Người tâm huyết với việc bảo tồn đàn voi nhà Tây Nguyên
Anh Đàng Năng Long (buôn Lê, thị trấn Liên Sơn, huyện Lak) đã dành tất cả tình yêu, tâm huyết của mình để bảo tồn, gìn giữ đàn voi nhà - con vật đã đi vào huyền thoại và đời sống sinh hoạt, tâm linh của người Tây Nguyên bao đời nay.
Một đời vì voi
Với Đàng Năng Long, voi là cuộc sống, là người bạn tri kỷ đã gắn bó, chia sẻ buồn, vui với anh suốt hơn nửa đời người. Biết chúng tôi muốn nghe kể chuyện về voi, anh vui ra mặt, đôi mắt sáng ngời. Anh cho biết: gia đình anh đã ba đời săn bắt, thuần dưỡng voi. Anh là sự kết hợp của hai dòng máu Chăm và Êđê, là con của gru Đàng Năng Nhẫn (Ama Ku). Từ nhỏ anh đã thấy voi trong nhà, tuổi thơ ngập chìm trong những câu chuyện về voi; già Ama Ku dạy con rằng: “Voi là con vật thiêng của người Êđê, M’nông”. Hình ảnh loài vật khổng lồ ấy và những gru dũng mãnh đi vào giấc ngủ của anh, như có một mối liên hệ thiêng liêng khiến anh gắn bó với voi. Từ đó, cuộc đời anh gắn bó, dành tất cả tấm lòng, gia sản để nuôi bảo tồn voi. “Giữ voi là giữ lại truyền thống gia đình, giữ lại một biểu tượng của đồng bào mình” - anh bộc bạch. Nhưng khi anh lớn lên thì đàn voi của gia đình bị thất lạc do cha anh giao cho người khắp các buôn làng coi giữ, chăm sóc. Không đành lòng nhìn những con voi vốn dĩ của gia đình ăn uống kham khổ, bị chủ nhân bắt kéo gỗ, chở hàng nặng nhọc, anh dồn toàn bộ tiền bạc, của cải để chuộc voi về chăm sóc. Nhờ đó, những con Băk Khăm, Y Trut, H’ Luân được giải thoát khỏi cuộc sống khổ sở khi trở về với ông chủ.
Anh Long dành tất cả tâm sức chăm sóc đàn voi. Người hiểu thì thông cảm, ai không hiểu thì gọi anh là “khùng”, vì nuôi voi cực kỳ tốn kém, vất vả và nguy hiểm. Anh coi mỗi con voi như một thành viên trong gia đình, hiểu tính nết từng “đứa”, mỗi khi voi bị đau ốm đều khiến anh mất ăn mất ngủ. Có con ăn phải thức ăn nhiễm độc, anh thức suốt đêm, thọc cả cánh tay vào hậu môn để móc phân cho nó. Hay những lần voi bị thương chạy lồng lộn, anh phải chạy theo băng bó vết thương, ngã bầm dập khắp người, máu của voi bắn đỏ người, chỉ còn hở đôi mắt. Có khi voi bị kẻ xấu chặt đuôi, cưa trộm ngà, ông chủ lòng đau như cắt. Anh Long nhớ lại: một đêm đầu tháng 8-2008, voi cái H’Khun đang được cột trên đồi thông gần nhà thì bị mất đoạn đuôi dài gần cánh tay. Sáng ra phát hiện voi đau đớn bỏ ăn, anh Long vừa vỗ về, vừa rửa sạch vết thương và tìm lá rừng băng bó cho voi. Chăm sóc H’Khun chu đáo như chăm người ốm suốt một tháng trời, người anh gầy rộc, nhưng voi khỏe lại khiến anh rất vui. Rồi năm 2009, hai con Păk Lanh và H’Tuk bị chặt đuôi, ông chủ cũng suy sụp tinh thần mất một thời gian. Nhưng “đứa con” làm anh mất nhiều tâm sức nhất là “thằng” Y Khun (43 tuổi). 2 năm nay, nó đau ốm thường xuyên, bao nhiêu tiền của anh đều đổ vào thuốc thang cho nó. Khi không thể đủ điều kiện chăm sóc, anh cũng không đành lòng bán cho chủ khác. Mới đây, có người nhận “đỡ đầu” chăm sóc cho Y Khun, anh đã hét lên vì vui sướng. Những con khác già yếu, anh cũng chăm sóc đến cuối đời. Khi voi chết, anh làm lễ cúng, chôn cất chu đáo để voi yên nghỉ, dù có người hỏi mua xác voi đến cả trăm triệu đồng. Anh Long tâm sự: “Nuôi dạy voi phải có cái tâm, phải yêu thương nó như con người. Nếu không làm sao có thể gắn bó được với con vật khổng lồ ấy”.
