Multimedia Đọc Báo in

Sử dụng báo, tạp chí hiệu quả nhìn từ Đoàn xã Dray Sáp

09:22, 01/02/2012

Nhờ thường xuyên cập nhật tin tức và vận dụng linh hoạt các phong trào Đoàn, Hội, Đội, mô hình phát triển kinh tế được đăng tải trên báo chí, những năm qua, tuổi trẻ Đoàn xã Dray Sáp (huyện Krông Ana) đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến trong các phong trào “5 xung kích”, “4 đồng hành”.

Từ vận động nhân dân hiến đất làm đường
Có lẽ với người dân 2 buôn Tuôr A và Tuôr B ở xã Dray Sáp ai cũng vui cái bụng, khi mà con đường dài trên 3,5 km được thảm nhựa khang trang, sạch đẹp đi qua ngõ của mỗi nhà. Để có được con đường mới đó là nhờ sự quan tâm của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, trong đó trực tiếp là Đoàn thanh niên xã đã đứng ra vận động bà con trong buôn tự nguyện giải tỏa một phần đất rẫy của mình mà không cần đền bù. Anh Uông Đức Trịnh, Bí thư Đoàn xã cho biết: “Ban đầu thực hiện giải tỏa hành lang an toàn giao thông 2 buôn Tuôr A, Tuôr B gặp rất nhiều khó khăn, nhưng nhờ sự linh hoạt trong công tác Đoàn, công tác vận động quần chúng như thường xuyên tổ chức sinh hoạt dân tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và đặc biệt thông qua báo, tạp chí có đăng tải các tập thể, cá nhân điển hình trong phong trào hiến đất làm đường , chúng tôi đã vận dụng giới thiệu, giải thích cho người dân hiểu và làm theo”. Nhờ vậy mà con đường trước đây chỉ rộng 1 đến 2 mét, nhiều ổ trâu, ổ gà đã được mở rộng 4 đến 5 mét. Không chỉ tuyên truyền để dân hiểu, mà còn phải làm để dân tin Đoàn xã Dray Sáp đã huy động đoàn viên thanh niên (ĐVTN) tình nguyện đi cắm mốc và giúp các hộ giải tỏa mặt bằng, đơn vị thi công những việc làm thiết thực như: đo đạc lòng, lề đường, tuyên truyền vận động nhân dân hưởng ứng xây dựng và bảo vệ, trồng cây hai bên đường tạo môi trường xanh – sạch – đẹp. Ông Hoàng Đức Kình, Chủ tịch UBND xã cho biết: “Nhờ ĐVTN vận động mà nhiều nhà dân có hàng rào kiên cố, cây ăn quả lâu năm, những vườn ngô, mì… đã tự nguyện giải tỏa”. Việc giải tỏa hành lang không cần đền bù đã làm lợi cho Nhà nước hơn 500 triệu đồng, đó không chỉ là con số mà ý nghĩa hơn là tinh thần trách nhiệm của tổ chức Đoàn thanh niên phát huy sức trẻ tình nguyện vì cộng đồng. Được sự đầu tư mạnh mẽ của Nhà nước vào giao thông nông thôn mà đời sống kinh tế người dân ngày càng khởi sắc góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Ông Ama Bó, Chi Hội trưởng Cựu chiến binh buôn Tuôr A tâm sự: “Là một người thường xuyên đọc báo và các tạp chí nên khi nghe ĐVTN tới tuyên truyền tôi đã bàn với gia đình hiến hơn 2.000m2 đất không đòi đền bù. Từ khi có đường nhựa đi qua rẫy, gia đình tôi đỡ được một phần kinh phí thuê mướn nhân công vận chuyển mỗi khi vào vụ thu hoạch cà phê”. Làm theo Ama Bó, hàng trăm hộ dân khác trong 2 buôn cũng tự nguyện hiến đất cho dự án làm đường.

