Xây dựng nông thôn mới - bước đột phá trong phát triển nông nghiệp, nông thôn
20:36, 27/01/2012
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được nhiều người ví như một cuộc cách mạng, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và sự tham gia của người dân để phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa, an ninh quốc phòng ở các địa phương. Điều này cũng đã mang lại sự chuyển biến to lớn cho nhiều vùng quê trên địa bàn tỉnh..
Phát huy nội lực
Chỉ cho chúng tôi thấy hệ thống đèn chiếu sáng dọc các con đường liên thôn, xóm, ông Lê Viết Sơn, Thôn trưởng thôn Xuân Hòa (xã Phú Xuân, Krông Năng) hồ hởi nói: Đây là kết quả hợp nhất của “ý Đảng, lòng dân” thông qua phong trào xây dựng nông thôn mới (XDNTM). Đến nay, 70% các con đường trong thôn có đèn chiếu sáng, chúng tôi đang tiến hành làm nốt những phần đường còn lại. Tuy nhiên, điều vui mừng nhất là cả thôn chỉ còn 3 hộ nghèo, 100% trẻ em trong độ tuổi đi học được đến trường; 100% hộ có phương tiện nghe nhìn… Điều này cho thấy đời sống vật chất, tinh thần của người dân đã được nâng cao. Không chỉ riêng thôn Xuân Hòa mà hầu hết 32 thôn trên địa bàn xã, các thiết chế văn hóa được xây dựng, đáp ứng tốt nhu cầu giải trí, sinh hoạt văn hóa, thể dục thể thao; đồng thời chấp hành tốt hương ước về xây dựng nếp sống văn hóa, khối đại đoàn kết dân tộc; không kỳ thị, chia rẽ, giữ gìn tình làng nghĩa xóm...
Nhiều tuyễn đường nông thôn được nhân dân đóng góp xây dựng đã làm thay đổi diện mạo các thôn, buôn (trong ảnh: làm đường nông thôn ở thị xã Buôn Hồ). Ảnh: Thuận Nguyễn |
Cũng với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, xã Pơng Drang (huyện Krông Buk) đã thành công trong việc vận động người dân đóng góp làm đường nông thôn, đặc biệt là ở thôn 9. Từ năm 2008 đến nay, Ban tự quản thôn đã huy động nhân dân đóng góp được hơn 2 tỷ đồng và hàng nghìn ngày công để nhựa cứng 4 km đường và nâng cấp, tu sửa hơn 13 km đường giao thông nông thôn; mắc điện chiếu sáng trên các tuyến đường nội thôn. Nhờ huy động được sức dân nên diện mạo của thôn đã có sự khởi sắc, hạ tầng kỹ thuật khang trang, đời sống kinh tế, văn hóa của người dân cũng được nâng lên…
Còn rất nhiều địa phương khác trên địa bàn tỉnh đã làm tốt công tác dân vận, phát huy được nội lực của nhân dân để xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn. Nhiều con đường, cây cầu, công trình thủy lợi được hình thành từ công sức do người dân đóng góp, xây dựng một nông thôn mới với nhiều gam màu tươi sáng.
Tạo đà cho nông nghiệp phát triển
Giảm nghèo được xem là tiêu chí quan trọng trong bộ 19 tiêu chí XDNTM nên việc đẩy mạnh phát triển kinh tế được các địa phương đặc biệt chú trọng. Theo đó, nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh có hiệu quả cao được hình thành, không chỉ ở những vùng có điều kiện thuận lợi, mà còn lan tỏa đến cả những vùng khó khăn, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Qua đó, khơi dậy tính chủ động, sáng tạo, cần cù của nông dân trong khai thác, sử dụng có hiệu quả lợi thế về đất đai, nhân lực, tích cực chuyển dịch cơ cấu sản xuất, ứng dụng các tiến bộ KHKT. Nông dân huyện Cư M’gar, đã biết kết hợp trồng trọt với chăn nuôi theo hướng đa cây đa con nhằm tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích sản xuất, chủ động bố trí cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với thực tế về đất đai điều kiện nguồn lực gia đình. Đơn cử như gia đình anh Nguyễn Minh Phúc (thôn 6 xã Ea Kiết) đã cải tạo được 6 sào ao từ đầm lầy để nuôi các loại cá rô phi đơn tính, cá diêu hồng, cá trắm… kết hợp với nuôi heo; trồng xen sầu riêng, chôm chôm trong vườn cà phê… hằng năm thu lãi gần 200 triệu đồng. Hộ ông Lý Văn Cảnh (thôn 5 xã Cư Suê) chuyển 1 ha cà phê già cỗi sang trồng sầu riêng và mít Thái Lan, thu nhập hằng năm 150-200 triệu đồng; Gia đình anh Đỗ Văn Thoáng (thôn 9 xã Ea Kiết) ứng dụng kỹ thuật cải tạo vườn cà phê năng suất thấp, kém chất lượng bằng phương pháp ghép gửi, sản lượng đạt 9-10 tấn/1,5 ha, bằng năng suất của giống chồi ghép các dòng cà phê năng suất cao do Viện KHKT Nông - Lâm nghiệp Tây Nguyên tạo ra. Tính đến nay toàn huyện Cư M’gar có 256 trang trại với, tổng thu nhập hằng năm 45.801 triệu đồng, giải quyết công ăn việc làm cho trên 1.000 lao động; góp phần xóa đói giảm nghèo và tạo ra một lượng sản phẩm lớn cho thị trường, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển một cách toàn diện.
Với việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn và tập trung nguồn lực để giảm nghèo đã tạo cú hích cho sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng tập trung, chuyên canh, quy mô lớn; sản phẩm nông nghiệp mang tính hàng hóa, có giá trị kinh tế cao… đã góp phần đẩy nhanh công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Ông Vũ Văn Đông, Phó giám đốc Sở NN-PTNT, Ủy viên Thường trực Ban chỉ đạo XDNTM tỉnh cho biết: XDNTM là một chương trình lớn, huy động tổng lực của toàn xã hội để xây dựng một nông thôn Việt Nam giàu đẹp. Đến nay, 152 xã tham gia XDNTM đã ổn định bộ máy tổ chức chỉ đạo từ tỉnh đến xã. BCĐ tỉnh đã bố trí 23 tỷ đồng vốn cho việc quy hoạch. Dự kiến trong năm nay, tỉnh sẽ hoàn thành đề án xây dựng NTM các xã, phấn đấu đến năm 2015 có 20 xã (chiếm 20%) đạt tiêu chuẩn nông thôn mới.
Ban Chỉ đạo TƯ Chương trình mục tiêu quốc gia về Xây dựng NTM đã đề ra khẩu hiệu về xây dựng NTM để các địa phương tham khảo như sau: 19 tiêu chí là định hướng; xây dựng cơ sở hạ tầng là tiền đề; phát triển sản xuất là gốc; nâng cao đời sống cho người dân là mục tiêu; lợi ích mang lại cho người dân là động lực; sự đồng lòng góp sức của cộng đồng là bí kíp thành công. |
Lê Minh
Ý kiến bạn đọc