Multimedia Đọc Báo in

Từ câu chuyện 1 nghìn đồng tiền lẻ

08:35, 31/03/2012

Hai thanh niên ăn mặc lịch lãm bước ra khỏi nhà xe của một siêu thị, sau đó là vẻ mặt cau có của nhân viên trông giữ xe cùng với những lời lẽ khó chịu: “Nhìn người vậy mà keo kiệt từng đồng…”. Lúc đầu, bản thân tôi cũng nghĩ như vậy về 2 chàng trai!

Hóa ra, 2 thanh niên đó đòi lại 1 nghìn đồng tiền thừa khi gửi xe tại siêu thị này. Tưởng sau khi đòi lại tiền, 2 chàng trai sẽ vụt xe thật nhanh; nhưng không, họ dừng xe lại, đưa cho bà lão hành khất ăn mặc rách rưới, dáng người gầy nhom, khắc khổ đứng bên mép đường… 1 nghìn đồng! Hành động ấy khiến tôi thật sự ngỡ ngàng…

Thực tế, khi đi mua hàng ở bất cứ địa điểm nào, dù siêu thị hay ở các chợ, cửa hàng, nhiều người tiêu dùng vẫn có tâm lý e ngại khi chờ thối lại số tiền lẻ ít ỏi từ người bán. Có người chọn phương án im lặng và chấp nhận mất số tiền lẻ đó; số khác thì chờ thối tiền để nhận được những lời lẽ khó chịu như 2 thanh niên trên. Nghĩ cho cùng, 1 nghìn tiền lẻ có lúc không mua được thứ gì có giá trị, nhưng nếu một ngày phải đi mua hàng 10 lần như vậy, sẽ mất 10 nghìn đồng và con số đó sẽ lớn hơn nhiều khi hàng trăm, hàng nghìn người cùng chấp nhận nghịch lý trên. Rõ ràng, vô tình người mua đã bị “móc túi” một cách vô lý. Và, với người có điều kiện, 1 nghìn đồng chẳng là gì cả, nhưng lại có giá trị lớn đối với một người hành khất, chỉ cần 2-3 người có hành động như thế thì người hành khất có tiền để mua được 1 gói mì, đủ ấm lòng bữa sáng.

Ở đất nước Nhật Bản, dù nền kinh tế phát triển, cuộc sống người dân sung túc, đầy đủ; nhưng khi đi mua hàng, dù chỉ dư 1 yên (tương đương khoảng 250 đồng Việt Nam) người mua cũng đứng chờ để nhân viên bán hàng thối lại. Như vậy, mệnh giá 1 nghìn đồng không phải là nhỏ, bởi đó chính là mồ hôi, công sức lao động mà mình bỏ ra, nên phải biết quý trọng. Bởi thế, khi đi mua hàng, mọi người cần mạnh dạn đòi lại những đồng tiền lẻ thừa từ người bán. Có thể nó không quan trọng với bạn, nhưng giá trị của nó sẽ tăng lên gấp bội khi trao cho những người có hoàn cảnh khó khăn, đang cần được sẻ chia từ những tấm lòng nhân ái trong cuộc sống đời thường.

Hoàng Tuyết


Ý kiến bạn đọc


(Video) Lan tỏa những giá trị tốt đẹp của Đại lễ Phật đản
Đại lễ Phật Đản năm 2024 - Phật lịch 2568 tại tỉnh Đắk Lắk diễn ra trong không khí trang nghiêm. Tất cả các cơ sở thờ tự Phật giáo trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk được trang hoàng rực rỡ cờ hoa, phẩm lễ..., với mong muốn đón một đại lễ thật ý nghĩa, trang trọng.