Multimedia Đọc Báo in

“Không có việc gì khó…”

20:50, 03/04/2012

“Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền, đào núi và lấp biển. quyết chí ắt làm nên”, lời dạy của Bác Hồ với thanh niên đã và đang trở thành phương châm hành động của thế hệ trẻ. Ngày càng nhiều đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) bền bỉ khắc phục khó khăn, vươn lên thoát nghèo và tiến tới  làm giàu…

Tỷ phú mía

Năm 2005, sau khi tốt nghiệp Trung cấp Thú y, Nguyễn Hồng Tuyển (SN 1983, thôn Quyết Tâm, xã Ea Týh, huyện Ea Kar) được gia đình đầu tư vốn để mở trại nuôi heo. Đây là mơ ước từ lâu, nên Tuyển rất hăng say với công việc, tự lặn lội chọn mua heo giống, xây dựng chuồng trại. Đàn heo giống được chăm sóc chu đáo, đang lớn từng ngày thì dịch lở mồm long móng xảy ra, người dân vứt xác heo bệnh tràn lan, ngay cả bên cạnh khu chuồng trại của Tuyển. Sợ bầy heo nái 10 con bị nhiễm bệnh, Tuyển đành bán hết. Lần đầu tiên làm kinh tế, chưa đầy 1 năm, Tuyển đã lỗ hơn 100 triệu đồng.

Vào vụ thu hoạch, Nguyễn Hồng Tuyển (ngoài cùng bên phải) luôn tất bật ngoài ruộng mía.

Cú “ngã” đầu tiên khiến Tuyển phải suy nghĩ, tính toán lại con đường làm ăn. Anh nhận thấy chăn nuôi heo nhỏ lẻ sẽ gặp nhiều rủi ro, nhất là trong hoàn cảnh dịch bệnh tràn lan, chưa có biện pháp kiểm soát hữu hiệu; giá con giống lẫn thức ăn không ngừng tăng. Không có tiền đầu tư chuồng trại khép kín theo mô hình chăn nuôi chuyên nghiệp, Tuyển đành từ bỏ ước mơ chăn nuôi và chuyển sang trồng mía. Bắt đầu từ 6 ha mía của gia đình, anh mạnh dạn phá bỏ phần lớn diện tích cho năng suất thấp để trồng lại bằng loại giống tốt hơn. Trong chăm sóc mía cũng vậy, Tuyển không ngừng học tập kinh nghiệm từ những người đi trước; thường xuyên tìm kiếm tài liệu về cây mía để đọc thêm và áp dụng vào thực tiễn. Nhờ cần cù chăm sóc và sử dụng phân bón hợp lý, không lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật…  nên năng suất, sản lượng mía của Tuyển tăng khá cao, có năm đạt 100 tấn/ha, tức cao hơn sản lượng bình quân của cả vùng khoảng 20 tấn/ha; đặc biệt là rẫy mía của anh luôn cho sản lượng ổn định chứ không phải năm được năm mất như của nhiều người.

Sau mỗi vụ thu hoạch, bên cạnh việc dành tiền đầu tư chăm sóc cho vụ sau, Tuyển cũng dành ra một khoản tương đối lớn để mua thêm đất. Mỗi năm một ít, đến nay, anh đã có khoảng 24 ha mía; gần chục ha rừng keo và 4 ha đất trồng hoa màu. Chỉ tính riêng cây mía, vụ vừa rồi, Tuyển thu được hơn 1,7 tỷ đồng từ bán mía nguyên liệu cho các nhà máy đường, trừ hết chi phí, lợi nhuận còn lại cũng trên 350 triệu đồng. Tuyển cho biết sẽ tiếp tục tích tụ đất, mở rộng diện tích và học cách đưa máy móc vào thay cho sức con người nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất.

Thành công sau nhiều thất bại

Tròn 32 tuổi, Lưu Văn Dũng (thôn Quỳnh Ngọc 2, xã Ea Na, huyện Krông Ana) đã có trong tay một khối tài sản lớn: 1ha cà phê kinh doanh, 2ha lúa, hơn 1ha hồ nuôi cá…, mỗi năm mang về khoản thu nhập hàng trăm triệu đồng. Tuy nhiên, ít ai biết được, để có những thứ đó, Lưu Văn Dũng đã từng trải qua bao thất bại.

Lưu Văn Dũng cho cá ăn.

