Multimedia Đọc Báo in

Muôn nẻo… thịt heo rừng

20:11, 07/01/2012

Những năm gần đây, việc nuôi heo rừng để kinh doanh đã bắt đầu phát triển ồ ạt ở một số tỉnh Tây Nguyên, nhất là Dak Lak. Tuy nhiên, do hiểu biết của người tiêu dùng còn hạn chế, sự kiểm định về pháp lý còn nhiều kẽ hở, đã tạo cơ hội để thịt heo rừng giả len lỏi khắp trong, ngoài tỉnh, nhất là dịp cuối năm.

 
Nuôi heo rừng lãi cao
 
Do nhu cầu ẩm thực của người dân về sản phẩm từ thịt heo rừng tăng cao, khiến cho thị trường tiêu thụ tăng theo, trong khi heo rừng tự nhiên ngày càng khan hiếm, vì vậy việc nuôi heo rừng kinh doanh trở nên phổ biến. Theo thống kê của Chi cục kiểm lâm Dak Lak: hiện toàn tỉnh đã có 17 đơn vị (gồm hộ gia đình, doanh nghiệp) được cấp giấy phép nuôi động vật hoang dã là heo rừng. Tuy nhiên trên thực tế, số cơ sở nuôi lớn hơn gấp nhiều lần so với thống kê; tập trung nhiều nhất là ở khu vực TP. Buôn Ma Thuột, huyện Ea Kar, M’Drak… Do không tốn nhiều chi phí đầu tư cũng như công chăm sóc, mà lợi nhuận kinh tế đem lại khá cao, nên không ít hộ dân đang đổ xô nuôi loài động vật hoang dã này. 
 
Trang trại heo rừng của Công ty TNHH N.N.H (xã Ea Dar, huyện Ea Kar) có diện tích rộng 2,5 ha, nuôi thả trên 1000 con heo rừng (trong đó có 250 con heo bố mẹ sinh sản, còn lại là heo thương phẩm), được xem là trang trại có quy mô lớn nhất khu vực Tây Nguyên hiện nay. Anh Nguyễn Ngọc Hiếu, Giám đốc Công ty cho biết: để nuôi heo rừng tự nhiên, nếu bắt trực tiếp từ rừng về thì rất khó nuôi, chỉ một thời gian ngắn là chết, bởi heo rừng không thích nghi với điều kiện sống tập trung nuôi nhốt. Vì vậy, nói là heo rừng nhưng thực tế đa số các cơ sở nuôi hiện nay đều là heo rừng lai giữa giống tự nhiên và giống đã nuôi thuần dưỡng của đồng bào Êđê bản địa. Thị trường tiêu thụ heo rừng Dak Lak rất rộng, không chỉ phục vụ nhu cầu trong tỉnh mà nhiều khách hàng tỉnh ngoài, từ Hà Nội, Đà Nẵng, Gia Lai, Lâm Đồng, đến TP. Hồ Chí Minh… cũng về tận nơi mua (kể cả heo bán giống và heo thịt). Việc nuôi heo rừng không khó, chỉ cần bảo đảm vệ sinh chuồng trại, kiểm tra phòng ngừa dịch bệnh hợp lý, luôn giữ ấm về mùa đông và thoáng mát trong mùa hè là có thể nuôi thành công. Thức ăn cho heo thường chỉ là cỏ, lá cây các loại và bổ sung thêm một phần nhỏ tinh bột như cám gạo, bột mì. Heo rừng sinh sản gần giống heo nhà. Đối với heo giống, nuôi khoảng 4 tháng thì xuất bán (10-15 kg/con), còn heo thịt từ 8-8,5 tháng (35-40 kg/con). Với giá bán hiện nay 150.000-180.000 đồng/kg heo thịt, 330.000 đồng/kg heo giống thì mỗi năm trang trại của anh Hiếu lãi 3-4 tỷ đồng. Còn trang trại heo rừng của chị Trần Thị Hương (ở số nhà 297, đường Nguyễn Trường Tộ, TP. Buôn Ma Thuột) luôn nuôi ổn định với khoảng 200 con. Chị Hương cho biết: 2 năm nay, nhiều nhà hàng, khách sạn trong thành phố Buôn Ma Thuột đến đặt mua heo rừng của chị, vì vậy đầu ra của sản phẩm luôn ổn định, mỗi năm thu lãi gần trăm triệu đồng. Chị tiết lộ: “việc nuôi heo rừng không mất nhiều công sức, thời gian. Vì vậy, ngoài công việc chính là dạy học ở Trường đại học Tây Nguyên, lúc rảnh tôi lại ở nhà chăm sóc đàn heo rừng. Sắp tới tôi sẽ mở rộng quy mô chăn nuôi để có thêm nguồn thu nhập”. Xác định nuôi heo rừng đang là xu hướng để phát triển kinh tế, làm giàu, nhiều gia đình cũng đang từng bước ươm nuôi và mở rộng phạm vi chuồng trại.  Ông Đỗ Ngọc Dũng, Trưởng phòng bảo tồn thiên nhiên - Chi cục kiểm lâm Dak Lak cho biết: “hiện nay, chúng tôi đang khuyến khích và tạo mọi điều kiện để người dân nuôi, nhân rộng loài động vật hoang dã này, nhằm giảm thiểu tình trạng săn bắt heo rừng tự nhiên trái phép, đồng thời nâng cao thu nhập cho bà con. Đơn vị cũng thường xuyên phối hợp với các ban, ngành chức năng trong tỉnh kiểm tra các hộ, doanh nghiệp nuôi, kinh doanh heo rừng; hướng dẫn, chỉ đạo việc đăng ký, đăng kiểm các thủ tục pháp lý…”
 
