KỶ NIỆM 36 NĂM BÁO DAK LAK RA SỐ ĐẦU (15-1-1976 - 15-1-2012)
Kỷ niệm về một chuyến tác nghiệp ở buôn xa
Nghề làm báo, mỗi chuyến đi là một lần trải nghiệm. Khi có thời gian ngồi nhớ lại về những nơi mình đã đặt chân đến, mới thấy quý, thấy thương vùng đất, con người nơi đó sao mà chân chất, hồn hậu…
Ngày đầu vào nghề báo, đặt chân lên Dak Lak, cái gì với tôi cũng lạ. Đã chọn nghề thì phải đi, phải viết. Hễ ai “hú” ở đâu có đề tài hay là xách xe máy chạy. Cứ đi đã, đôi khi đi mà không biết ở đó có cái gì. Lần đó tôi bám càng anh bạn đồng nghiệp làm ở báo Sài Gòn Giải Phóng về buôn vùng sâu biệt lập giữa rừng của xã Dak Nuê (huyện Lak) thu thập tư liệu viết về “Buôn sáu không”. Từ TP. Buôn Ma Thuột về buôn này khoảng 100 km, hai anh em cưỡi xe máy chạy vù vù, gần đến thị trấn Liên Sơn thì bất chợt trời đổ mưa ào ào, áo quần ướt sũng. Cả hai cùng chui vào một quán tạp hóa ven đường sắm áo mưa, dép xốp, thay cho giày da bỏ vào túi ni-lon nhét vào cốp xe, rồi đi tiếp.
Đến chiều, vào tới đầu buôn Dlây (xã Dak Nuê) nơi có “buôn sáu không”, đường trơn như bôi mỡ, bánh xe cứ quay tròn mà không nhích lên được, cả hai đành phải xuống dắt bộ. Vất vả đẩy hoài mà xe cũng chẳng nhích được chút nào, đành dắt vào một quán bên đường giới thiệu là nhà báo, xin gửi nhờ xe. Anh chủ quán nhìn chúng tôi với ánh mắt ái ngại: “Tốt nhất hai anh em nên về, hôm nào trời nắng lại xuống. Giờ vào trong đó nếu muốn ra cũng không được đâu”. Thấy chúng tôi quyết tâm vào bằng được, anh bảo nên mua mấy gói mì tôm và nước uống, lỡ vào đó không kịp thì vô chòi canh rẫy của đồng bào ngủ, mai đi tiếp! Anh còn hào phóng cho chúng tôi mượn thêm chiếc đèn pin. Nghĩ chắc anh này thấy mình lạ nên “hù”; nhưng đi được khoảng dăm trăm mét thì mới thấy còn hơn cả lời cảnh báo của anh chủ quán. Đường vào “buôn sáu không” là lối mòn lầy lội, trơn trượt, hai bên mọc đầy lau lách. Chúng tôi phải xăn quần, xách dép, lỉnh kỉnh nước, cơm hộp lội bộ vượt gần 10km đường lầy lội qua mấy con suối và mấy cây cầu. Thỉnh thoảng mới bắt gặp một vài căn nhà được dựng bằng tre, nứa nằm lọt thỏm giữa núi đồi. Trong những căn nhà tranh nứa, những bếp lửa đã bắt đầu nhóm. Trên con đường chính dẫn vào buôn, một tốp công nhân trồng rừng của Công ty gỗ Trường Thành tay xách đồ đạc lỉnh kỉnh đang bước thoăn thoắt về lán; một tốp công nhân nam khoảng trên 10 người lại đi ngược trở ra… Tò mò, chúng tôi bắt chuyện với một thanh niên người dân tộc, anh này cho biết: ở đây không có điện nên tranh thủ ra nhà người quen ở buôn Dlây để xem World Cup. Anh thanh niên bảo: “từ lán ra buôn cả chục cây số, đường lầy lội chỉ có thể đi bộ, phải tranh thủ đi sớm để kịp xem bóng đá, đi muộn tối không thấy đường lại dễ gặp mưa”. Nói xong, anh ta vội vàng bước theo mấy người bạn đang khuất bóng dần, để lại những vết chân trên con đường đất đỏ nhầy nhụa. Chúng tôi cũng bước vội theo hướng của nhóm công nhân phía trước.