Tự hào với đàn voi. (Ảnh: H.T.N) |
Ước mơ cho voi sinh sản
Hiện nay, ở Dak Lak chỉ còn 51 con voi nhà, lý lịch, đặc điểm của từng con được ghi rất rõ trong cuốn sách ảnh “Những đại diện cuối cùng của voi nhà Tây Nguyên” mới được xuất bản. Riêng anh Long, từ khi voi Y Trút, Băk Khăm chết cách đây vài năm thì hiện chỉ còn lại 5 con. Điều anh lo lắng nhất là voi ngày càng bị đối xử tàn nhẫn, chịu quá nhiều rủi ro. Anh tâm sự: “Thức ăn cho voi giờ rất hiếm, nhốt ở nhà thì voi ốm, thả vào rừng cũng chỉ kiếm được mấy cây le, sơ sểnh còn bị giết, cưa ngà, chặt đuôi”. Đàn voi nhà thì cứ giảm dần, nhưng muốn tăng số lượng lên là vấn đề cực khó, bởi trong thực tế, khả năng voi nhà sinh sản rất khó khăn. Cụ thể, ở Tây Nguyên, trong 30 năm trở lại đây có 7/37 con voi cái được nuôi đã sinh sản, chú voi nhà gần đây nhất chào đời từ… năm 2006, ở Ea Súp. Mới đây, Dự án bảo tồn voi của UBND tỉnh với kinh phí 61 tỷ đồng đã đi vào hoạt động thật sự là tín hiệu vui để cứu đàn voi nhà không bị biến mất.
“Đàn voi Tây Nguyên không thể mất đi, phải tạo môi trường cho voi sinh sản, để cho các thế hệ sau còn được thấy voi” - anh Long quả quyết. Vì vậy, anh đã từ bỏ chức vụ Giám đốc khu du lịch Hồ Lak để thực hiện tham vọng lớn nhất đời mình: giúp cho voi sinh sản. Theo anh Long, như bao con vật khác, voi cũng có khả năng sinh con; tuy nhiên, điều quan trọng là phải tạo cho voi một môi trường sống tự nhiên rộng lớn, bình yên, thức ăn đầy đủ, không bị con người uy hiếp…. Kế hoạch của anh là thả voi về rừng, cụ thể là đưa toàn bộ voi của mình vào khu vực Đray Sáp – một vùng rừng núi hoang sơ, rộng lớn, được bảo vệ nghiêm ngặt; cách ly voi với tác động bên ngoài, tạo điều kiện tự nhiên thuận lợi cho voi sinh sống. Điều quan trọng nhất là trong điều kiện sống đó, voi sẽ có không gian “yêu nhau” và tìm lại bản năng sinh sản. Khi biết ý tưởng của anh, có người cho đó là điều viển vông. Tuy nhiên, bằng tất cả tình yêu, hiểu biết và những nỗ lực không mệt mỏi, anh đã thuyết phục được mọi người. Đến nay, nhiều nhà khoa học, doanh nhân đã hiểu ý định tốt đẹp của anh, cùng chung sức giúp anh sớm triển khai kế hoạch của mình. Nói về dự án táo bạo này, ánh mắt của người đã một đời vì voi lấp lánh một niềm tin. Chúng ta tin tưởng và hy vọng: với những người như anh Đàng Năng Long, đàn voi Tây Nguyên sẽ được gìn giữ mãi mãi như một phần không thể thiếu của miền đất Cao nguyên hùng vĩ!
Minh Thông
Ý kiến bạn đọc