Multimedia Đọc Báo in

Những con đường nông thôn hình thành từ sức dân

14:54, 29/04/2012

Đi khắp các thôn, buôn xã Ea Ktur, huyện Cư Kuin ngày nay, dễ cảm nhận được diện mạo nông thôn mới ở đây đã có nhiều khởi sắc với những ngôi nhà mới khang trang, những con đường nhựa thẳng tắp, sạch đẹp. Một động lực hết sức quan trọng tạo nên điều này chính là sức dân.

Nhiều tuyến đường vào thôn 1 được tráng nhựa từ đóng góp của nhân dân.
Nhiều tuyến đường vào thôn 1 được tráng nhựa từ đóng góp của nhân dân.

Xã Ea Ktur có 24 thôn, buôn, trước đây hệ thống giao thông nông thôn trong xã chưa được đầu tư, đã ảnh hưởng không nhỏ đến giao thông đi lại và đời sống người dân. Những năm gần đây, Đảng ủy và chính quyền địa phương đã chú trọng đến công tác xây dựng giao thông nông thôn thông qua các đợt tuyên truyền, vận động người dân cùng tham gia, tạo thành phong trào có sức lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã.

Về thôn 8 trong những ngày này, đâu đâu cũng nghe người ta nói chuyện mở đường, bàn giao mặt bằng để chuẩn bị đổ nhựa ba tuyến đường chính của thôn dài hơn 1,8 km thay cho những con đường đất lâu nay, với tổng kinh phí 453 triệu đồng, trong đó, Nhà nước hỗ trợ 85%, còn lại do người dân đóng góp. Ngoài ra, để mở rộng đường từ 5 mét lên 7,5 mét, hàng chục hộ đã tự nguyện hiến đất, phá tường rào, chặt cây trồng trong vườn nhà mà không yêu cầu đền bù. Hộ bị ảnh hưởng nặng nhất là bà Nguyễn Thị Hường, bị lấn vào rẫy sâu 2 mét, dài hơn 100 mét, phải chặt bỏ gần 40 cây cà phê đang thời kỳ kinh doanh. Bà Hường chia sẻ: “quan trọng là có được con đường kiên cố, mọi người không phải đi lại khổ sở trên đường đất lầy lội vào mùa mưa, dù mình có chịu thiệt một tý cũng vui lòng”. Trưởng thôn Nguyễn Vinh Quang phấn khởi: “Bà con trong thôn đang háo hức chờ đường sớm hoàn thành, đáp ứng niềm mong mỏi bao lâu nay. Mừng nhất là ai cũng đồng lòng, chung sức, bởi nếu dân không “thông” thì không thể làm được”.

  Nhiều  hộ dân thôn 8  tự nguyện chặt bỏ cà phê để  làm đường.
Nhiều hộ dân thôn 8 tự nguyện chặt bỏ cà phê để làm đường.

Trong khi đó, thôn 1 là đơn vị đi đầu trong phong trào làm đường giao thông ở địa phương với nhiều hình thức, Ban tự quản thôn đã họp dân bàn bạc thống nhất và vận động mọi người đóng góp tiền, ngày công, tháo dỡ hàng rào. Theo đó, mỗi hộ đóng góp bình quân 6-7 triệu đồng, nếu hộ nào chưa có tiền ngay thì chờ đến mùa thu hoạch cà phê mới đóng đủ, hộ nghèo và gia đình chính sách được miễn. Không chỉ đồng thuận, tự nguyện đóng góp mà nhiều hộ dân còn tự động tháo dỡ hàng rào, chặt bỏ cây trồng để có con đường rộng và thẳng hơn. Nhờ đó, từ năm 2007 đến nay, người dân thôn 1 đã làm được gần 3 km đường với số vốn hơn 1,5 tỷ đồng, theo tiêu chuẩn đường nhựa, nền đường rộng 7 mét, mặt đường 4 mét, đổ nhựa dày 5 cm cùng hệ thống mương thoát nước và hơn 100 đèn chiếu sáng khắp các trục đường chính của thôn; tỷ lệ đường đã nhựa hóa trong thôn đạt 80%. Đi trên con đường nhựa thẳng tắp từ đầu đến cuối thôn, ông Nguyễn Cư Ngụ, Trưởng thôn 1 chia sẻ, nhờ sự đồng thuận của người dân, phần lớn các tuyến đường được đổ nhựa kiên cố, sạch đẹp, người dân đi lại, vận chuyển nông sản thuận lợi hơn nhiều so với trước.

Chính nhờ sức dân mà Ea Ktur đã nhựa và bê tông hóa được hơn 10 km đường nội thôn, buôn. Nổi bật trong phong trào người dân làm giao thông nông thôn là các thôn 1, 4, 6, 7, 9. Ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch UBND xã cho biết, xác định giao thông là một tiêu chí quan trọng trong xây dựng nông thôn mới, nên Đảng ủy và chính quyền địa phương đã tích cực vận động người dân cùng chung sức tham gia một cách dân chủ, công khai theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và sử dụng”. Nhờ vậy hệ thống giao thông nông thôn trên địa bàn xã ngày càng được cải thiện, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và phục vụ đời sống người dân.

Minh Thông


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.