Multimedia Đọc Báo in

Những người “bén duyên” với vùng đất Dak Lak

05:30, 07/01/2012
Từ sau ngày đất nước hoàn toàn thống nhất đến nay, đã có rất nhiều người khắp mọi miền Tổ quốc “bén duyên” với vùng đất Dak Lak, trong đó có những người con của quê hương Hải Dương. Mặc dù gặp nhiều khó khăn, gian khổ nhưng họ đã đem hết sức lực, trí tuệ và lòng nhiệt huyết để xây dựng vùng đất mới. 
 
Những ngày đầu gian khó
 
Qua cuộc trò chuyện với Ban Chấp hành Hội Cựu chiến binh huyện Ea Kar, chúng tôi được biết, trên địa bàn huyện hiện có 4 xã tập trung khá đông người quê gốc Hải Hưng (cũ) nay là Hải Dương đang sinh sống gồm: Ea Kmút, Cư Huê, Xuân Phú và Ea Tý. Họ chủ yếu là người của các huyện Cẩm Bình, Ninh Giang, Thanh Miện, Tứ Lộc, Kim Thi vào Dak Lak từ những năm 1987 theo diện di dân kinh tế mới. Là một trong những người của đoàn cán bộ tỉnh Hải Dương đưa dân đi xây dựng kinh tế mới tại Dak Lak nên dù đã 24 năm trôi qua nhưng ông Nguyễn Văn Hường, hiện là Phó Bí thư Đảng ủy xã Ea Kmút vẫn nhớ như in những ngày đầu bước chân vào vùng đất đầy nắng, gió này và luôn xem đó là kỷ niệm không thể nào quên. Vốn là người quê gốc ở xã Phạm Kha, huyện Thanh Miện (tỉnh Hải Dương) nhưng khi được Đảng, Nhà nước tin tưởng giao nhiệm vụ, ông đã quyết định đưa cả gia đình vào lập nghiệp tại Dak Lak. “Ngày ấy khi vào vùng đất mới, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn, thiếu thốn, đường sá đã nhỏ lại bụi mù mịt về mùa khô và trơn trượt, lầy lội trong 6 tháng mùa mưa. Mỗi hộ vào đây chỉ được cấp 1 sào đất ở, 1 căn nhà tranh tre do lực lượng dân công địa phương dựng cho và 15 kg gạo/người trong 9 tháng đầu. Tất cả mọi việc còn lại đều phải tự xoay xở”, ông Hường nhớ lại. 
  Với 4 sào đất trồng rau, gia đình chị Nguyễn Thị An ở thôn Ninh Thanh 1, xã Ea Kmút, huyện Ea Kar có thu nhập gần 100 triệu đồng/năm
Với 4 sào đất trồng rau, gia đình chị Nguyễn Thị An ở thôn Ninh Thanh 1, xã Ea Kmút, huyện Ea Kar có thu nhập gần 100 triệu đồng/năm
Theo lời ông Hường kể, đoàn đi kinh tế mới từ Hải Dương vào huyện Ea Kar sớm nhất là từ năm 1980. Ngoài các cán bộ, đảng viên, người dân đi kinh tế mới thì còn có cả những giáo viên vừa làm nhiệm vụ di dân, phát triển kinh tế và dạy học. Hiện giờ dù đã có một cơ ngơi khá khang trang, có của ăn của để, con cái đều thành đạt nhưng vợ chồng ông Hà Phú Dư và cô giáo Hà Thị Diếp ở thôn Ninh Thanh 1 (xã Ea Kmút) vẫn không thể nào quên những ngày đầu lập nghiệp ở vùng đất mới. Vốn là giáo viên THCS nhưng hồi đó cô giáo Diếp chỉ dạy cấp II được 3 năm, sau chuyển sang dạy cấp I vì số lượng học sinh quá ít. Để đến được lớp học, cô Diếp phải đi bộ gần chục ki-lô-mét sang tận C10 của Nông trường Cà phê 720 dạy học. Phòng học chỉ là những căn nhà tranh tre, vách nứa do người dân tự dựng lên. “Ngày ấy cả khu này đều không có điện, một buổi đi dạy, một buổi đi làm ruộng, trồng cà phê, tối thắp đèn dầu soạn giáo án. Nói thật chứ, chúng tôi không ai dám mơ sẽ sung túc như ngày hôm nay đâu”, cô Diếp bộc bạch. 
 
