Multimedia Đọc Báo in

Thực hiện đồng bộ và quyết liệt nhiều giải pháp nhằm giảm tai nạn giao thông từ 8-10% trong năm 2012

09:05, 06/01/2012
Năm 2012 được xác định là năm ATGT. Để đạt được chỉ tiêu giảm TNGT từ 8% - 10% so với năm 2011, tạo chuyển biến nhận thức căn bản của các cấp, ngành trong công tác bảo đảm trật tự ATGT, cần thực hiện đồng bộ và quyết liệt một số nhiệm vụ trọng tâm trong Nghị quyết số 88/2011/NQ-CP ngày 24-8-2011 của Chính phủ.
 
Theo thống kê của Phòng Cảnh sát giao thông – CA tỉnh, trong năm 2011, trên địa bàn tỉnh ta xảy ra 293 vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, làm chết 311 người, bị thương 181 người, hư hỏng 441 phương tiện các loại; so với năm 2010, tai nạn giao thông (TNGT) giảm 3 vụ, 6 người chết, 5 người bị thương. Ngoài ra, còn có 341 vụ TNGT ít nghiêm trọng và va chạm giao thông, làm bị thương 514 người. Trong số 293 vụ TNGT xảy ra trong năm, có 231 vụ do người điều khiển môtô gây ra (chiếm 78,8%), 46 vụ do ôtô (15,7%), 16 vụ do các phương tiện khác và người đi bộ (5,46%). Có 7 địa phương giảm được TNGT là các huyện Krông Buk, Krông Pak, Ea Kar, M’Drak, Cư M’gar, Ea Súp và thị xã Buôn Hồ. Nguyên nhân trực tiếp gây ra tai nạn  chủ yếu vẫn thuộc về ý thức chủ quan của người điều khiển phương tiện vi phạm các quy tắc giao thông như: Đi không đúng phần đường quy định 147 vụ (chiếm 50,17%); thiếu chú ý quan sát 50 vụ (17,06%); tránh, vượt sai quy định 32 vụ (10,9%); vi phạm về tốc độ 19 vụ (6,48%); người đi bộ vi phạm 17 vụ (5,8%)… Tai nạn xảy ra trên quốc lộ 124 vụ (42,32%), tỉnh lộ 61 vụ (20,82%), nội thành 41 vụ (14%), đường giao thông nông thôn 67 vụ (22,87%). Có đến 138 vụ tai nạn xảy ra vào thời điểm từ sau 18 giờ đến 24 giờ hằng ngày (chiếm 47,1%).
TTKS và tuyên truyền Luật giao thông tại huyện Krông Năng
Tuần tra kiểm soát và tuyên truyền Luật giao thông tại huyện Krông Năng
Như vậy, năm 2011 là năm thứ 4 liên tiếp TNGT trên địa bàn tỉnh ta giảm. Kết quả trên có được do sự quan tâm và chú trọng chỉ đạo quyết liệt, toàn diện của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, các ban, ngành đối với công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Tỉnh ủy đã chỉ đạo tổng kết 8 năm thực hiện Chỉ thị 22-CT/TW của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự ATGT”; Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh đã sơ kết 4 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 32/CP. Đây là dịp để các cấp ủy Đảng, chính quyền, Ban ATGT các cấp, các ngành nhìn nhận, đánh giá đúng thực trạng về tình hình trật tự ATGT ở địa phương; kiểm điểm công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện để rút ra những kinh nghiệm trong chỉ đạo, điều hành. Bên cạnh đó, Công an tỉnh đã rất coi trọng đến giải pháp cưỡng chế thi hành pháp luật bằng việc mở 3 đợt cao điểm tuần tra kiểm soát giao thông, huy động được nhiều lực lượng Cảnh sát khác và Công an xã cùng tham gia tuần tra lưu động nhằm phát hiện được người vi phạm ở nhiều thời điểm khác nhau trên các tuyến và địa bàn trọng điểm. Cơ quan chức năng cũng đã tập trung xử lí những hành vi vi phạm pháp luật về trật tự ATGT theo các chuyên đề như đi sai làn đường, phần đường; không đội mũ bảo hiểm; không có Giấy phép lái xe; vi phạm về nồng độ cồn; chạy quá tốc độ quy định; xe khách chở dư khách; xe tải chở dư tải… và các hành vi vi phạm khác có nguy cơ mất ATGT cao. Coi trọng công tác nghiên cứu các giải pháp phòng ngừa tai nạn, điều tra cơ bản, phân tích tình hình TNGT trên các tuyến, địa bàn và từng thời điểm, phát hiện nguyên nhân và điều kiện xảy ra tai nạn để có biện pháp  khắc phục các yếu tố bất cập về đường sá, tổ chức giao thông chưa hợp lí; xử lí tại chỗ, kịp thời những hành vi vi phạm. Ngoài ra, chính sách ưu tiên và phát triển xe buýt công cộng được chú trọng đã phần nào đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân. Hai năm gần đây, mỗi năm phương tiện này vận chuyển được hơn 17 triệu lượt hành khách/năm, bước đầu đã làm giảm áp lực về hoạt động giao thông trên các tuyến đường trọng điểm phức tạp về ATGT.
 
