Multimedia Đọc Báo in

KỶ NIỆM 36 NĂM BÁO DAK LAK RA SỐ ĐẦU (15-1-1976 - 15-1-2012)

Những chuyến đi đáng nhớ

22:52, 14/01/2012

Thấm thoắt đã 10 năm kể từ ngày tôi chính thức bước vào nghề làm báo - cái nghề mà má tôi cương quyết không đồng ý cho con gái theo đuổi bởi nghĩ rằng quá gian nan và thiếu ổn định. Tốt nghiệp Đại học tôi hăm hở vào nghề với một niềm đam mê cháy bỏng, nhưng rất “lơ mơ” về kiến thức cũng như kỹ năng làm báo. Lần đầu tiên “ra quân’ là dự và đưa tin về lễ khai trương của một cơ sở giết mổ gia súc tập trung ở phường Khánh Xuân (TP. Buôn Ma Thuột), tôi vô cùng lúng túng trong việc khai thác và xử lý thông tin. Phải nhiều lần điện thoại để “hỏi thêm cho rõ” cùng sự góp ý, chắp bút của các đồng nghiệp có kinh nghiệm tôi mới hoàn thành được sản phẩm đầu tay của mình.

Sau này có nhiều dịp đi công tác ở các huyện, tôi dần  học hỏi, rút kinh nghiệm trong công việc, phản ánh nhiều lĩnh vực, từ gương người tốt việc tốt hoặc hoàn cảnh thương tâm cần giúp đỡ đến tình hình kinh tế - xã hội… Một lời  khen, một câu hỏi thăm của bà con nơi vùng sâu, vùng xa cũng làm tôi vui đến mất ngủ. Đầu tháng 6-2011, trong một chuyến công tác ở huyện Ea Kar để lấy tư liệu viết bài phong trào hiến máu tình nguyện tôi được biết về trường hợp của Liêu Văn Tý (học lớp 8) bị bệnh tim  bẩm sinh nặng, rất nguy hiểm đến tính mạng nếu không được phẫu thuật kịp thời. Thông tin này thôi thúc tôi bắt xe ôm vượt hơn 20 ki-lô-mét với đầy những ổ voi để  đến nhà em Tý ở thôn 10 xã Ea Sar. Căn nhà tuềnh toàng chưa đến 20 m2 của gia đình Tý vốn chật chội nay bỗng trở nên trống trải đến kỳ lạ. Những giọt nước mắt lăn dài trên khuôn mặt âu lo của ông, bà nội đang đau đáu mỏi mòn trông chờ tin tức của đứa cháu ở bệnh viện Chợ Rẫy khiến tôi vội vàng rời khỏi ngôi nhà mang theo niềm hy vọng mong manh của gia đình. “Dẫu biết có nhiều trường hợp ngặt nghèo, cần giúp đỡ hơn mình, nhưng gia đình tôi vẫn cầu mong mọi người rộng mở tấm lòng nhân ái, cứu giúp đứa cháu nội ngoan hiền, học giỏi khỏi căn bệnh tim bẩm sinh, để cháu được sống, tiếp tục cắp sách đến trường như bao em nhỏ khác”, bà nội Tý rủ rỉ tâm sự. Điều này đã ám ảnh tôi suốt nhiều tuần. Thật may mắn, khi bài viết “Niềm hy vọng mong manh” đề cập về hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của cháu Liêu Văn Tý đăng trên Báo Dak Lak, ngày 2-7, Ban Tôn giáo (Sở Nội vụ) đã đến thăm, trao 3 triệu đồng và 1 tạ gạo giúp gia đình cháu Tý.  Đây là số tiền do cán bộ, công nhân viên trong đơn vị quyên góp từ tiền lương, với hy vọng chia sẻ khó khăn cùng gia đình. Tiếp đó, tăng, ni, phật tử, đạo tràng, đạo hữu Tịnh xá Ngọc Ban (phường Tân Hòa, TP. Buôn Ma Thuột) đã trao 25 triệu đồng nhờ Hội Chữ thập đỏ tỉnh xây dựng nhà tình thương cho gia đình cháu với mong muốn cháu Tý có thêm điều kiện đến trường. Những ngày giáp Tết nguyên đán Tân Mão, gia đình Tý báo tin đã chuyển về nhà mới, niềm vui dâng tràn trong tôi.

MỘt chuyến công tác tại vùng ba Cư Prông (huyện Ea Kar)
Một chuyến công tác tại vùng ba Cư Prông (huyện Ea Kar)

10 năm - quãng thời gian chưa dài đối với nghề báo  nhưng những chuyến đi công tác thường xuyên đã giúp tôi nhận ra nhiều điều. Đi cơ sở không đơn thuần để  tìm hiểu, nắm bắt tình hình, lấy tư liệu viết tin, bài mà còn để trải nghiệm thực tế. Có những chuyến đi công tác thường xuyên cuốc bộ vài ki - lô - mét dưới cái nắng oi ả của thời tiết mùa khô Tây Nguyên tóe máu chân, hay vượt sông Krông Nô đến với thanh niên tình nguyện ở xã Nam Ka; có những “đêm trắng” cùng các lực lượng chức năng truy lùng lâm tặc, khoáng tặc tận giáp tỉnh Lâm Đồng; những lần theo Đoàn K51 sang nước bạn để quy tập hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện Việt Nam trên đất Campuchia; những lần vượt suối cùng lực lượng công binh (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh) trong mùa mưa lũ để xây dựng cột mốc biên giới Việt Nam - Campuchia…

Với những ngành nghề khác, chuyến công tác kết thúc là cơ bản công việc đã hoàn thành, nhưng với phóng viên đó chỉ mới là sự bắt đầu. Những suy tư, lo lắng, trăn trở sẽ luôn theo đuổi cho đến khi tác phẩm báo chí được hoàn thành. Mệt, vất vả nhưng bù lại sau mỗi chuyến đi cánh phóng viên chúng tôi thu nhận được rất nhiều, không chỉ giúp hoàn thành bài viết mà còn là nguồn tư liệu, là “chất” cho những bài viết sau. Quan trọng hơn tôi lại có thêm những người bạn. Chính vì vậy, lâu lâu không đi cơ sở, không gặp gỡ bà con tôi như thấy thiếu một thứ gì đó để rồi một ngày mới bắt đầu lại muốn  vác ba lô lên đường, muốn dấn thân để được trải nghiệm. Những lúc rảnh rỗi tôi vẫn hay “tám” với bạn của mình: “Lúc đi thì thấy mệt mỏi, đôi khi thấy bế tắc vì chưa tiếp cận được nhân vật, chưa tìm được cách thể hiện bài viết cho hay, hấp dẫn, nhưng khi ngồi nghĩ lại chuyến đi nào cũng tuyệt vời”.

Gia Nguyên


Ý kiến bạn đọc