Cũng có nhiều người khi đến Dak Lak lập nghiệp vẫn còn độc thân và vùng đất mới đã se duyên cho họ. Chẳng hạn trường hợp anh Lê Kim Tuyến và chị Nguyễn Thị An, hiện ở thôn Ninh Thanh 1 (Ea Kmút). Ban đầu do không có vốn nên cả hai vợ chồng phải đi làm thuê, cuốc mướn, đánh bắt cá để đổi gạo ăn. Dần dà anh chị cũng dành dụm đủ tiền mua 1 ha đất trồng rau xanh. Ban đầu, do không có điện, phải gánh nước tưới rau nên vợ chồng anh chỉ dám trồng thử nghiệm trước 1 sào, một hai giờ sáng thức dậy soi đèn cắt rau, bó lại và đạp xe ngay trong đêm chở đi bán cho các chợ. Khó khăn mãi rồi cũng qua, đến giờ gia đình anh đã trồng được 4 sào rau các loại, mỗi năm thu được khoảng 60 tấn, trừ chi phí cũng có lãi vài chục triệu đồng. Việc làm rau cũng đỡ vất vả hơn vì đã có hệ thống ống tưới khắp vườn, các thương lái lại vào tận nơi thu mua nên không phải chở đi như trước kia nữa. Chỉ vào chiếc xe đạp cũ dựng ở góc nhà, anh Tuyến nói vui: “Đã có nhiều người năn nỉ mua lại chiếc xe đạp này nhưng vợ chồng tôi không bán, vì nó không chỉ là “đầu cơ nghiệp” mà còn gắn với cả một thời gian khổ và những kỷ niệm không thể nào quên”. 
 
Dựng xây quê hương mới
 
Nhờ đức tính chăm chỉ, chịu thương chịu khó lại được sự giúp đỡ của chính quyền địa phương và các đoàn thể nên những người đi xây dựng kinh tế mới, trong đó có cả người quê gốc Hải Dương hiện giờ đều đã có cuộc sống ổn định. Ông Bùi Văn Thành, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã, cán bộ xóa đói giảm nghèo xã Ea Kmút phấn khởi cho biết, toàn xã hiện có khoảng 2.900 hộ, gần 14.000 khẩu sinh sống ở 15 thôn, buôn. Riêng người quê gốc Hải Dương có khoảng 500 hộ, tập trung chủ yếu ở thôn Ninh Thanh 1 và Ninh Thanh 2. Đến nay, hơn 70% số hộ đã có cuộc sống khá giả, hầu hết các gia đình đều có đủ phương tiện phục vụ sinh hoạt, sản xuất. Người dân trên địa bàn xã Ea Kmút làm kinh tế chủ yếu dựa vào cây cà phê, điều, lúa nước và chăn nuôi gia súc. Tuy nhiên, do giá cả cà phê bấp bênh, chi phí đầu tư cao nên nhiều hộ đã chuyển đổi sang trồng rau xanh các loại. Trên địa bàn xã hiện có 85 ha rau xanh, riêng thôn Ninh Thanh 1 và Ninh Thanh 2 chiếm khoảng 50 ha, không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ tại địa phương mà còn cung cấp cho các tỉnh như Phú Yên, Khánh Hòa và Dak Nông. 
Có thể nói, những người đi xây dựng kinh tế mới tại Dak Lak theo chủ trương của Đảng, Nhà nước, trong đó có những người con của Hải Dương đều chăm chỉ, cần mẫn, lao động sản xuất từng bước cải thiện nâng cao đời sống vật chất và tinh thần; đồng thời góp phần xây dựng quê hương Dak Lak ngày càng giàu mạnh.
 
Nguyễn Xuân

Ý kiến bạn đọc