Multimedia Đọc Báo in

“Con không phải là ô sin”

09:01, 30/03/2012

Gia đình chị Thường làm đám giỗ nên mời vợ chồng tôi đến chơi. Tuy anh chị Thường là đồng nghiệp với chồng tôi nhưng vì bận rộn với con nhỏ, mấy năm qua tôi chỉ ghé qua nhà anh chị vài ba lần. Lần nào cũng không gặp bé Nga, con gái lớn của anh chị. Năm nay, con bé học lớp 8 mà cao ngổng, cao nghểu khiến tôi chút nữa không nhận ra.

Tôi tranh thủ đến sớm để phụ anh chị làm cơm. Bước chân vào nhà, con bé Nga đứng nhìn tôi trân trân, chẳng nói chẳng rằng đi vào phòng riêng. Tôi cũng chẳng để ý cho đến khi tôi và anh chị sắp mâm bát xong xuôi. Mặc cho bố mẹ gọi xuống phụ giúp con bé vẫn ở trong phòng chơi trò chơi trên điện thoại di động của mẹ. Đến khi bố gằn giọng bảo cắt dưa leo để cuốn bánh tráng thì con bé lầm lũi đi ra, tay lóng ngóng cấm con dao gọt sạch lớp vỏ quả dưa. Thấy con lúng túng, anh lại nhờ tôi làm giúp. Ăn uống xong, khi tôi giúp chị dọn chén bát, chị Thường lại gọi con bé cùng làm. Tôi bàng hoàng khi nghe con bé lầm bầm với mẹ: “Con có phải ô sin đâu mà mẹ cứ sai con làm việc này, việc kia thế!”. Chị biết tôi nghe được nên ngượng ngịu phân trần: “Nó học kém quá nên chị cho đi học thêm suốt ngày, lúc nó được nghỉ, thương nó, chị không nỡ để nó việc gì nên giờ mới thế…Cô thông cảm!”.

Giờ thì tôi đã lý giải được tại sao con bé Nga nhí nhảnh, vui tươi, ngoan ngoãn ngày xưa biến mất nhường chỗ cho cô bé mới lớn lầm lì, gương mặt không chút biểu cảm, hành động và lời nói vụng về, vô tâm đến thế! Có lẽ, lỗi không phải ở con bé mà ở chính tình yêu thương thái quá của anh chị Thường. Vì thương con, anh chị không tập cho con biết chia sẻ mọi việc với bố mẹ, dù việc nhỏ nhất trong nhà mà lứa tuổi của Nga cần phải làm. Anh chị Thường đã quá chú ý đến việc rèn luyện cho con học chữ mà quên mất cách dạy con làm người, nhất là với một cô gái.

Cách anh chị Thường yêu thương, dạy bảo con như thế đang khiến con mình trở nên vô cảm, vô tâm trước cuộc sống. Chúng ta nên dạy con biết chia sẻ, yêu thương với người thân, cộng đồng trước khi trở thành những thiên tài của thế giới.

Lương Thị Nguyệt


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.