Multimedia Đọc Báo in

Một chuyến ngược dòng Sêrêpôk

09:39, 05/02/2012

Truyền thuyết kể rằng, dòng sông cha Krông Nô hùng mãnh bồi đắp phù sa tạo nên vùng đất huyện Krông Nô (tỉnh Dak Nông) bây giờ, và dòng sông mẹ Krông Ana dịu dàng che chở miền đất huyện Krông Ana (Dak Lak) ngày nay. Cả hai dòng sông cha và sông mẹ hợp nên dòng Sêrêpôk, hai bên bờ từng là những cánh rừng đại ngàn xanh ngát, tạo nên những buôn làng trù phú. Một chuyến ngược dòng Sêrêpôk vào dịp cuối năm 2011 và nhận ra rằng những cánh rừng xanh ngát ấy chỉ còn trong ký ức…

Sông Sêrêpôk đoạn chảy qua huyện Buôn Đôn.        Ảnh: G.N
Sông Sêrêpôk đoạn chảy qua huyện Buôn Đôn. Ảnh: G.N

Từ trung tâm huyện Krông Nô (Dak Nông), theo chặng đường trên 20 km đầy những “ổ voi”, chúng tôi đến xã Buôn Choáh (Krông Nô). Cảm giác hẫng hụt thực sự khi nơi đây không còn những cánh rừng như trong ký ức! Cách đây hơn hai thập niên (huyện Krông Nô được thành lập ngày 9-11-1987), đường vào Buôn Choáh là con đường đất đỏ bazan phẳng mịn với những thảm rừng già xanh mát. Còn hiện tại, mới chớm vào mùa khô năm 2011 – 2012, hai bên đường vào Buôn Choáh có những vườn cây như muốn xơ xác khi vừa chớm hạn bởi cái nắng hanh khô ráp da người. Câu hỏi bỗng đặt ra, việc những cánh rừng xanh bị triệt phá có phải là nguyên nhân dẫn đến sự đói nghèo cứ đeo đẳng miền đất này? Không còn nữa những “cây to bóng cả” nên những vườn cây, nương ngô của cư dân ở đây cũng trở nên kém năng suất… Màu xanh của những rừng cây không còn, tiếng chim thánh thót cũng trôi dần vào ký ức. Viễn cảnh ấy tạo nên một góc trời cao nguyên trầm tịch, u uất trước sự tàn sát tự nhiên của con người.

Đến bên dòng Krông Nô, ngay tại địa phận xã Buôn Choáh, giật mình bởi hai bên bờ bị “vắt kiệt” tài nguyên. Những “đầu rồng” hút cát từ lòng sông lên làm sạt lở hai bờ. Tuy nhiên do sông Krông Nô được xem như đường phân cách địa giới hành chính giữa hai tỉnh Dak Lak và Dak Nông nên từ nhiều năm trở lại đây, dù bị sa tặc hoành hành nhưng vẫn chưa thấy cơ quan chức năng nào can thiệp. Nhiều người dân cho biết, mỗi ngày có hàng trăm “đầu rồng” công khai “móc” hàng nghìn khối cát từ lòng sông tạo ra sự loang lổ hai bên dòng sông cha hùng vĩ. Hàng trăm ha ngô, sắn, mía của những cư dân nghèo hai bên bờ không chỉ bị mất đất do sạt lở mà năng suất cũng chẳng đáng là bao dù họ cật lực quanh năm “bán mặt cho đất – bán lưng cho trời”. Chính quyền xã Buôn Choáh cho biết, đầu năm 2011, hàng trăm ha hoa màu của người dân bị thiệt hại và đến hết năm 2011 vẫn chưa thống kê đầy đủ con số này. Chỉ chừng ấy thôi cũng đủ hàm chứa những thảm họa đang rình rập đến sự sống còn của những cư dân ven bờ. Phải chăng sự “nguyên gốc” của sông cha Krông Nô hiện chỉ còn trong truyền thuyết, trong chuyện kể của đồng bào M’nông, Êđê… qua những tấu khúc chiêng ngân hùng bi trong những mùa lễ cầu trời, tế đất…

Ngược dòng Sêrêpôk  Ảnh: N.S
Ngược dòng Sêrêpôk. Ảnh: N.S

Trên góc nhìn địa lý, sông mẹ Krông Ana là hợp thủy của các dòng sông nhỏ như Krông Buk, Krông Pak, Krông Bông, Krông K’mar… Sông có chiều dài hơn 215 km, diện tích lưu vực trên 3.960 km². Sông Krông Ana ít thác ghềnh, đoạn hạ lưu sự bồi đắp phù sa hằng năm đã tạo nên những cánh đồng màu mỡ của tỉnh Dak Lak và Dak Nông. Theo đó, sông Krông Ana có ảnh hưởng đáng kể đến hệ thống phát triển kinh tế nông nghiệp của hai tỉnh này. Ngày nay, nếu đứng trên cầu Giang Sơn (cầu nối hai huyện Lak và Krông Ana) nhìn xuống bỗng thấy “thót lòng” khi trên lòng sông là rất nhiều phương tiện khai thác cát. Trao đổi với nhiều vị chức trách địa phương, những vị này cũng “bó tay” không giải thích được bởi các đầu nậu đều xuất trình giấy phép khai thác khi gặp các đội kiểm tra.

Dọc hai bờ Sêrêpôk giờ đây là những làng mạc mọc lên từ những làn sóng di dân tìm sinh kế. Họ chọn rừng làm chốn nương thân. Ở đấy có những tài nguyên sẵn có là “của chung” mạnh ai người đó chiếm làm của riêng mình. Nguyên nhân dẫn đến hiện trạng mất rừng một cách đau lòng là nạn phá rừng và tình trạng khai thác lâm sản trái phép, đang là sự bức xúc của dư luận.

Điểm dừng của chúng tôi tại buôn Ea Ma, xã Krông Na (Buôn Đôn), bên kia là địa giới tỉnh Mondunkiri của nước bạn. Vườn Quốc gia Yok Đôn (thành lập năm 1992) với diện tích hơn 115,5 nghìn ha giữa hai huyện Buôn Đôn và Ea Súp là môi trường sinh thái tự nhiên tạo cơ hội để phục hồi đàn voi đang có nguy cơ tuyệt chủng. Nhiều loại thú như: nai, bò rừng, bò tót, báo, gấu, khỉ, nhiều chim công, trĩ, vàng anh... tạo nên vùng cộng cư sinh vật còn khá nguyên gốc dưới nhứng tán rừng khộp. Lang thang trong Vườn Quốc gia Yok Đôn những ngày đầu mùa khô, cao nguyên vốn khốc liệt bởi cái nắng, cái gió nhưng chúng tôi nhận ra sự an lành giữa con người và tự nhiên. Hai bên bờ sông Sêrêpôk những cây bằng lăng nở hoa trên những thân cây cao ngút tạo nên một sắc thái riêng nơi thượng nguồn dòng sông ngược. Cô bạn đồng nghiệp của tôi bỗng thốt lên: “Không biết sự nguyên sơ như ở đây còn tồn tại đến bao giờ, anh nhỉ!”.

Đoàn Giao Hưởng


Ý kiến bạn đọc