Multimedia Đọc Báo in

Sinh viên và chuyện “sống thử”

05:46, 07/01/2012
Trong xã hội truyền thống Á Đông như Việt Nam, việc “sống thử” là khó chấp nhận và còn bị phê phán gay gắt. Quan niệm của sinh viên, đặc biệt là sinh viên khoa Sư phạm Trường Đại học Tây Nguyên - những thầy giáo, cô giáo tương lai về vấn đề này như thế nào và những yếu tố tác động tới quan niệm đó?
 
“Sống thử”- những cách nhìn khác nhau
 
Theo nhóm tác giả nghiên cứu đề tài khoa học cấp cơ sở “Quan niệm của sinh viên khoa Sư phạm, Trường Đại học Tây Nguyên về hiện tượng sống thử” thuộc lớp Giáo dục Tiểu học-Jrai K2008 gồm: Trần Thị Linh (Chủ nhiệm đề tài) và các thành viên Đoàn Thị Ánh Nguyệt, Đặng Thị Dôi, Huỳnh Thị Thanh Tuấn (thư ký) thì “sống thử” là hiện tượng một nam - một nữ trong độ tuổi kết hôn sống chung với nhau, quan hệ như vợ chồng nhưng chưa đăng ký kết hôn, chưa được sự đồng ý của hai bên gia đình. Qua nghiên cứu (300 phiếu điều tra theo mẫu) cho thấy, hầu hết sinh viên (SV) Khoa Sư phạm đều đã nghe chuyện “sống thử”. Đồng thời có những cách nhìn nhận, đánh giá khác nhau về hiện tượng này. Đa số SV được hỏi cho rằng “sống thử” hiện nay là phổ biến và kênh thông tin để biết “chuyện này” chủ yếu từ bạn bè... Nguyên nhân dẫn đến “sống thử” là do cuộc sống xa gia đình, thiếu thốn về tình cảm, tiết kiệm kinh tế trong thời “bão giá”, thỏa mãn nhu cầu tình dục, để khẳng định bản thân, vì sự thôi thúc của tình yêu và vì người khác “sống thử” được nên mình cũng muốn thử. Chuyên gia nghiên cứu gia đình trẻ và trẻ em, tiến sĩ Nguyễn Linh Khiếu cho rằng “không nên dùng từ “sống thử", mà phải là “chung sống trước hôn nhân”. Vì các bạn đang sống thật, sống hết sức nghiêm túc chứ không phải chuyện đùa; tất cả từ tình cảm, tình dục, chi tiêu… đều thật”. Phân tích nguyên nhân của lối sống này, tiến sĩ Khiếu cũng như nhiều chuyên gia khẳng định đó là kết quả của sự vận động xã hội, là xu hướng tất yếu của giới trẻ hiện đại, không cưỡng lại được. Sự tất yếu này, được thúc đẩy bởi 3 nguyên nhân trực tiếp. Thứ nhất là điều kiện kinh tế của cả bạn nam và nữ chưa cho phép làm đám cưới, mua nhà, tổ chức đời sống gia đình. Thứ hai, đa số bạn trẻ sống chung trước hôn nhân đều ở xa gia đình, xa sự quản lý của bố mẹ nên có thể sống theo ý mình. Thứ ba là đôi nam nữ bị thúc đẩy bởi nhu cầu tình dục cần được thỏa mãn. Theo bạn Nguyễn Thị Linh, Chủ nhiệm đề tài, SV Khoa Sư phạm Trường Đại học Tây Nguyên cũng không nằm ngoài quy luật chung ấy. Không phải bạn trẻ nào cũng thích sống thử, nhưng nhìn chung tâm lý của giới trẻ bao giờ cũng thích thử. Điều này đã được chứng minh, qua 300 phiếu câu hỏi phát ra, thì có đến 99,3% biết đến hiện tượng sống thử, chỉ 0,7% là chưa biết. Trong đó, 97% nghe chuyện “sống thử” từ bạn mình. Điều này cho thấy hiện tượng “sống thử” chỉ được SV nghe nói mà thôi. Đây là điều đáng mừng bởi lẽ nếu SV biết tới “sống thử” từ những gì đang xảy ra trên thực tế thì sẽ rất đáng báo động về lối sống.
Nhóm tác giả đề tài nghiên cứu khoa học Quan niệm của sinh viên khoa Sư phạm, Trường Đại học Tây Nguyên về hiện tượng sống thử” đang thảo luận  các giải pháp giúp sinh viên sống đẹp.
Nhóm tác giả đề tài nghiên cứu khoa học Quan niệm của sinh viên khoa Sư phạm, Trường Đại học Tây Nguyên về hiện tượng sống thử” đang thảo luận các giải pháp giúp sinh viên sống đẹp.
 Hầu hết các sinh viên Khoa Sư phạm được hỏi đều cho rằng sống thử hoàn toàn không vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, đây là chuyện tế nhị, thuộc về cá nhân, dẫn đến thái độ bàng quan trước một vấn đề mang tính xã hội như “sống thử”. Bạn Đặng Thị Dôi, thành viên nhóm nghiên cứu dẫn chứng: “Ở khu phòng trọ hay khu vực gần chỗ ở của bạn có một cặp SV đang sống thử thì đa phần các bạn đều xem đó là hiện tượng bình thường, không có cái nhìn phê phán, kỳ thị. Bên cạnh đó nhiều người lại cho rằng “sống thử” không chấp nhận được. Họ lý giải nhiệm vụ quan trọng và trên hết của SV là học tập, khi bước vào cuộc sống “sống thử” SV sẽ mất rất nhiều thời gian để chăm sóc cho nhau, đôi khi còn phải giải quyết các mâu thuẫn nảy sinh trong cuộc sống hằng ngày như “cơm-áo-gạo-tiền” hay những ghen tuông vụn vặt…
 