Cách đây 3 năm, khi mới 19 tuổi, Dũng đã phải thay bố làm chỗ dựa cho cả gia đình vì bố mất, Dũng là con trưởng. Lúc đấy, ưu tiên hàng đầu là kiếm tiền để trang trải cuộc sống và học hành cho 6 đứa em nên Dũng đã sang tỉnh Gia Lai nhận khoán lại rẫy cà phê của người dân. Một mình làm ăn xa, không có người giúp đỡ, hơn nữa phải trả sản phẩm cho chủ quá cao (1,1 tấn nhân/ha/năm) nên ngay năm đầu tiên Dũng đã lỗ nặng, phải trả lại đất. Quay về lại thôn Quỳnh Ngọc 2, Dũng cần mẫn làm thuê, gom góp tiền cải tạo gần 1ha đất ruộng của gia đình thành hồ nuôi cá. Cũng chẳng khá hơn lần trước, do không đủ tiền múc đất đắp bờ hồ cho đủ cao nên ngay vụ cá đầu tiên, nước lũ ngoài sông tràn vào cuốn đi sạch. Không còn vốn cải tạo hồ, Dũng quay sang nuôi vịt. Gom góp tiền, Dũng mua 1.500 con vịt và thuê của người dân mấy sào ruộng cạnh bờ sông để làm nơi chăn thả. Do không có kinh nghiệm chăn nuôi, sau mấy tháng chăm sóc, đến khi xuất bán chỉ còn khoảng 500 con, số còn lại bị mất trộm và nước lũ cuốn mất. Sau nhiều lần thất bại, Dũng nghiệm lại thấy do mình đầu tư dàn trải, vượt quá khả năng, nên anh tập trung điều chỉnh lại cách làm. Đầu tiên, Dũng học cách chăm sóc, cải tạo lại 1 ha cà phê đúng kỹ thuật, vườn cà phê liên tục cho năng suất cao, nhất là vụ vừa rồi đạt khoảng 4 tấn nhân/ha. Từ nguồn thu cà phê, mỗi năm Dũng dành ra một ít mua khoảng vài trăm con vịt để vừa nuôi, vừa rút kinh nghiệm, và anh đã thành công. Từ đó, Dũng mở rộng ra việc tái chăn nuôi heo cũng với cách làm, lúc đầu nuôi ít, khi có kinh nghiệm mới mở rộng. Chu kỳ chăn nuôi heo, vịt ngắn, mỗi năm xuất bán được vài lứa nên Dũng cũng có một khoản thu nhập tương đối khá để trang trải cho cuộc sống gia đình và đầu tư chăm sóc thêm cho vườn cà phê. Sau các thành công trên, Dũng tiếp tục tái đầu tư gia cố lại ao cá. Lần này, anh không nuôi cá thuần túy như trước mà kết hợp “lúa-cá-vịt”. Trong đó, ao nuôi cá được đào thành 2 bậc, phần ao cạn dùng để sạ lúa làm thức ăn cho cá, vịt; phần sâu hơn là nơi nuôi cá con. Theo Dũng, cách làm này tiết kiệm được rất nhiều chi phí; cá ăn lá và bông lúa nên ít tốn thức ăn tổng hợp nhưng chất lượng thịt lại cao hơn hẳn, gần giống như cá đồng nên được nhiều người mua hơn; vịt ăn lúa trong hồ (không ăn được cá do cá đã lớn và ở dưới phần ao sâu) nên chỉ luẩn quẩn quanh đấy, vừa tránh được việc chúng phá lúa của người dân, vừa hạn chế mất cắp.

Vậy là, sau nhiều lần thất bại, nhờ kiên trí rút kinh nghiệm nên Lưu Văn Dũng đã trở thành “người giàu” ở thôn Quỳnh Ngọc khi mới ngoài 30 tuổi.

