Multimedia Đọc Báo in

Mỗi trẻ sẽ được “đầu tư” gần 500 đồng để chăm sóc và bảo vệ (!?)

08:37, 31/03/2012

Dak Lak là một trong những tỉnh có số trẻ em bị tai nạn thương tích và trẻ chết vì đuối nước thuộc tốp cao nhất trong cả nước. Theo thống kê chưa đầy đủ của Phòng Bảo vệ - Chăm sóc trẻ em (Sở LĐ-TB&XH), từ năm 2008 đến năm 2010 toàn tỉnh có 13.368 trường hợp trẻ em bị tai nạn thương tích (TNTT) trong đó có 166 trẻ bị tử vong. Riêng năm 2011, xảy ra 1.009 trường hợp trẻ bị TNTT, 76 trẻ tử vong (trong đó, số trẻ chết vì đuối nước là 63 em, tăng 11 em so với năm 2010). TNTT đã trở thành nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho trẻ em, để lại những hậu quả rất lớn về mặt kinh tế, nỗi đau về tinh thần cho các gia đình, cũng như thêm gánh nặng cho vấn đề an sinh xã hội. Hàng năm, trong tỉnh lại có thêm gần 1.000 trẻ khuyết tật do TNTT phải sống phụ thuộc vào gia đình  cần được chăm sóc, bảo trợ của xã hội…

Trước thực trạng này, tỉnh đang triển khai các hoạt động như: xây dựng mô hình “Ngôi nhà an toàn” cho trẻ năm 2012; thực hiện Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2011-2015; đặc biệt là Chương trình Bảo vệ trẻ em giai đoạn 2011-2015 vừa được UBND tỉnh phê duyệt sẽ triển khai đồng thời 5 dự án với tổng kinh phí hơn 49 tỷ đồng (trung bình 9,8 tỷ đồng /năm). Trong đó, nguồn chi từ ngân sách tỉnh là 13, 1 tỷ đồng, bình quân mỗi năm hơn 2,6 tỷ đồng. Trong năm 2012 chương trình tập trung thực hiện một số giải pháp cơ bản: tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, kỹ năng phòng chống trẻ bị xâm hại; phòng tránh đuối nước; thay đổi, cải tạo môi trường sống trong gia đình, trường học và cộng đồng, xây dựng mô hình gia đình an toàn, cộng đồng an toàn; thực hiện các quy định, chính sách về an toàn và phòng tránh đuối nước; phát triển kỹ năng sơ cấp cứu và dạy bơi cho trẻ em… nhằm đạt chỉ tiêu: 100% xã, phường, thị trấn xây dựng các biển cấm, biển báo nguy hiểm ở những khu vực nguy cơ cao về tai nạn; 50% hộ gia đình có trẻ dưới 16 tuổi được trang bị kiến thức, kỹ năng về phòng chống TNTT; dạy bơi miễn phí cho 300-400 trẻ vùng sâu, vùng xa, vùng có nhiều hồ đập và nguy cơ cao…

Cả một khối lượng công việc lớn cần thực hiện, nhưng Kế hoạch thực hiện công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em năm 2012 chỉ được duyệt chi hơn 300 triệu đồng (chỉ bằng 1/8 so với nhu cầu thực tế và dự toán của Chương trình). Nếu làm một phép tính nhẩm đơn giản là chia số tiền trên cho tổng số trẻ hiện có trên địa bàn tỉnh là 641.404 em thì trung bình mỗi trẻ sẽ được “đầu tư” gần 500 đồng… Mức kinh phí được duyệt chi hạn hẹp khiến những người có nhiệm vụ triển khai chương trình không khỏi “đau đầu”, và như vậy thì các chỉ tiêu đề ra liệu có đạt được?

  Minh Quân


Ý kiến bạn đọc