Multimedia Đọc Báo in

Nơi tìm đến của những mảnh đời hoàn lương

09:54, 28/02/2012

Đến thăm cơ sở sản xuất lẵng hoa mỹ nghệ Sơn Lâm tại số nhà 22/5 đường Lương Thế Vinh, phường Tân Tiến, TP. Buôn Ma Thuột, nhìn những kiểu lẵng hoa có kiểu dáng độc đáo, ai cũng phải ngỡ ngàng và trầm trồ khen ngợi. Điều đặc biệt đó là sản phẩm của những thanh niên còn rất trẻ nhưng đã từng vấp ngã trong cuộc đời.

Cở sở sản xuất chỉ rộng gần 50m2 được người thân cho mượn, tài sản trong đó là nguồn sống, niềm hy vọng của những con người một thời bị “nàng tiên nâu” mê hoặc phải bước chân vào vòng lao lý. Sơn Lâm – Chủ cơ sở hồi tưởng về quá khứ buồn: “Năm học lớp 11, do nghe lời rủ rê của bạn bè xấu, tôi bỏ lơ là học hành, bị thầy cô giáo và gia đình trách mắng nên chán đời bỏ đi “bụi”, đến năm 19 tuổi thì vướng vào “nàng tiên nâu”. Để thỏa mãn cơn nghiện, mỗi ngày phải dùng hết 1 “ve” (tương đương 700.000 đồng), còn nếu mua lẻ từng tép thì phải tiền triệu. Với một kẻ vô công rồi nghề lại nghiện ma túy như tôi để có tiền mua thuốc thì chỉ còn cách liều lĩnh đi trộm cắp, cướp giật. “Đi đêm lắm có ngày gặp ma”, quả nhiên không sai, năm 21 tuổi trong lúc đang phê thuốc tôi bị công an bắt vì tội cướp giật. Cả gia đình như chết lặng khi biết tin. Ngồi trong trại giam nghĩ lại những gì đã trải qua tôi vẫn không tin đó là sự thật, nhưng đã “dính” vào ma túy rồi thì khó lòng mà bỏ. Sau 2 năm ngồi tù tôi tưởng đã quên hẳn cái thứ chết người đó, vậy mà mới về nhà được 2 ngày lại tái nghiện rồi tiếp tục vào trại vì tội trộm cắp”.

Sơn Lâm (ngoài cùng bên trái) đang hướng dẫn cách làm lẵng hoa cho mọi người trong xưởng.
Sơn Lâm (ngoài cùng bên trái) đang hướng dẫn cách làm lẵng hoa cho mọi người trong xưởng.

Năm 2009, sau 3 lần vào tù ra tội, cai nghiện rồi tái nghiện người thanh niên lầm lỗi ấy đã tỉnh ngộ, quyết tâm làm lại cuộc đời. Thời gian đầu trở về với cuộc sống đời thường, Lâm vẫn mang mặc cảm của một người từng phạm tội. Nhiều người quen nhìn anh với ánh mắt ái ngại. Nhưng được sự động viên của gia đình, họ hàng, anh đã đoạn tuyệt hẳn với ma túy và tìm được hạnh phúc của đời mình. Anh tâm sự: “Giờ mình đã làm cha của 2 đứa con nên không thể sống buông thả như trước mà phải có trách nhiệm chăm lo cho gia đình và dạy các con đến nơi đến chốn”. Với suy nghĩ đó, một mình anh tự mày mò làm lẵng hoa thủ công rồi đi rao bán cho các cửa hàng. Thấy công việc thuận lợi, anh đã bàn với vợ vay “nóng” 30 triệu đồng mua vật liệu mở rộng quy mô sản xuất, gọi thêm 7 người bạn một thời lầm lỗi mới ra trại cùng tham gia. Để sản phẩm giảm giá thành, nâng cao sức cạnh tranh, anh và các bạn đã sáng tạo ra những mẫu vừa lạ mắt vừa đẹp;  chủ động xuống các địa phương mua vật liệu về tự sản xuất. Anh Lâm chia sẻ: “Làm việc bận bịu vừa giúp anh em “đoạn tuyệt” với ma túy, vừa rèn luyện sức khỏe và đặc biệt là tăng thêm thu nhập”. Hiện tại, các thành viên trong xưởng mỗi tháng được trả lương 1,7 triệu đồng, số tiền tuy chưa phải là nhiều nhưng cũng đủ trang trải cuộc sống hàng ngày. Bạn Nguyễn Mai Phương, một công nhân trong xưởng tâm sự: “Nếu không được anh Lâm giúp đỡ thì em không biết làm gì để kiếm sống, đi đến đâu xin việc người ta cũng từ chối khi biết mình đã từng đi tù, may nhờ anh Lâm mở cơ sở này và tiếp nhận em về làm, không thì em cũng tái nghiện rồi. Anh Lâm đã vượt qua được thì chúng em cũng sẽ học theo cố gắng làm việc chăm chỉ để bù lại những năm tháng đã mất”. Với số lượng đơn hàng ngày càng nhiều, các công nhân cũng nhiều việc làm hơn. Tiếng lành đồn xa, nhiều bạn khác mới ra trại cũng tìm đến xin học nghề với ước mong hướng thiện, tu chí làm ăn. Ngoài công việc ở xưởng, Sơn Lâm còn là trưởng nhóm “Tự lực ước mơ xanh” với 9 thành viên, thường tìm tới những thanh niên hư hỏng, lầm lỗi để kết bạn và cảm hóa họ. Anh tâm sự: “Những năm tháng ở trong trại giam, tôi hiểu hơn lẽ sống ở đời. Tôi mong những ai đã từng có thời lầm lỡ hãy can đảm vượt qua để hướng đến tương lai tốt đẹp hơn”.

Mong ước của anh Lâm và mọi người ở cơ sở này là mở rộng quy mô sản xuất, phát triển thêm mặt hàng mỹ nghệ góp phần tạo việc làm cho thanh niên nhưng khó khăn nhất là nguồn vốn. Anh Nguyễn Văn Tần, Chủ tịch Hội LHTNVN phường Tân Tiến cho biết: “Hiện chúng tôi đã hoàn thiện hồ sơ vay vốn giải quyết việc làm cho thanh niên sau cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng gửi lên Hội LHTNVN tỉnh và đã được Hội chấp nhận. Hy vọng sự giúp đỡ, quan tâm của Hội sẽ giúp Sơn Lâm thực hiện ước mơ của mình…

Tuấn Anh


Ý kiến bạn đọc