Cần cù, chăm chỉ trở thành triệu phú

Năm 2003, sau khi lập gia đình, Nguyễn Văn Hùng (SN 1982, xã Pơng Drang, huyện Krông Buk) được bố mẹ cho 8 sào cà phê để lập nghiệp. Vào thời điểm ấy, cà phê vừa trải qua 2 năm rớt giá thê thảm nên 8 sào cà phê cũng chẳng có giá trị là bao. Trong hoàn cảnh đó, việc giữ lại hay phá bỏ diện tích cà phê này để chuyển sang trồng cây khác … là một câu hỏi không dễ trả lời đối với Hùng. Sau nhiều đêm suy nghĩ và tham khảo ý kiến của những người đi trước, Hùng quyết định giữ lại diện tích cà phê đó. Để có tiền trang trải cho cuộc sống gia đình và đầu tư chăm sóc vườn cà phê, anh đã phải làm đủ thứ việc. Tận dụng một phần diện tích đất trống trong vườn, Hùng làm các loại rau xanh; vay mượn tiền của anh em, bạn bè chăn nuôi thêm heo, gà. Hùng tâm sự: “Vào những năm đó, anh và vợ gần như làm việc không có thời gian nghỉ”. Buổi sáng, hai vợ chồng phải thức dậy từ 4-5 giờ sáng, người thì chở rau ra chợ xã bán, người thì tranh thủ tưới, chăm sóc rau và heo, gà. Đến khoảng 7 giờ sáng, lại phải tất bật lên rẫy hoặc chở gà thịt đi bán ở các chợ hoặc đi làm thuê cho người khác. Buổi trưa, khi mọi người nghỉ ngơi lấy sức thì hai vợ chồng anh lại vội vã về nhà tưới rau, cho heo, gà ăn. Buổi tối, có khi phải tới 9-10 giờ đêm, vợ chồng mới được ăn cơm vì phải chuẩn bị rau cho phiên chợ hôm sau. Rau xanh được trồng không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật; heo và gà cũng không lạm dụng các chất kích thích tăng trưởng, đạt chất lượng về thịt theo yêu cầu của khách hàng, do đó ngày càng nhiều người chọn mua sản phẩm do vợ chồng Hùng làm ra, nên thu nhập cũng tăng lên đáng kể. Từ nguồn thu này, anh đầu tư chăm sóc 8 sào cà phê chu đáo hơn, nên sản lượng thu được hàng năm cũng tăng lên, có năm đạt 4 tấn nhân/ha.

Nguyễn Văn Hùng chăm sóc đàn gà.

Hiện, mỗi năm Hùng xuất bán khoảng 3 lứa gà, mỗi lứa trên 150 con; 3 lứa heo (khoảng 10 con/lứa). Theo tính toán của Hùng, tổng lợi nhuận thu được từ làm cà phê, rau xanh và chăn nuôi mỗi năm đạt khoảng 150 triệu đồng.

Làm giàu nhờ chữ Tín

Cũng giống như Nguyễn Văn Hoàng, năm 2008 lập gia đình với vốn liếng chỉ hơn 1 sào đất sỏi cằn cỗi, Lê Văn Hiệp (thôn 5, thị trấn Ea Pôk, huyện Cư M’gar) đã quyết tâm gây dựng kinh tế bằng mô hình trồng rau. Từ kiến thức đã học được cộng với lòng quyết tâm và tính cần cù, anh Hiệp  đã thành công trong hướng đi của mình, mang lại thu nhập cao.

Trước thực tế, đất vườn xấu, trồng cây gì cũng chỉ lên èo uột, anh tìm hướng phát triển kinh tế bằng cách trồng các rau ngắn ngày như cải, xà lách, rau muống... Mô hình này không đòi hỏi vốn nhiều nhưng người trồng phải cần cù và chăm sóc rau đúng kỹ thuật. “Những ngày đầu mới trồng rau, có lúc giống gieo xuống rồi mà đợi mãi chẳng thấy cây mọc lên. Buồn đến mất ăn mất ngủ, nhưng sau đó bình tĩnh, xem lại cách phơi đất, xử lý hạt, mầm bệnh trong đất trước khi gieo trồng thì thấy nhiều khâu mình thực hiện chưa đúng quy trình”- anh Hiệp chia sẻ.  Nhờ chịu khó tìm tòi học hỏi kinh nghiệm, lại biết giữ chữ tín lên hàng đầu như không sử dụng hóa chất nên sản phẩm rau của anh chỉ tiêu thụ ở địa phương mà còn cung cấp ra các chợ TP. Buôn Ma Thuột và các xã lân cận. Khi nhu cầu tiêu thụ ngày càng cao, anh Hiệp quyết định trồng thêm các loại củ, quả để làm phong phú cho vườn rau của mình; đồng thời tăng số vụ, rút ngắn thời gian gieo trồng mà vẫn bảo đảm về chất lượng rau xanh. Đặc biệt, từ khi áp dụng mô hình tận dụng vỏ cà phê (mua lại của các hộ trồng cà phê ở địa phương với giá rẻ) ủ làm phân hữu cơ vi sinh bón cho vườn rau đã cho hiệu quả thấy rõ. Việc làm này đã tận dụng được tối đa nguồn phụ phẩm, giảm bớt chi phí lại nâng cao chất lượng sản phẩm. Hiện tại, mỗi năm, anh gieo trồng từ 10 đến 12 vụ, cho thu nhập trung bình mỗi tháng gần 3 triệu đồng. Khi đã có chút vốn, anh Hiệp vay mượn thêm của bạn bè, bà con, mua được 5 sào đất cà phê. Như một cách “lấy ngắn nuôi dài”, thu nhập từ vườn rau giúp anh có điều kiện đầu tư chăm sóc tốt hơn cho vườn cà phê, đồng thời, nguồn phụ phẩm từ vỏ cà phê đã giảm bớt chi phí phân bón cho vườn rau, bảo đảm an toàn sức khỏe người tiêu dùng.