Khó kiểm soát, xử lý heo rừng giả
 
Thị trường tiêu thụ rộng lớn, nhu cầu của người dân về các món ăn từ heo rừng khá cao, đã tạo điều kiện cho quá trình kinh doanh, buôn bán trong tỉnh và vận chuyển heo rừng ra tỉnh ngoài rất khó kiểm soát, nhất là vào dịp cuối năm. Thời gian gần đây, tại nhiều tuyến đường đô thị trong tỉnh xuất hiện các hình thức rao bán thịt heo rừng như: bày bán công khai trên vỉa hè, phát tờ rơi hoặc rao bán tận nhà người dân… Tuy nhiên, về chất lượng heo rừng thật giả thế nào đến lúc mua về ăn mới biết. 
Mục sở thị vài điểm bán dạo thịt heo rừng trên một số tuyến đường Lê Duẩn, Nguyễn Văn Cừ ở TP. Buôn Ma Thuột, đường Hùng Vương ở thị trấn Buôn Trấp (huyện Krông Ana)… hầu hết các chủ nhân bán dạo đều khẳng định: bán thịt heo rừng thật, mới săn bắn trong rừng về, hoặc heo rừng của gia đình tự nuôi. Tuy nhiên thịt heo ở đây đều được xẻ thành nhiều miếng nhỏ, nhìn bề ngoài khó phân biệt là của thật, giả. Kèm theo dẫn chứng cụ thể là những mảnh đạn chì nhỏ còn găm trong thớ thịt heo, da heo rừng khác heo nhà là dày, có 3 sợi lông trên cùng một lỗ chân lông… thì không ít người mua đều chắc mẩm là heo rừng thật, đến lúc đem về chế biến thì mới biết mình bị lừa. Chị Kiều Lê, ở phường Tự An, TP. Buôn Ma Thuột than thở: “vừa qua tôi mua một cân thịt heo rừng của người bán dạo trên đường Lê Duẩn, khi nấu lên thì ăn không được, thịt heo rất dai, cắn mãi không đứt mà còn có mùi khét của nhựa, hóa ra là thịt heo nái già”. Phần da của các miếng thịt heo rừng và thịt heo nái già gần giống nhau, cộng với công nghệ làm giả hiện nay là găm các mảnh đạn chì vào thớ thịt heo, đồng thời dùng máy, bắn lông giả bằng sợi cước vào da heo thì dễ dàng đánh lừa được người mua. Ngay cả các cơ quan chức năng cũng khó phân biệt nếu đánh giá và nhìn nhận bằng mắt thường. 
 
Ông Đỗ Ngọc Dũng cho hay: khi kiểm tra các điểm bán dạo heo rừng trên đường thì họ đều xuất trình giấy tờ mua từ các trại nuôi heo hợp pháp; tuy nhiên không thể xác định thịt heo họ đang bán có ứng với giấy tờ mua trên hay không. Để xử lý và ngăn cấm cũng rất khó vì họ thường bày bán thịt heo rừng thật giả lẫn lộn, mà các ngành chức năng cũng chưa có máy móc hỗ trợ để kiểm tra độ chính xác. Để khuyến cáo tới người tiêu dùng, ông Nguyễn Văn Sinh, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Dak Lak chia sẻ: Theo thói quen, sở thích của người dân hiện nay, thường ăn các món chế biến từ heo rừng như gỏi, tiết canh… chưa được nấu chín. Trong khi đó, heo rừng săn bắn ngoài tự nhiên, hoặc nuôi không bảo đảm vệ sinh, quá trình bảo quản, giết mổ không hợp lý… thì thịt có tỷ lệ nhiễm bệnh cao, nhất là một số bệnh về giun sán, vi khuẩn tiêu chảy… khi ăn sống rất dễ bị truyền nhiễm sang người. Chưa kể các thợ săn thường phải đi từ 5-7 ngày trong rừng, khi bắn được heo thường phải ướp hóa chất và chôn xuống đất để bảo quản cho thịt heo không bị thối rữa (cách thông dụng các thợ săn thường làm) cộng với những viên đại chì găm trong thịt heo sẽ gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe người ăn. 
 
Người tiêu dùng nên chọn mua heo rừng tại những cơ sở đáng tin cậy, có đầy đủ điều kiện Giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh do Cục thú y - Bộ NN-PTNT cấp và Giấy phép nuôi động vật hoang dã của Chi cục kiểm lâm tỉnh cấp… những cơ sở này thường xuyên được kiểm tra nghiêm ngặt nên bảo đảm độ an toàn cao.
 
Lê Thành

Ý kiến bạn đọc