Dak Lak qua những bài viết về văn hóa - nghệ thuật, khoa học, lịch sử, song ít người biết rằng ông không phải người làm báo chuyên nghiệp mà chỉ là cộng tác viên của Báo.
Với mong muốn được giao lưu, chia sẻ những suy nghĩ, tình cảm với mọi người về những vấn đề có ích trong xã hội, một người từng gắn bó cả cuộc đời với sự nghiệp giáo dục. Tự nhận mình không viết được những vấn đề mang tính thời sự nên ông thường “đầu tư” vào những vấn đề mình tâm đắc. Và khi đã tâm đắc thì ông lại dày công tôi luyện cho “đứa con” tinh thần của mình thật hoàn hảo. Mặc dù chưa từng một lần đặt chân đến mảnh đất “Mạc Tư Khoa”, song với ông, đất nước Nga lại có sức hút vô cùng mạnh mẽ. Càng yêu con người, nghệ thuật, văn hóa Nga bao nhiêu, ông lại càng muốn chia sẻ tình yêu ấy với mọi người bấy nhiêu. Thế rồi rất nhiều tác phẩm về nước Nga đã ra đời và được chuyển tải đến bạn đọc Báo Dak Lak như: Lừng lẫy bản anh hùng ca Xô Viết; Cuộc cách mạng Tháng 10 Nga - một biến cố lịch sử và quyết liệt; Hồ Thiên Nga, tuyệt tác của nghệ thuật ba lê… Trò chuyện về cái “duyên” với nghề báo, ông bộc bạch: “Trước đây, do làm công tác quản lý tôi hay phải đi công tác ở nhiều nơi. Mỗi lần đi đến đâu, được chứng kiến những cái hay, cái đẹp của mỗi vùng miền, sự sáng tạo của con người thì dù vấn đề ấy lớn hay nhỏ tôi đều tìm hiểu kỹ và viết về nó, viết để tôn vinh cái đẹp, sự thông minh của con người Việt Nam. Sau này, khi việc viết báo đã trở thành việc làm thường xuyên, tôi viết nhiều đến những vấn đề mà bản thân mình tâm đắc, yêu thích như: đất nước, con người và văn hóa Nga; sự kiện động đất ở Nhật Bản (tác phẩm: Bảo vệ trái đất, sứ mệnh cao cả của loài người), thậm chí cả những vấn đề khoa học (các tác phẩm: Đông lạnh sự sống để chờ ngày hồi sinh; Sự sống trong vũ trụ; Sự thống nhất của vũ trụ-Nơi gặp gỡ giữa 2 nền văn minh Đông, Tây)… Khi đã xác định viết về vấn đề nào, tôi phải đầu tư vấn đề ấy thật kỹ, chẳng hạn như để có bài viết “Lừng lẫy bản anh hùng ca Xô Viết” với 3 kỳ dài hơn 10 trang A4, tôi đã phải đọc rất nhiều sách, tổng cộng khoảng 3.000 trang. Tuy nhiên, với tôi, đó không phải là sự vất vả mà là hạnh phúc vì được đọc, được học hỏi và được sẻ chia…”

Ông Trúc thư giãn cùng sách, báo
Ông Trúc thư giãn cùng sách, báo

Quả thực, với mỗi vấn đề dù lớn hay nhỏ, thì mỗi khi viết ông đều chuẩn bị rất kỹ lưỡng và chấp nhận những vất vả, phiền hà có thể nảy sinh từ đó. Đổi lại, ông lại có niềm vui được chia sẻ với công luận những suy tư, tình cảm của mình. Và điều cốt lõi để ông gắn bó với công việc đòi hỏi sự đầu tư lớn ấy chỉ bởi một điều rất đỗi giản đơn: “Viết về những vấn đề mình tâm đắc để chia sẻ với mọi người được Báo chọn đăng là một niềm hạnh phúc đối với tôi, bởi trong cuộc sống thường ngày, tôi thường làm những gì mình thích và coi việc làm được điều đó là hạnh phúc”.

Nguyễn Xuân - Kim Oanh
 


Ý kiến bạn đọc