Multimedia Đọc Báo in

Làng cau ngày ấy… bây giờ

20:50, 03/04/2012

Nằm khuất sau những rặng cau xanh mướt, cách trung tâm xã Khuê Ngọc Điền (huyện Krông Bông) chừng 200m, thôn 4 được người ta biết đến với tên gọi rất đỗi thân thương, mộc mạc… Làng Cau.

Từ vàng son đến lụi tàn!


Mô hình trồng rau an toàn bên vườn cau của gia đình anh Nguyễn Văn Sinh.

Từ những năm 1950, một số người dân ở Hội An, tỉnh Quảng Nam đã đặt chân đến vùng đất Khuê Ngọc Điền lập nghiệp, mang theo nét văn hóa đặc trưng là cây cau. Cây cau trong vườn nhà từ quê hương đất Quảng được trồng tại đây, để một phần không quên nơi chôn rau cắt rốn, phần khác đáp ứng tục ăn trầu của các cụ cao niên. Năm tháng trôi qua đã hình thành nên làng cau thôn 4. Cây cau ngày càng được người dân trồng nhiều hơn và điều đặc biệt là chỉ có vùng đất này cau mới cho trái nhiều. Thương hiệu “làng cau” bắt đầu hình thành khi có nhiều người tìm đến mua cau mỗi dịp lễ, tết, cưới xin… Cho đến đầu những năm 2000, thương lái khắp nơi bỗng đổ xô về mua cau trái, theo đó giá cau tăng cao, đem lại nguồn thu nhập khá cho bà con nơi đây. Ông Trần Văn Sắc, Chủ tịch Hội Nông dân xã Khuê Ngọc Điền nhớ lại: ngày đó, có thời điểm giá cau trên 10.000 đồng/kg quả tươi. Mỗi năm cau ra 4 đợt quả, mỗi đợt mỗi cây ra từ 1- 3 buồng và cân nặng từ 15- 20 kg/buồng; như vậy một cây cau có thể cho giá trị trên 1 triệu đồng/năm. Giá cau tăng cao, người dân đổ xô trồng và tận dụng mọi diện tích đất trống trong vườn, có hộ trồng đến cả nghìn cây cau. Theo đó, giá cau giống cũng được đẩy lên (1- 2 nghìn đồng/quả), có người còn ra tỉnh ngoài tìm mua giống cau thân thấp, quả to về trồng (cau thường trồng sau 5 năm mới bắt đầu ra trái). Nhiều gia đình làm giàu từ cau, xây dựng nhà cửa khang trang, mua sắm đầy đủ vật dụng, tiện nghi trong nhà… Khi cau có giá, người ta đổ xô trồng mà quên chú ý đến các loài cây trồng, vật nuôi khác, để rồi phải gánh lấy hậu quả khi giá cau tụt xuống, thương lái về mua thưa dần rồi vắng hẳn, người dân không biết bán cho ai, để cau đến kỳ thu hoạch không người mua trái, rụng đầy vườn, trẻ con tha hồ nhặt làm bi bắn chơi. Thế là người ta lại hè nhau chặt bỏ, nhiều hộ mới trồng chưa cho thu hoạch cũng đành chặt hết để trồng cây khác... thời kỳ hoàng kim của cây cau cũng cáo chung (!)

Và bây giờ...

Làng cau xưa chỉ còn là ký ức, dáng dấp còn sót lại chỉ là những hàng cau được người dân để lại hai bên đường thôn che bóng mát. Sau những tháng năm ê chề vì cau rớt giá, làng cau bây giờ đang từng bước thay da đổi thịt. Năm 2010, Phòng NN-PTNT và Trạm BVTV huyện Krông Bông đã phối hợp với xã Khuê Ngọc Điền thực hiện Dự án trồng thí điểm 2 mô hình rau an toàn tại thôn 4, với 2 hộ dân Nguyễn Văn Trinh và Nguyễn Văn Sinh. Mỗi hộ được hỗ trợ 500 m2 nhà lưới, kỹ thuật chăm sóc rau an toàn; đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân sử dụng rau an toàn để bảo vệ sức khỏe; tạo cơ sở pháp lý như xác nhận rau an toàn, đặt mối tiêu thụ tại các sạp hàng bán rau trong chợ huyện nhằm giúp người trồng rau bán sản phẩm ổn định, người tiêu dùng yên tâm hơn. Đến nay, ngoài 2 mô hình trồng rau an toàn trên đã có khoảng 30 hộ dân trong thôn (chiếm khoảng 1/3 dân số thôn 4) thông qua chính quyền địa phương tự hình thành nên những vườn rau an toàn (trồng trong nhà lưới, không sử dụng thuốc kích thích, phân bón hóa học…), sản phẩm luôn được người tiêu dùng trong huyện đánh giá cao, đưa thôn 4 trở thành vùng rau sạch của huyện Krông Bông. Không chỉ trồng rau an toàn, bà con nơi đây còn biết kết hợp chăn nuôi gia súc, gia cầm và canh tác lúa, hoa màu hiệu quả, điển hình có những mô hình chăn nuôi lớn như trang trại nuôi heo của gia đình chị Lê Thị Hồng, Trần Văn Kiêm, mỗi năm thu nhập hàng trăm triệu đồng… Từ sự nỗ lực vượt khó để phát triển kinh tế của người dân, “Làng cau” ngày nay luôn được đánh giá là thôn điểm của xã Khuê Ngọc Điền, được nhiều bà con trong và ngoài xã tìm đến học hỏi kinh nghiệm chuyển đổi cây trồng.

Lê Thành


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.