Lê Văn Hiệp bên vườn rau nhà mình.

Xuất phát chỉ với trên 1 sào đất cỗi, không một đồng vốn, đến nay vợ chồng anh Hiệp đã có được cơ ngơi kha khá, mua sắm được các trang thiết bị cần thiết trong gia đình. Anh Hiệp chia sẻ: thời gian tới anh dự định trồng rau sạch (không sử dụng chất kích thích, thuốc trừ sâu…) để cung cấp cho thị trường những sản phẩm rau sạch, bảo đảm an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng.

Người “vẽ” lại cuộc đời  từ con số không

Làm lại cuộc đời từ “3 không”: không nghề nghiệp, không vốn, không đất canh tác…, nhưng chỉ sau 5 năm nỗ lực, nay Trần Thanh Cườm (trú tại tổ dân phố 5, thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana) đã gây dựng được một cơ ngơi kha khá.

 

Ao cá diện tích 10m2, nơi Trần Thanh Cường bắt đầu sự nghiệp.

Nhiều đoàn viên thanh niên ở Buôn Trấp tâm sự: “Khởi nghiệp bằng đôi bàn tay trắng đã khó, nhưng với Trần Thanh Cườm, việc này còn khó khăn gấp bội, vì không chỉ thiếu vốn mà Cườm còn phải đối mặt với cái nhìn lạnh nhạt, hoài nghi của không ít người”. Năm 2007, vừa tròn 26 tuổi, Cườm mãn hạn tù 2 năm trở về với đời thường và bắt tay vào làm lại cuộc đời. Do không có nghề nghiệp, lúc đầu Cườm xin làm phụ hồ; vừa làm, vừa mày mò học nghề xây dựng, thiết kế… Khi đã tích lũy được một số vốn kiến thức cơ bản, đọc được các bản vẽ, anh mạnh dạn nhận công trình và gọi bạn bè cùng làm. Vì không có vốn, Cườm chỉ dám nhận thầu ngày công, (chủ nhà chuẩn bị sẵn vật liệu, nhóm Cườm chỉ thi công). Nhóm thợ của Cườm làm việc tích cực, thật thà nên “tiếng lành đồn xa”, nhiều người ở tận tỉnh Dak Nông cũng tìm sang mỗi khi có nhu cầu xây nhà ở. Làm xây dựng cũng mang lại thu nhập kha khá, nhưng phần vì thiếu vốn, không chủ động được công việc; phần vì phải thường xuyên xa nhà, có lúc vài tháng không có người chăm sóc mẹ và vợ con, nên 2 năm sau Cườm quay về Buôn Trấp chuyển sang nuôi cá. Mọi việc lại quay về điểm xuất phát; những ngày sau đó, Cườm phải “lang thang” khắp nơi trong tỉnh để học cách nuôi, tìm hiểu về thị trường tiêu thụ, cơ sở bán cá giống chất lượng. Bắt đầu từ “ao” cá rộng chừng 10m2 xây nổi ngay trên sân nhà, đến nay, diện tích ao hồ của Cườm đã nâng lên khoảng 500m2; ngoài nuôi cá còn nuôi thêm ếch, thỏ, bồ câu Pháp… Theo Cườm, chỉ riêng nuôi cá, mỗi năm cũng đem lại cho anh khoản lợi nhuận vài chục triệu đồng. Một kg cá trê lai giống giá 120.000 đồng, sau 3-4 tháng nuôi có thể thu được khoảng 70kg cá thịt, với giá 25.000 đồng/kg như hiện nay, trừ hết chi phí cũng còn lãi được 1 triệu đồng. Mỗi lứa Cườm nuôi 20kg cá giống, tính ra số tiền lời cũng khoảng 20 triệu đồng/lứa. Thấy Cườm làm ăn uy tín, hiệu quả, một người bạn của anh đã góp vốn, đất; Đoàn thanh niên thị trấn Buôn Trấp cũng vừa đứng ra bảo lãnh cho anh vay 20 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội để mở rộng quy mô làm ăn.

Lê Ngọc – Đỗ Lan

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.