Một cộng tác viên dân số tâm huyết với công việc
10:00, 13/02/2012
Buôn Briêng B, xã Ea Knuêc (Krông Pak) có 100% đồng bào dân tộc Êđê. Trước đây, đời sống kinh tế của bà con trong buôn còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí thấp; trong khi đó, quan niệm “trời sinh voi, trời ắt sinh cỏ” vẫn còn in sâu trong suy nghĩ của người dân. Vì thế, chuyện sinh 5, đẻ 7 vẫn là điều hết sức bình thường ở vùng quê nghèo khó này.
Người Êđê theo chế độ mẫu hệ, con gái lớn lên phải lo “bắt chồng”, con trai thì theo vợ về nhà vợ; cho nên, dù có 3, 4 con trai, nhưng nhiều cặp vợ chồng vẫn cố sinh thêm con gái để sau này phụng dưỡng bố mẹ; có trường hợp đã có con gái lại sinh tiếp để có con trai đi làm nương, rẫy... Sinh đông con đã làm cho nhiều gia đình khổ cực, trẻ em sinh ra nheo nhóc, không được ăn học đến nơi, đến chốn; nhiều trẻ vị thành niên mới học hết lớp 7, lớp 8 phải nghỉ học giữa chừng để lấy vợ, lấy chồng.
Là người con của buôn Briêng B, chứng kiến những khó khăn, vất vả của đồng bào mình là do sinh đông con, năm 1994 chị H’Lê Niê đã tình nguyện làm công tác viên dân số của buôn. Ban đầu, chị H’Lê chịu khó tìm tòi, học hỏi, trau dồi kiến thức về chuyên môn dân số và cách thức tuyên truyền, tư vấn đối tượng, tham gia tất cả các đợt tập huấn do ngành chức năng tổ chức. Khi đã nắm vững kiến thức, chị H’Lê tích cực đến nhà đối tượng trong độ tuổi sinh đẻ để tư vấn về các biện pháp tránh thai hiện đại, cấp phát bao cao su, thuốc uống tránh thai... Để thuyết phục mọi người, chị đã nêu ra những gia đình trong buôn, trong xã thực hiện tốt chính sách dân số và có cuộc sống ngày càng sung túc, con cái học hành đến nơi, đến chốn. Bên cạnh đó, thông qua các cuộc họp buôn, sinh hoạt của các đoàn thể như: phụ nữ, thanh niên, nông dân..., chị H’Lê đều phối hợp lồng ghép tuyên truyền về dân số, sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình, tuyên truyền Luật Hôn nhân gia đình... Tuy nhiên, công việc không phải lúc nào cũng thuận lợi. Có những trường hợp chị H’Lê đến nhà thì bị đối tượng rượt đuổi, nhưng với lòng kiên trì, chị vẫn bám trụ với công việc, vẫn bền bỉ thuyết phục để đối tượng thay đổi nhận thức. Chị H’Lê tâm sự: “Làm cộng tác viên dân số khó khăn nhiều lắm, vất vả nhiều lắm. Nhưng tôi vẫn làm vì khi vận động được 1 cặp vợ chồng thực hiện kế hoạch hóa gia đình không chỉ là niềm vui của tôi, mà còn là cơ sở để gia đình đó có điều kiện phát triển kinh tế”. Ngoài ra, chị H’Lê còn vận động các anh chị em trong buôn tích cực tham gia sinh hoạt tại các đoàn thể như phụ nữ, thanh niên, nông dân... giúp mọi người có cơ hội giao lưu học hỏi, những kiến thức về làm mẹ an toàn, chăm sóc trẻ nhỏ, sử dụng các biện pháp tránh thai, chia sẻ trao đổi kinh nghiệm trong sản xuất và đời sống.
Chị H’Lê Niê (bìa trái) đang tư vấn về chăm sóc SKSS/KHHGĐ cho người dân buôn Briêng B |
Không chỉ là một cộng tác viên dân số kinh nghiệm, chị H’Lê còn là chi hội trưởng chi hội phụ nữ, tổ trưởng tổ vay vốn buôn Briêng B. Hàng năm chị H’Lê đã đứng ra tín chấp vay vốn 300-400 triệu đồng cho nhiều gia đình nghèo được vay đầu tư sản xuất, chăn nuôi. Nhờ vậy, nhiều gia đình ở buôn Briêng B từng bước thoát nghèo, ổn định kinh tế.
Với lòng nhiệt tình, tính kiên trì trong công việc, 17 năm qua chị H’Lê đã vận động được hơn 104 trường hợp đi đình sản, 252 ca đặt vòng tránh thai...Người dân ở buôn Briêng B đã tự giác thực hiện kế hoạch hóa gia đình, thanh niên cưới nhau đúng độ tuổi quy định. Từ một buôn có tỷ lệ cặp vợ chồng sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại dưới 50%, đến nay tỷ lệ này đã lên đến 80%, mỗi năm chỉ còn 1 hoặc 2 trường hợp trẻ sinh ra là con thứ 3 trở lên.
Đó là một kết quả đáng ghi nhận ở buôn có 100% đồng bào dân tộc, nhưng với chị H’Lê, chị còn có mong muốn hơn thế. Từ năm 2009, chị đã phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Ea Knuếc ra mắt Mô hình Câu lạc bộ không sinh con thứ 3 ở buôn Briêng B. Sau 3 năm hoạt động, chị đã vận động được 100 cặp vợ chồng trong buôn tham gia sinh hoạt. Các thành viên trong Câu lạc bộ đều chấp hành tốt đường lối chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, đặc biệt, không có trường hợp nào sinh con thứ 3.
Nhờ thực hiện tốt kế hoạch hóa gia đình nên đời sống vật chất, tinh thần của người dân buôn Briêng B đã có nhiều chuyển biến tích cực. Toàn buôn có 330 hộ nhưng chỉ còn 62 hộ nghèo, số hộ khá giàu tăng lên. Thành quả đó có công lao không nhỏ của chị H’Lê Niê.
Võ Thảo
Ý kiến bạn đọc