Con đường vào buôn Tuôr B được mở rộng.
Con đường vào buôn Tuôr B được mở rộng.

Đến giúp nhau lập nghiệp
Đoàn xã Dray Sáp hiện có gần 2.500 ĐVTN, chiếm 1/3 dân số toàn xã, tuy có lợi thế của tuổi trẻ là năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, nhưng vấn đề đặt ra đối với thanh niên khi lập nghiệp là thiếu vốn và kinh nghiệm sản xuất. Do đó, Đoàn xã đã xác định mục tiêu then chốt là phải tạo nguồn vốn hỗ trợ thanh niên phát triển sản xuất kinh doanh, vươn lên làm giàu. Đến nay, các tổ vay vốn đã đứng ra tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội hơn 1,7 tỷ đồng, giúp 102 thanh niên được vay học nghề và phát triển sản xuất. Để giúp ĐVTN sử dụng đồng vốn có hiệu quả và nâng cao kiến thức khoa học-kỹ thuật trong sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt, Đoàn xã thường xuyên phối hợp với các cơ quan chuyên môn mở nhiều lớp tập huấn kỹ thuật, phổ biến kiến thức đồng thời tổ chức nhiều đoàn đi tham quan, học tập các mô hình sản xuất hiệu quả trong và ngoài huyện. Từ năm 2008 đến nay, Đoàn xã đã phối hợp với Huyện Đoàn, Trung tâm dạy nghề huyện tổ chức được 10 lớp dạy nghề cho trên 300 ĐVTN, tập huấn chuyển giao khoa học công nghệ trồng rau, chăm sóc cà phê, hồ tiêu cho hơn 120 thanh niên. Nhiều hộ thanh niên đã sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay, xây dựng những mô hình kinh tế mang lại thu nhập ổn định từ vài chục triệu đồng/năm trở lên. Hiện nay trong số 102 hộ thanh niên được vay vốn 100% đã ổn định cuộc sống, không còn hộ đói, hơn 60% thanh niên phát triển kinh tế khá giả. Tiêu biểu như gia đình anh Y Cam Puốt, ở buôn Kla là một trong những gia đình có hoàn cảnh khó khăn trước đây. Năm 2009, anh được Đoàn xã tạo điều kiện cho vay 20 triệu đồng từ nguồn vốn thanh niên để chăn nuôi heo thịt. Qua 3 năm, gia đình anh đã đầu tư chuồng trại, phát triển đàn heo thịt hơn 20 con, mỗi năm xuất chuồng 2 đến 3 lứa, thu lãi từ 30 đến 40 triệu đồng sau khi trừ chi phí sản xuất. Hiện nay, cuộc sống của gia đình anh đã ổn định, xây được nhà ở khang trang và lo cho các con ăn học. Hay anh Nguyễn Duy Thuần, thôn An Na cũng là một trong những thanh niên được Đoàn xã ủy thác vay vốn 20 triệu đồng để đầu tư hơn 4.000m2 mặt nước nuôi cá. Qua tìm hiểu, nghiên cứu từ các mô hình kinh tế qua sách, báo anh đã áp dụng thành công mô hình nuôi cá, trồng bí đao, mỗi năm cho thu nhập trên 150 triệu đồng.

Theo anh Uông Đức Trịnh, có được kết quả như vậy là do qua các buổi sinh hoạt chi đoàn, Ban Chấp hành Đoàn xã đã tuyên truyền cho thanh niên ý thức thoát nghèo, khảo sát nhu cầu của thanh niên về nghề nghiệp và việc làm, từ đó phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức các lớp dạy nghề phù hợp. Những cá nhân điển hình trong phát triển kinh tế cũng chia sẻ những kinh nghiệm trong quá trình lao động sản xuất, để từ đó ĐVTN có thể áp dụng linh hoạt vào điều kiện của gia đình mình.

Tuấn Anh


Ý kiến bạn đọc