 Cần xây dựng cho mình lối sống  lành mạnh
 
77% SV được phát phiếu câu hỏi cho rằng “sống thử” không phải là kết quả của một tình yêu chân chính, trong đó 74% SV đồng ý nguyên nhân của sống thử là do xa gia đình. Khi còn ngồi trên ghế trường phổ thông, các bạn sống cùng gia đình, được cha mẹ quản lý về thời gian học tập, đi chơi, quan hệ bạn bè, nhiều cha mẹ quản lý một cách cứng nhắc, ngăn cấm tình cảm khác giới của con cái. Bởi các bậc phụ huynh thấy rằng tình yêu ở lứa tuổi này không cần thiết, sẽ ảnh hưởng đến việc học tập. Nhưng khi bước vào trường đại học hoặc cao đẳng cuộc sống xa gia đình, SV hoàn toàn tự lập, tự do trong quan hệ với bạn bè và cả tình yêu. Ngược lại, nếu sự quan tâm của cha mẹ tạo sự tự tin, tôn trọng quyền suy xét lựa chọn của con cái ngay thời học phổ thông thì điều đó khiến cho SV có cái nhìn đúng hơn, dám tự quyết định, tự trải nghiệm hơn với người mà họ thật sự yêu thương và muốn gắn bó. Cả hai thái cực này, về mặt xác suất đều làm tăng khả năng SV chọn sống chung trước hôn nhân. Và SV cũng đã biết cách từ chối khi bạn khác giới đề nghị “sống thử”, biết bảo vệ bản thân trước cám dỗ... Các yếu tố như giới tính, năm học, kiến thức tình dục, sự định hướng từ phía gia đình cũng ảnh hưởng mạnh mẽ đến quan niệm của SV về hiện tượng sống thử, bạn Nguyễn Thị Linh, Chủ nhiệm đề tài phân tích.
 
Qua nghiên cứu cho thấy, hầu hết mọi người đều nhận thức được hậu quả, mức độ nghiêm trọng của “sống thử”. Tuy nhiên các bạn vẫn chưa thường xuyên tìm hiểu về sức khỏe sinh sản. Giải pháp tìm đến chuyên gia tâm lý còn rất ít được lựa chọn trong khi phương án này mang lại rất nhiều hiệu quả. Trên cơ sở những phân tích khoa học trên, cùng những quan niệm khác nhau của SV khoa Sư phạm, theo nhóm nghiên cứu, nhà trường cần mở các lớp tập huấn, lồng ghép cho SV các chuyên đề về sức khỏe sinh sản với tình yêu, hôn nhân, an toàn tình dục; thực hiện các buổi nói chuyện chuyên đề giúp SV giãi bày những thắc mắc, băn khoăn để tìm ra câu trả lời chính xác, khoa học nhất, từ đó định hướng quan niệm và hành động cho sinh viên. Đoàn thanh niên, Hội sinh viên nhà trường cần  phát động phong trào SV xây dựng lối sống lành mạnh, văn minh, sống theo hiến pháp và pháp luật, chuẩn đạo đức-hành vi của xã hội; tổ chức nhiều hơn nữa các sân chơi bổ ích như câu lạc bộ, nhóm sinh hoạt cộng đồng; thực hiện các buổi phát thanh cung cấp thông tin kiến thức liên quan về tình yêu - hôn nhân - gia đình và các thông tin giải trí, việc làm khác. Về phía gia đình, cha mẹ, anh chị cần quan tâm hơn nữa tới con em mình; định hướng, giúp các bạn có cái nhìn đúng đắn, khoa học và phù hợp với thuần phong mỹ tục của người Việt Nam trong xã hội hiện đại; không nên né tránh các vấn đề mà SV thắc mắc, thường gặp mà phải hướng dẫn, giải thích để không có ham muốn tò mò, tự tìm hiểu, tự trải nghiệm. Đồng thời hướng dẫn các em biết chăm sóc và bảo vệ bản thân. Quan trọng hơn bản thân mỗi  SV cần xây dựng cho mình lối sống lành mạnh, tham gia các hoạt động của lớp, trường và các hoạt động xã hội có ích; tự trang bị những kiến thức cơ bản về tình yêu-tình dục-hôn nhân-gia đình; thiết lập tình yêu trong sáng, lành mạnh, cùng giúp đỡ nhau học tập và giải quyết các vấn đề khó khăn trong cuộc sống; biết giữ gìn trước áp lực từ phía người yêu để bảo đảm tình yêu bền vững; coi trọng việc học tập và dành nhiều thời gian cho việc học hơn nữa; không nên tự mình trải nghiệm sẽ dễ để lại hậu quả khó lường…
 
Dẫu có rất nhiều ý kiến trái ngược nhau về “sống thử”, tuy nhiên để thành công mỗi con người đều phải biết xác định mục đích sống trong từng giai đoạn của cuộc đời. Là SV, mục đích lớn nhất chính là học tập. Còn về chuyện tình cảm, mỗi người  nên giữ giới hạn cho riêng mình. Thực tế cho thấy tình yêu SV khó có kết thúc đẹp bởi  không dễ vượt qua được áp lực từ nhiều phía: gia đình, công việc, khoảng cách địa lý…
 
Nguyên Hoa

Ý kiến bạn đọc