Tuy nhiên, mặc dù TNGT ở tỉnh ta có giảm nhưng chưa bền vững, số người chết và bị thương vẫn ở mức cao. Còn tiềm ẩn nhiều nguyên nhân làm tăng  TNGT trở lại như: phương tiện giao thông cơ giới đường bộ tăng nhanh, nhất là phương tiện cá nhân (năm 2011 đăng ký mới 87.841 xe, nâng tổng số phương tiện đang quản lý lên 814.190 xe các loại; trong đó có 743.895 mô tô, xe máy; bình quân khoảng 2,2 người/1 phương tiện cơ giới); ý thức chấp hành pháp luật về trật tự ATGT của người dân vẫn còn hạn chế, có đến 137.588 trường hợp vi phạm bị phát hiện xử lí. Đáng chú ý, bên cạnh một số người vi phạm do thiếu hiểu biết thì vẫn còn không ít người dân chấp hành pháp luật về trật tự ATGT theo kiểu đối phó, trong đó có cả lái xe chuyên nghiệp. Công tác tổ chức giao thông chưa thực sự chuyên nghiệp hóa, việc duy tu sửa chữa đường bộ chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế về bảo đảm ATGT, vẫn còn nhiều cung đường có nguy cơ mất ATGT cao. Hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt chưa tạo được sự yên tâm cao cho người dân cả về sự tiện lợi, chất lượng phục vụ và chất lượng phương tiện.
 
Năm 2012 được xác định là năm ATGT. Để đạt được chỉ tiêu giảm TNGT từ 8% - 10% so với năm 2011, tạo chuyển biến nhận thức căn bản của các cấp, ngành trong công tác bảo đảm trật tự ATGT, cần thực hiện đồng bộ và quyết liệt một số nhiệm vụ trọng tâm trong Nghị quyết số 88/2011/NQ-CP ngày 24-8-2011 của Chính phủ. Theo đó, mỗi địa phương, cơ quan, ban ngành… phải có kế hoạch cụ thể phấn đấu làm giảm được TNGT theo chỉ tiêu chung của tỉnh; tập trung cưỡng chế thi hành pháp luật mạnh đối với người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ vi phạm nồng độ cồn, chạy quá tốc độ, đi sai phần đường, làn đường qui định, chở dư khách, quá tải, duy trì bắt buộc đội mũ bảo hiểm, xử lý triệt để người chưa đủ tuổi lái xe, người không có Giấy phép lái xe. Đẩy mạnh công tác giáo dục ATGT( trong trường học với việc nâng cao chất lượng giáo dục kiến thức ATGT; xây dựng và công bố tiêu chí về “Văn hóa giao thông” để mọi người chấp hành, gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” nhằm xây dựng môi trường giao thông an toàn và thân thiện. Ngành Giao thông vận tải cần tăng cường quản lý hoạt động vận tải bằng ôtô ngay tại bến xe, nâng cao đạo đức nghề nghiệp cho lái xe; thực hiện lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho xe ôtô theo đúng quy định; khuyến khích và phát triển xe buýt theo hướng chuyên nghiệp. Rà soát, điều chỉnh hợp lý hệ thống báo hiệu đường bộ; phát hiện và xử lý kịp thời các điểm có nguy cơ mất ATGT; đẩy mạnh việc thực hiện Kế hoạch lập lại trật tự hành lang ATGT đường bộ theo Quyết định số 1856/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; có giải pháp để nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo, sát hạch lái xe. Trên lĩnh vực đường thủy nội địa, cần tăng cường quản lí hoạt động chở khách du lịch; bắt buộc người đi đò qua sông phải mặc áo phao; tổ chức đào tạo cấp bằng, chứng chỉ chuyên môn và đăng ký, kiểm định phương tiện thủy nội địa.
 
                                                               Nguyễn Văn Đức
                                                         (Trưởng phòng CSGT - Công an tỉnh)
 

Ý kiến bạn đọc