Multimedia Đọc Báo in

Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”: Phát huy nội lực của người dân

05:23, 02/03/2012

Nhiều điển hình mới, cách làm hay đã xuất hiện trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”(tdđkxdđsvh), góp phần thực hiện hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Và quan trọng hơn cả, từ phong trào này, sức mạnh đại đoàn kết, nội lực của người dân được phát huy trên mọi mặt đời sống xã hội.

Những điểm sáng

Được công nhận Thôn Văn hóa từ năm 2002, đến nay thôn 9 (xã Pơng Drang, huyện Krông Buk) vẫn duy trì và giữ vững danh hiệu này. Trưởng thôn Vũ Quang Nghĩa chia sẻ, để làm được điều đó, việc tập hợp, phát huy sức mạnh và quyền làm chủ của người dân là yếu tố quan trọng nhất. Chính vì vậy, từ việc lớn đến việc nhỏ của thôn đều được đưa ra để người dân họp bàn, đóng góp ý kiến và cùng Ban tự quản triển khai thực hiện. Nhờ vậy, chỉ trong thời gian ngắn, thôn 9 đã huy động được hơn 2 tỷ đồng và hàng nghìn ngày công thảm nhựa 4 km; nâng cấp, tu sửa hơn 13 km đường giao thông nông thôn; hơn 77 triệu đồng xây dựng hội trường và mắc điện chiếu sáng trên các tuyến đường nội thôn. Ban tự quản thôn còn thành lập đội văn nghệ, bóng đá, bóng chuyền; vận động mỗi hộ gia đình tự nguyện đóng góp từ 5.000-10.000 đồng phụng dưỡng người cao tuổi và tổ chức phúng viếng, ma chay người đã khuất, tạo sự gắn kết trong tình làng nghĩa xóm. Đội an ninh tự quản thôn gồm 9 thành viên luân phiên tuần tra nắm tình hình bảo đảm an ninh trật tự địa bàn. Nhiều năm nay, trong thôn không có người nghiện hút hoặc mua bán chất ma túy. Với lợi thế của địa phương có cà phê là cây trồng chủ lực, người dân đã tích cực áp dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật để trồng xen canh, cải tạo vườn cây nâng cao hiệu quả kinh tế. Điều đáng nói, Ban tự quản thôn đã xây dựng và thường xuyên sửa đổi, bổ sung những điều quy định trong hương ước cho phù hợp với thực tế địa phương, nhắc nhở mọi người cùng thực hiện. Theo Trưởng thôn Vũ Quang Nghĩa, cái được lớn nhất sau hơn 10 năm thực hiện phong trào xây dựng đời sống văn hóa không chỉ dừng ở việc có trên 90% số hộ đạt gia đình văn hóa các cấp, 100% trẻ em trong độ tuổi đến trường mà còn là bộ mặt nông thôn ngày càng khang trang, đời sống vật chất, tinh thần của người dân nâng lên rõ rệt.

Nông dân các địa phương trong tỉnh đã ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nâng cao hiệu quả kinh tế, cải thiện cuộc sống.

Đối với xã Phú Xuân (huyện Krông Năng), kết quả sau hơn 10 năm thực hiện phong trào TDĐKXDĐSVH được thể hiện qua những con số rất đáng tự hào: 82% số hộ đạt gia đình văn hóa các cấp, 26/32 thôn đạt danh hiệu văn hóa, 32/32 thôn có hội trường, hầu hết các trục đường liên thôn đều có hệ thống đèn chiếu sáng, 100% hộ có phương tiện nghe nhìn… Chính quyền địa phương khuyến khích các thôn thành lập đội văn nghệ, huy động nhân dân đóng góp xây dựng sân luyện tập thể dục – thể thao, thường xuyên tổ chức thi đấu giao lưu. Nhờ vậy, các sinh hoạt văn hóa có sức lan tỏa trong cộng đồng. Bí thư Đảng ủy xã Trần Văn Huy cho biết, với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, chính quyền địa phương luôn chú trọng phát huy dân chủ cơ sở, 10 năm qua đã vận động người dân trong xã đóng góp gần 3 tỷ đồng xây dựng các thiết chế văn hóa, công trình phục vụ dân sinh. Trong phong trào thi đua lao động sản xuất, các hộ đã dần thực hiện thu hái cà phê đạt độ chín quy định, liên kết chống nạn trộm cắp cà phê, giúp nhau cây, con giống, ngày công; ứng dụng những giống mới, mô hình sản xuất hiệu quả trong chuyển đổi cây trồng vật nuôi… Nhờ vậy, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn xã đã xóa dần thế độc canh, từng bước chuyển sang phát triển kinh tế trang trại, kinh doanh, buôn bán nhỏ, tạo việc làm cho nhiều lao động.

Nhân lên sức mạnh đại đoàn kết

Thôn 5 (xã Phú Xuân, huyện Krông Năng) giữ vững danh hiệu Thôn Văn hóa nhiều năm liền.

Những năm qua, phong trào “TDĐKXDĐSVH” được triển khai sâu rộng tới các ban, ngành, đoàn thể, khu dân cư và đã nhận được sự ủng hộ, tham gia nhiệt tình của mọi tầng lớp nhân dân trên địa bàn, tạo động lực thúc đẩy việc thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Không chỉ đôn đốc, kiểm tra thường xuyên và có những đánh giá khen thưởng, nhắc nhở kịp thời đối với cơ sở, trong quá trình triển khai thực hiện, Ban chỉ đạo tỉnh giao nhiệm vụ cho các thành viên lồng ghép nội dung phong trào “TDĐKXDĐSVH” với các phong trào của từng cơ quan, đơn vị như: phong trào “Kỷ cương, tình thương, trách nhiệm” của ngành Giáo dục; “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” của Mặt trận Tổ quốc, “Làng văn hóa sức khỏe” của ngành Y tế, “Xây dựng đời sống văn hóa ở khu vực biên giới” của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh… Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, xây dựng và nhân rộng các mô hình hay, nhân tố mới. Từ đó, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân qua các hành động cụ thể: phòng chống tệ nạn xã hội, giải tỏa lòng lề đường, lập lại trật tự an toàn giao thông, loại bỏ dần các thủ tục rườm rà, hủ tục lạc hậu trong việc tang, việc cưới và lễ hội, duy trì và phát triển các hoạt động văn hóa – văn nghệ, thể dục – thể thao, các lễ hội dân gian, phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa”… Những hoạt động trên đã góp phần tạo sự thay đổi mọi mặt đời sống xã hội. Điều này được minh chứng bằng những con số ấn tượng: Đến cuối năm 2011, toàn tỉnh có gần 75% hộ gia đình đạt tiêu chuẩn văn hóa; 1.419/2.447 thôn, buôn, tổ dân phố đạt tiêu chuẩn văn hóa; 66 xã, phường, thị trấn đăng ký xây dựng đạt tiêu chuẩn văn hóa; 3 huyện: Krông Pak, Krông Năng và Cư M’gar tổ chức đăng ký xây dựng huyện điểm văn hóa của tỉnh; 1.573/1.821 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp có tổ chức công đoàn đạt tiêu chuẩn văn hóa.

Nguyễn Xuân

 


Ý kiến bạn đọc