Multimedia Đọc Báo in

Người đảng viên hết lòng vì dân

08:41, 30/04/2012

Ông Y Ó Byă (tên thường gọi là Ama Khoát), Bí thư Đảng ủy xã Cư Đrăm (Krông Bông) thường được biết đến là một người mộc mạc, giản dị, gần gũi, luôn tâm huyết, chăm lo cho đời sống của người dân.

Ama Khoát luôn hết lòng vì công việc.
Ama Khoát luôn hết lòng vì công việc.

Trưởng thành từ một Bí thư Đoàn xã năm 1980, Ama Khoát đã từng trải qua nhiều cương vị công tác như Trưởng Công an xã, Phó Chủ tịch, Chủ tịch UBND, Chủ tịch HĐND. Khi ông làm phó chủ tịch UBND xã Cư Đrăm với dân số hơn 3 nghìn người, trong đó trên 97% là người dân tộc tại chỗ, tháng 6-1986, hơn 100 hộ dân tỉnh Hà Nam Ninh (cũ) vào xây dựng vùng kinh tế mới. Cuộc sống của người dân hết sức khó khăn. Ông được giao nhiệm vụ chăm lo đời sống, ổn định nơi ăn, chốn ở cho bà con vùng kinh tế mới. Với sự năng nổ, nhiệt tình và tình cảm đặc biệt ông dành cho những người vào xây dựng quê hương mới, sau một thời gian, cuộc sống của người dân đã tương đối ổn định. Đến năm 1996, khi ông là Chủ tịch UBND xã, hơn 400 hộ đồng bào Mông từ các tỉnh miền núi phía Bắc ồ ạt di cư tự do vào địa bàn. Khó khăn chồng chất khó khăn. Ama Khoát trăn trở tìm giải pháp nhằm hạn chế tình trạng di cư tự do vừa tìm cách giúp người dân thoát được đói, giảm được nghèo, giúp những người mới di cư đến có được cuộc sống ổn định. Ông thường xuyên đến thăm, động viên, chia sẻ với mọi người, quan tâm việc quy hoạch đất để bà con làm nhà ở, đất sản xuất, xây dựng trường học... Ông Hoàng Văn Pao, Trưởng thôn Yang Hăn nhớ lại: "Nhiều hôm nước suối lớn không đi xe được, Chủ tịch xã Ama Khoát vẫn lội bộ hàng chục km để đến từng gia đình thăm hỏi, động viên bà con, tham khảo ý kiến của người dân để tìm những người bầu vào ban tự quản. Lời nói của ông nhẹ nhàng, dễ nghe, sẵn sàng trả lời, giải thích những thắc mắc của bà con một cách thấu tình, đạt lý. Ông cùng ăn, cùng ở, cùng chia sẻ với bà con dân tộc Mông. Vì vậy ai cũng yêu mến ông".  

Từ năm 2004 đến nay, Ama Khoát được bầu làm Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch HĐND xã Cư Đrăm. Dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy xã, tình hình an ninh trật tự trên địa bàn xã luôn ổn định, kinh tế từng bước phát triển. Tỷ lệ hộ nghèo từ trên 60% năm 2004 giảm xuống dưới 40 % năm 2011... Ở cương vị Bí thư Đảng ủy, Ama Khoát quan tâm đến việc ổn định đội ngũ cán bộ chủ chốt, tìm những người có năng lực cử đi học các lớp lý luận chính trị, động viên, tạo điều kiện để anh em đi học các lớp tại chức, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; đặc biệt công tác phát triển Đảng rất được chú trọng. Trong 6 năm, từ 2006- 2011, Đảng ủy xã Cư Đrăm đã kết nạp được 81 đảng viên  (trong có có 4 đảng viên người Mông). Đội ngũ giáo viên, cán bộ y tế công tác trên địa bàn cũng được ông hết sức quan tâm. Ama Khoát thường xuyên đến các trường học, trạm y tế để thăm hỏi, động viên đội ngũ y bác sĩ, giáo viên; huy động nhân dân đóng góp làm được 12 phòng ở nội trú bằng gỗ đáp ứng đủ nhu cầu nhà ở cho giáo viên. Từ năm 1992 đến nay, xã Cư Đrăm đã cấp đất ở và đất vườn cho hơn 30 cán bộ giáo viên và cán bộ y tế công tác lâu dài tại địa phương.

Ngoài công việc xã hội, Ama Khoát còn dành thời gian cùng vợ con chăm lo lao động sản xuất, xóa đói giảm nghèo. Với gần 5 ha đất trồng cà phê, lúa, sắn… và đàn trâu bò hàng chục con, mỗi năm gia đình ông thu về hàng trăm triệu đồng. Ama Khoát tâm sự: "Người đảng viên muốn để dân tin, dân yêu thì không những là người lãnh đạo giỏi, gần gũi với dân mà còn phải biết làm kinh tế giỏi, biết vận động anh em, bà con học hỏi kinh nghiệm, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp...". 

Với những thành tích trong công tác, Ama Khoát đã được tặng nhiều huy chương, bằng khen, giấy khen các loại. Ở cương vị nào, người đảng viên này cũng năng nổ, nhiệt huyết, hết lòng vì dân.

Tùng Lâm


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.