Multimedia Đọc Báo in

Xây dựng nông thôn mới ở Buôn Đôn: Nhìn từ xã điểm Ea Bar

05:30, 02/03/2012

Được tỉnh chọn điểm chỉ đạo xây dựng nông thôn mới, thời gian qua, chính quyền và người dân xã Ea Bar (huyện Buôn Đôn) đã có nhiều nỗ lực, sáng tạo trong triển khai thực hiện. Cùng với sự đầu tư của các cấp, ngành, nội lực của người dân đã được phát huy.

Khơi dậy nội lực, tranh thủ ngoại lực

Chỉ cho chúng tôi hội trường mới khang trang ngay cạnh căn nhà gỗ cũ, xiêu vẹo tận dụng làm nơi sinh hoạt, hội họp trước đây, Trưởng thôn 8 (xã Ea Bar) Nguyễn Châu Sơn cho biết, chỉ trong vòng 3 tháng, Ban tự quản (BTQ) thôn đã huy động người dân đóng góp xây dựng xong. Từ khi có hội trường mới rộng 84 m2, có cả sân bãi, những hoạt động văn nghệ, thể dục thể thao, giao lưu, mít tinh nhân các ngày lễ lớn… được tổ chức thường xuyên và thu hút đông đảo người dân tham gia. Để tạo sự đồng thuận, Ban tự quản, các đoàn thể của thôn đã tổ chức họp dân lấy ý kiến về mức đóng góp, thiết kế, thi công, giám sát công trình; phối hợp với người có uy tín trong thôn đi vận động từng gia đình, khu xóm nhằm giải đáp mọi thắc mắc của người dân. Đồng thời, các thành viên trong BTQ thôn đã phát huy tinh thần gương mẫu, tự nguyện đóng góp gấp đôi số tiền quy định (250.000 đồng/hộ). Nhờ vậy, chỉ sau một thời gian ngắn, thôn đã huy động được 70 triệu đồng xây dựng hội trường. Những hộ không có điều kiện đóng tiền thì góp công lao động, xây dựng công trình. Ngoài ra, 102 hộ thuộc 8 thôn ở khu vực rẫy cà phê 15-3 đã tự nguyện đóng góp 1,3 tỷ đồng (1,5 triệu đồng/sào cà phê) kéo điện phục vụ sinh hoạt, sản xuất.

Hội trường thôn 8 (xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn) do người dân đóng góp xây dựng.

Bên cạnh huy động nội lực trong dân, chính quyền địa phương cũng tận dụng tối đa nguồn vốn của các cấp, ngành xây dựng giao thông, thủy lợi. Từ nguồn vốn 1,9 tỷ đồng đầu tư xây dựng nông thôn mới, xã thống nhất chọn 3 hạng mục để đầu tư xây dựng gồm: giao thông nội đồng cánh đồng B ở thôn 12 dài 800 m; giao thông nội đồng phục vụ sản xuất ở thôn 16, 16 A, 17 dài 894 m; bê tông hóa giao thông nông thôn ở thôn 7 dài 500 m. Điều đáng nói, ngoài vốn đầu tư, xã đã vận động 70 hộ dân tự nguyện hiến đất, mở rộng mặt đường; giải tỏa hơn 4.100 m2 đất trị giá gần 200 triệu đồng không cần đền bù để xây dựng 3 hạng mục trên. Ông Phan Thanh Bình ở thôn 9 có gần 3 sào lúa nước 2 vụ ở cánh đồng B nói: “Nhận thấy lợi ích của việc xây dựng giao thông nội đồng nên các hộ canh tác lúa ở cánh đồng này đều tự nguyện hiến đất ruộng mở rộng mặt đường với tổng diện tích 3.382 m2. Từ khi đường giao thông nội đồng hoàn thành, việc đi lại, vận chuyển nông sản của người dân đỡ vất vả hơn trước nhiều”. Chính quyền địa phương còn lồng ghép vốn sự nghiệp kinh tế, Chương trình 135 giai đoạn II để đầu tư xây dựng giao thông, thủy lợi, kiên cố hóa trường học, nâng cao đời sống, sinh hoạt, sản xuất cho người dân.

Khắc phục những khó khăn

Chủ tịch UBND xã Trần Văn Toàn cho biết: ngay sau khi được chọn làm điểm, chính quyền địa phương đã nhanh chóng thành lập Ban Chỉ đạo, Ban Quản lý xây dựng nông thôn mới cấp xã và Ban Phát triển trên địa bàn 21 thôn, buôn; phân công trách nhiệm cụ thể cho các thành viên Ban Quản lý phụ trách địa bàn từng thôn, buôn, phối hợp với Ban Phát triển tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người dân cùng thực hiện; phát hiện, viết bài giới thiệu những mô hình huy động đóng góp hiệu quả đọc trên hệ thống loa truyền thanh xã. Cả hệ thống chính trị vào cuộc trong công tác tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức của người dân về chủ trương xây dựng nông thôn mới bằng cách lồng ghép trong các cuộc họp, giao ban, hội nghị… nên tạo được sự đồng thuận cao trong quá trình triển khai thực hiện. Xác định khó khăn của một xã thuần nông, chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, muốn thúc đẩy kinh tế phát triển, cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương tập trung chỉ đạo chuyển dịch cơ cấu mùa vụ và đưa các giống mới có năng suất cao vào sản xuất, khuyến khích áp dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật, phát triển trang trại chăn nuôi gia cầm, chăn nuôi tổng hợp. Đối với những diện tích lúa bấp bênh về nước tưới, xã khuyến khích người dân chuyển sang trồng rau xanh và hoa để cung cấp cho thị trường TP. Buôn Ma Thuột. Đồng thời, đôn đốc việc nạo vét, tu sửa kênh mương, hồ đập nhằm tưới tiêu kịp thời cho đồng ruộng; kết hợp với Trạm Bảo vệ thực vật huyện kiểm tra tình hình sâu bệnh, hướng dẫn người dân phòng trừ kịp thời. Vì vậy sản xuất nông nghiệp luôn kịp theo lịch thời vụ, đem lại năng suất và sản lượng khá cao.

Đến nay, xã đã đạt 6/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, gồm: bưu điện, giáo dục, y tế, văn hóa, hệ thống tổ chức chính trị xã hội vững mạnh và an ninh, trật tự xã hội; 7 tiêu chí đạt 60-80% và 6 tiêu chí chỉ đạt 20 đến dưới 60%. Cái khó khăn lớn nhất của xã trong việc phấn đấu cơ bản hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới vào năm 2015 của xã là tỷ lệ hộ nghèo còn cao (chiếm gần 26%), số kênh mương và giao thông nội thôn được kiên cố hóa còn thấp, tỷ lệ lao động qua đào tạo mới chỉ chiếm 20%. Để nhanh chóng khắc phục những khó khăn này, chính quyền địa phương đang tập trung huy động sức dân bê tông hóa đường giao thông nông thôn, cứng hóa kênh mương, đẩy mạnh sản xuất hàng hóa, chỉnh trang các khu dân cư. Tuy nhiên, cũng theo ông Trần Văn Toàn, để có thể hoàn thành các chỉ tiêu theo thời gian quy định, mỗi năm Ea Bar cần khoảng 30 tỷ đồng vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Vì vậy, rất cần sự quan tâm, hỗ trợ nhiều hơn nữa từ phía Trung ương và tỉnh, huyện.  

   Yến Ngọc


Ý kiến bạn đọc