Những con đường đất đỏ Tây Nguyên luôn là thử thách đối với cánh phóng viên. |
Trên đường đi, chúng tôi làm quen với hai anh em Cà Văn Bội và Cà Thị Thanh. Qua câu chuyện, biết Bội và Thanh là anh em họ, người dân tộc Tày, đang là học sinh cấp ba ngoài thị trấn Liên Sơn tranh thủ ngày nghỉ vào rẫy phụ giúp gia đình. Đi được một đoạn thì nhóm công nhân rẽ theo hướng khác đi sâu vào trong rừng mất hút. Trên con đường đất chỉ còn lại bốn người, tôi, anh bạn đồng nghiệp và hai anh em Bội, Thanh. Tiếng bốn người râm ran suốt dọc đường. Khi bóng đêm trùm xuống không còn nhìn thấy đường thì chúng tôi cũng đến được nhà Bội, trong nhà Bội còn có mẹ và em gái nữa. Bội nhiệt tình mời chúng tôi tối nay nghỉ lại ở nhà cậu. Bội bảo: “các anh ngủ lại ở nhà em, nhà rộng lắm, chăn màn đầy đủ, các anh đi nữa là không có nhà để nghỉ đâu, dễ bị lạc đường lắm”. Tôi và anh đồng nghiệp nhìn nhau và ngầm bảo: thôi thì ngủ ở đây chứ đi đâu được nữa, núi rừng hoang vắng, các gia đình thưa thớt cách cả trăm mét mới thấy một ánh lửa leo lét. Đi nữa chắc gì người ta đã cho ngủ nhờ. Hai anh em vác ba lô, đồ nghề vứt vào một góc nhà. Thế là có chỗ ngủ, thoát được nỗi lo một đêm hiến máu cho muỗi nếu phải ngủ ở chòi canh cà phê. Có chỗ ngủ ngon lành, máu nghề nghiệp nổi lên, chúng tôi hỏi Bội đường đi về các gia đình trong buôn. Bội chỉ tay về hướng có nhiều ánh lửa và bảo đó là khu người Mông, đi sâu vào nữa là khu lán trại của công nhân gặp lúc chiều, còn chỗ gia đình Bội ở đây là khu người Tày. Bội nói: các anh thích đi hướng nào cũng được, nhưng báo trước là ở đây nhiều suối nhỏ và cầu gỗ, phải đi cẩn thận, không thì dễ bị té lắm.
Lần mò trong đêm tối qua những con đường quanh co, chúng tôi đến được khu người Mông để tìm hiểu cuộc sống, lấy tư liệu viết bài. Thấy một vài gia đình đang xem tivi bằng “điện nước”, chúng tôi chui vào một nhà thì thấy trước chiếc tivi đen trắng có khoảng hai chục người, chủ yếu là lũ trẻ con đang chong mắt xem phim. Nhớ hôm nay có trận bóng đá World Cup, chúng tôi gợi ý chủ nhà mở để xem. Anh chủ nhà cười bảo: “không xem được đâu, máy phát điện chỉ đủ dùng để thắp sáng, ti vi xem cứ giật liên tục lúc được, lúc mất nên mọi người ở đây không ai biết World Cup là gì cả”. Anh đồng nghiệp giở sổ ghi: “Buôn làng không World Cup” - và đó cũng là đề tựa mà anh đặt cho bài viết của mình. Sau khi “tác nghiệp” ở khu người Mông, hai chúng tôi lại lần mò sang khu công nhân, nhưng đường đầy cây dại, tối om; sợ bị lạc đường nên cả hai đành lần theo đường cũ quay về nhà Bội nghỉ để sáng mai đi tiếp. Về đến nhà đã hơn 9 giờ tối, cả hai bụng đói mèm. Dưới ánh đèn dầu nhà Bội, hai anh em lôi cơm hộp trong túi ni lông mua sẵn từ chiều ra ăn. Cơm, thức ăn nguội ngắt. Đang nhai trệu trạo thì dưới bếp, mẹ Bội bưng lên nồi cơm khói nghi ngút, tô canh gà và dĩa măng rừng xào nóng hổi bảo gia đình ăn rồi, hai anh em ăn kẻo đói. Không khách khí hai anh em ngồi ăn ngon lành.
Sau một hành trình lội bộ mệt mỏi, ăn xong cả hai lên giường nằm, nhưng vẫn thì thầm về các trận World Cup sẽ diễn ra tối nay. Đang tiếc nuối thì từ trong nhà, mẹ Bội mang ra một chiếc radio cũ kỹ loay hoay dò sóng và bắt được sóng đài đang tường thuật trực tiếp trận đấu giữa đội tuyển chủ nhà Nam Phi và Pháp, xong bà nhường chiếc đài cho chúng tôi. Tiếng bình luận viên trận đấu cất lên thì cả nhà Bội đã đi ngủ. Trong đêm tối giữa “buôn sáu không”, chỉ còn lại hai chúng tôi “xem” World Cup qua radio…
Văn Lệ
Ý kiến bạn đọc