Multimedia Đọc Báo in

Người cựu chiến binh làm kinh tế giỏi

08:45, 11/01/2012

Năm 1964, khi vừa 21 tuổi, ông Ngô Minh Chính đã làm đơn tình nguyện tham gia đội thanh niên xung phong và đi bộ đội. Năm 1968, ông hăng hái theo đoàn kinh tế tiền trạm vào Tây Nguyên. Sau nhiều năm tham gia lao động sản xuất ở rất nhiều nơi trên vùng đất Tây Nguyên, năm 1978, ông Chính xây dựng gia đình và quyết định lập nghiệp tại thôn 18, xã Cư Mta (M’Drak).

Đều là công nhân Xí nghiệp gạch huyện M’Drak nhưng sau đó vì mất sức lao động, vợ chồng ông đành phải nghỉ việc. Hoàn cảnh gia đình ông Chính lúc bấy giờ gặp rất nhiều khó khăn, không có ruộng đất canh tác, không có vốn liếng làm ăn. Ông Chính bươn chải đủ mọi nghề nhưng cuộc sống vẫn không khấm khá hơn, thậm chí có lúc cơm cũng chẳng đủ ăn. Vốn được rèn luyện trong môi trường quân đội, không dễ dàng khuất phục trước những khó khăn đời thường, cựu chiến binh Ngô Minh Chính quyết chọn cho mình con đường phát triển kinh tế riêng. M’Drak vào những năm 1980 chỉ toàn là đồi núi, đất rộng mênh mông mà người thì thưa thớt, ông quyết định bám đất, bám rừng để sống. Với kiến thức kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất học hỏi được trong thời gian tham gia lao động cùng đoàn kinh tế tiền trạm, ông mang vận dụng vào điều kiện thực tế gia đình. Ngày ngày, mặc dù sức khỏe yếu nhưng ông vẫn lên đồi khai hoang, vỡ đất và xoay xở làm đủ việc để tích lũy vốn.

Sau gần 30 năm, đến nay gia đình ông Chính đã có một cơ ngơi ổn định. Với quy mô trang trại rộng hơn 23 ha, ông tiến hành trồng 10 ha rừng keo, 12 ha sắn, hơn 1 ha ao thả cá. Tận dụng nguồn thức ăn sẵn có, ông chăn nuôi gà, vịt, chim bồ câu, ngan, ngỗng các loại. Tổng thu nhập của gia đình ông Chính hiện đạt khoảng 200-250 triệu đồng/năm (sau khi đã trừ chi phí lao động). Sắp tới ông dự định sẽ tiến hành nuôi thử nghiệm giống heo rừng, nếu thành công sẽ mở rộng diện tích chăn nuôi loại heo này. Từ một gia đình khó khăn về kinh tế, giờ đây cuộc sống của gia đình ông Chính đã ổn định, các con đều được học tập đến nơi đến chốn.

Không chỉ làm giàu cho mình, ông còn quan tâm, giúp đỡ bà con trong thôn, xã và những hội viên cựu chiến binh còn nhiều khó khăn trong cuộc sống. Năm 2011, gia đình ông đã đứng ra vận động và đóng góp chính trong việc xây dựng hệ thống đường bê tông dài hơn 200m để giúp bà con đi lại được dễ dàng, thuận tiện.

Mỹ Sự


Ý kiến bạn đọc