Multimedia Đọc Báo in

Huyện Krông Bông: Nhiều hộ gia đình chưa sử dụng đúng mục đích các nguồn hỗ trợ cho học sinh

08:08, 21/03/2012

Từ năm học 2007-2008, Chính phủ đã có một số chính sách hỗ trợ kịp thời về tiền ăn, dụng cụ học tập và sinh hoạt cho học sinh con hộ nghèo và học sinh có cha mẹ thường trú tại các xã biên giới, vùng cao, hải đảo và các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đang theo học ở các cơ sở giáo dục. Những chính sách này đã phần nào giúp các gia đình giảm bớt khó khăn về kinh tế để con em được đến trường. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, một số hộ người dân tộc thiểu số di cư ở các xã vùng sâu của huyện Krông Bông lại sử dụng nguồn kinh phí này không mấy hiệu quả. 

Một gia đình dân tộc thiểu số thuộc diện hộ nghèo ở thôn Ea Lang - xã Cư Pui (huyện Krông Bông).

Do số tiền hỗ trợ được cấp phát một lần trong năm học nên khi nhận được một số tiền khá lớn, nhiều gia đình người dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn về kinh tế đã sử dụng vào những việc như trả nợ, mua gạo, mua sắm các dụng cụ gia đình, chữa bệnh... Việc sử dụng sai mục đích này đã dẫn đến tình trạng: mặc dù đã nhận được tiền hỗ trợ nhưng nhiều học sinh vẫn thiếu dụng cụ học tập, thiếu quần áo, giày dép để đi học, thiếu bàn ghế, góc học tập... Ông Lò Tiến Dũng, Trưởng thôn Ea Rớt, xã Cư Pui (Krông Bông) cho biết: "Thôn Ea Rớt có 245 hộ trong đó có đến trên 50% là hộ nghèo. Mặc dù tại các cuộc họp, ban tự quản thôn luôn nhắc nhở bà con dùng tiền hỗ trợ học sinh nghèo một cách phù hợp, đúng mục đích như mua đồ dùng học tập, quần áo, giày dép cho con em đến trường song vì hoàn cảnh quá khó khăn nên đa số các hộ đều sử dụng vào mục đích khác. Đến nay, trên 90% các gia đình vẫn chưa có bàn ghế hoặc góc học tập cho học sinh, nhiều em đi học không có cặp đựng sách, không có dụng cụ học tập". Gia đình ông Lương Văn Huệ, dân tộc Thái ở thôn Ea Lang, xã Cư Pui có 4 đứa con đi học, hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, vợ thường xuyên ốm đau. Khi nhận được tiền hỗ trợ học tập của các con, ông Huệ đã dùng hết để trả nợ tiền mua thuốc chữa bệnh cho vợ, còn dư chút nào thì mua gạo ăn nên các con của ông vẫn chưa có bàn ghế ngồi học ở nhà và quần áo đi học. Tương tự, gia đình ông Sính Tráng Sì, dân tộc Mông ở thôn Cư Đhăt, xã Cư Đrăm rất nghèo lại có đến 8 đứa con, trong đó 5 đứa đang đi học. Đất đai sản xuất không có nên 2 vợ chồng phải đi làm thuê để kiếm gạo cho con ăn. Ông Sính Tráng Sì cho biết: “Khi nhận được số tiền hỗ trợ, mình phải đem trả nợ nên không mua được quần áo, giày dép, bàn ghế cho con ngồi học. Cũng vì khó khăn quá nên 2 đứa con lớn đã phải nghỉ học rồi".

Thiết nghĩ, các cấp ngành, đoàn thể ở địa phương cần chú trọng đến công tác giám sát, tư vấn và nâng cao ý thức của các gia đình người dân tộc thiểu số trong việc sử dụng đúng mục đích để các nguồn hỗ trợ cho học sinh phát huy hiệu quả; cấp phát đầy đủ, đúng và kịp thời chế độ cho học sinh. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cần quan tâm hơn, có những biện pháp giúp các hộ gia đình người dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn phát triển kinh tế nhằm tạo điều kiện cho các em học sinh có điều kiện được cắp sách đến trường, hạn chế tình trạng học sinh bỏ học.

 Tùng Lâm

 

 


Ý kiến bạn đọc