Multimedia Đọc Báo in

Vùng đất anh hùng trên mặt trận kinh tế

21:33, 27/04/2012

Ea H’leo là địa danh đã đi vào lịch sử đấu tranh cách mạng của tỉnh với chiến thắng Cẩm Ga – Thuần Mẫn ngày 8-3-1975, mở màn cho chiến thắng Buôn Ma Thuột, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Một góc thị trấn Ea Drăng, huyện Ea H’leo.
Một góc thị trấn Ea Drăng, huyện Ea H’leo.

Sau 37 năm giải phóng, được sự đầu tư của Nhà nước cùng tinh thần đoàn kết chung tay khắc phục hậu quả chiến tranh của nhân dân các dân tộc trong huyện, Ea H’leo đã khoác lên mình chiếc áo mới với cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng khang trang, cơ cấu kinh tế từng bước chuyển đổi phù hợp, an sinh xã hội được chú trọng. Là huyện cửa ngõ phía Bắc của tỉnh, dọc theo Quốc lộ 14 - tuyến đường huyết mạch nối Tây Nguyên với miền Trung và các vùng lân cận, Ea H’leo có vị trí đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội cũng như an ninh - quốc phòng. Trong kháng chiến Ea H’leo là một trong những địa bàn có phong trào cách mạng phát triển sớm của tỉnh, với nhiều căn cứ địa vững chắc như Cư Drê, Cư Jú, Cư Kung, Dliê Yang và hàng chục buôn làng đã tham gia đóng góp sức người, sức của cho cách mạng. Mặc dù phải chịu đựng nhiều gian khổ, hy sinh, nhưng đồng bào căn cứ vẫn kiên cường bám trụ, đóng góp hàng vạn ngày công, hàng nghìn tấn lương thực, thực phẩm phục vụ kháng chiến; tham gia lực lượng du kích, bộ đội địa phương, cùng với bộ đội chủ lực chiến đấu bảo vệ an toàn vùng căn cứ. Năm 2010 Đảng bộ, quân và dân huyện Ea H’leo vinh dự đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước do Chủ tịch nước trao tặng. Đây là niềm tự hào, đồng thời là động lực để Ea H’leo tiến bước trên con đường phát triển, vươn lên thành huyện dẫn đầu trong phát triển kinh tế của tỉnh.

 Đoàn cán bộ Hội Nông dân tỉnh thăm lô cao su của gia đình bà Lê  Thị  Yến  (tổ dân phố 1,  thị trấn  Ea Drăng).  
Đoàn cán bộ Hội Nông dân tỉnh thăm lô cao su của gia đình bà Lê Thị Yến (tổ dân phố 1, thị trấn Ea Drăng).

Xác định lĩnh vực nông lâm nghiệp là thế mạnh, ngay từ những năm sau giải phóng, huyện đã đẩy mạnh công tác định canh định cư, phát triển thủy lợi, khai hoang phục hóa nhằm chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tập trung đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, hình thành các vùng chuyên canh cây trồng có giá trị kinh tế cao. Trong đó, việc nhanh chóng thay thế cây lúa nương một vụ bằng các cây hàng hóa như hồ tiêu, cà phê, cao su đã làm thay đổi bộ mặt nông thôn. Đến nay toàn huyện có gần 600 hộ tham gia trồng mới 1.618 ha cao su tiểu điền, trong đó có 322 ha đã đưa vào khai thác, tập trung nhiều nhất ở các xã Ea Wy, Ea Khal, Ea Nam, Dliê Yang... Từ trồng cao su tiểu điền, nhiều hộ đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Tiêu biểu như hộ bà Lê Thị Yến (tổ dân phố 1, thị trấn Ea Drăng). Năm 1999, khi được Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện cho vay 4 triệu đồng để phát triển kinh tế, bà quyết định chuyển đổi 10 ha diện tích đất canh tác kém hiệu quả của gia đình sang trồng cao su tiểu điền. Những năm đầu do thiếu vốn và kinh nghiệm, nên hằng ngày vợ chồng bà Yến vừa tự làm hết mọi việc như xới cỏ, san đất, đào hố bón phân, vừa mày mò tìm hiểu kỹ thuật chăm sóc cây cao su từ nhiều nguồn. Đến năm 2005, vườn cao su cho khai thác lứa mủ đầu tiên, trừ chi phí còn lãi trên 200 triệu đồng, bà trả hết nợ và mua thêm 20 ha cao su của những hộ không đủ điều kiện chăm sóc. Đến nay, mỗi năm sau khi trừ chi phí gia đình bà cũng thu lãi từ 1,5- 2 tỷ đồng, tạo việc làm ổn định cho 10 công nhân với mức lương 4 triệu đồng/tháng/người; giúp đỡ về vốn, kinh nghiệm làm ăn cho nhiều bà con trong vùng có hoàn cảnh khó khăn phát triển kinh tế như hộ anh Nguyễn Văn Vị, Trần Nhân Tâm ở thị trấn Ea Drăng. Ở những vùng không thích hợp với cây cao su, người dân đã mạnh dạn phát triển kinh tế đa cây, đa con, tiêu biểu như ông Võ Chinh thôn 6 (xã Ea Hiao), với 4 ha cà phê và 3,5 ha hồ tiêu đang cho thu hoạch năm thứ 4, mở thêm dịch vụ kinh doanh phân bón, bình quân mỗi năm gia đình có thu nhập ổn định từ 400 - 450 triệu đồng. Hay ông Nguyễn Văn Hà, thôn 6 (xã Ea Ral) vừa nuôi heo nái sinh sản kết hợp với nuôi heo thịt, hằng năm xuất chuồng từ 10 - 12 tấn heo hơi, bán heo giống cho bà con nông dân ở địa phương cho thu nhập 350 triệu đồng. Với cách làm ăn năng động, sáng tạo, số hộ thoát nghèo vươn lên làm giàu ngày càng tăng. Năm 2011, toàn huyện có 6.973 hộ nông dân đạt danh hiệu sản xuất - kinh doanh giỏi; trong đó 199 hộ cấp tỉnh, 4 hộ cấp trung ương.

Nhằm thúc đẩy kinh tế huyện đặc biệt chú trọng phát triển cao su tiểu điền, khuyến khích, tạo điều kiện cho người dân vay vốn với lãi suất thấp để đầu tư phát triển; vận động đồng bào chuyển diện tích cà phê, điều không chủ động được nguồn nước, năng suất kém, cũng như các vùng đất gieo trồng các loại cây ngắn ngày hiệu quả không cao sang trồng cây cao su; phối hợp với các công ty cao su trên địa bàn tổ chức tập huấn kỹ thuật thâm canh, chăm sóc, kỹ thuật cạo mủ, sử dụng giải pháp kích thích mủ, phòng trừ bệnh nấm… Nhiều hộ dân ở các xã vùng sâu, vùng xa nhờ phát triển cao su tiểu điền nay đã trở thành tỷ phú như hộ bà Lê Thị Nụ (xã Ea Sol), ông Nguyễn Thành Trung (xã Cư Amung), ông Lê Quí Oánh (xã Ea Khal)…

Ông Võ Văn Tập, Chủ tịch UBND huyện cho biết: “Nếu như giai đoạn 1994-2000, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện chiếm gần 30 % thì đến năm 2011 con số này chỉ còn 17% (theo tiêu chí mới), thu nhập bình quân đạt 19,5 triệu đồng/người/năm. Cơ cấu kinh tế của huyện chuyển dịch theo hướng tích cực, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 13,66%. Từ chỗ là một huyện nghèo Ea H’leo đã vươn lên trở thành địa phương đi đầu trong phát triển kinh tế của tỉnh, nộp ngân sách Nhà nước chỉ đứng sau thành phố Buôn Ma Thuột”.

Tuấn Anh


Ý kiến bạn đọc