Xã Ea Kiết (Cư M’gar):Tình trạng dân di cư tự do phá rừng lấy đất sản xuất vẫn diễn biến phức tạp
Tại xã Ea Kiết (Cư M’gar), trong nhiều năm qua, tình trạng dân di cư tự do phá rừng lấy đất sản xuất diễn biến phức tạp mà vẫn chưa có biện pháp ngăn chặn triệt để.
Nếu vào năm 1998, tại Lâm trường Buôn Gia Wầm (xã Ea Kiết) quản lý mới có 10 ha rừng tại tiểu khu 440, 547 và 557 thuộc khu vực rừng đầu nguồn bị đồng bào Mông di cư tự do vào chặt phá để lấy đất làm nương rẫy thì đến nay, diện tích rừng bị phá của đơn vị này đã lên tới hơn 500 ha. Khi mùa mưa năm 2012 bắt đầu, rừng nơi này lại tiếp tục bị chặt phá và được nhiều hộ người Mông rao bán với giá hàng chục triệu đồng một héc-ta. Gia đình chị Sùng Thị Sính di cư tự do vào khu vực này từ năm 1999, hiện nay đã có hơn 5 sào cà phê, 1 ha sắn và hơn 5 ha điều. Số diện tích sản xuất này có được là do gia đình chị Sính … phá rừng một cách từ từ: mỗi năm 1 ha, phá rừng đến đâu thì trồng cây lương thực đến đó. Cũng như gia đình chị Sính, hơn 100 hộ người Mông nơi này đều có khá nhiều diện tích đất sản xuất và tất cả đều do phá rừng mà có. Gia đình ông Mai Xeo Chảo ở buôn Mông, xã Ea Kiết hiện đang sở hữu hơn 10 ha đất, trong đó đã trồng hơn 8 sào cà phê, 100 trụ tiêu và hơn 8 ha điều. Ông Chảo cho biết: “Để phá rừng, phải dùng cưa máy để hạ những cây lớn trước rồi đốt. Nếu ai mua đất sẽ sang nhượng lại với giá cả được tính bằng tiền công… phá rừng”.
Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch UBND xã Ea Kiết, tình trạng chặt phá rừng lấy đất sản xuất tại các tiểu khu thuộc khu vực rừng đầu nguồn do Lâm trường Buôn Gia Wầm quản lý đã diễn ra từ nhiều năm nay, nhưng chủ rừng vẫn không ngăn chặn được. Người Mông di cư tự do thường phá rừng ở những khu rừng sâu, rừng đầu nguồn nên rất khó kiểm soát. Đến nay thì diện rừng bị phá đã lến đến hơn 500 ha nhưng việc phát hiện các vụ phá rừng lấy đất sản xuất chỉ rất nhỏ lẻ, không đáng kể. Đơn cử như mới đây Lâm trường Buôn Gia Wầm đã lập biên bản chuyển cơ quan chức năng giải quyết vụ việc ông Y Guốt Byă ở xã Cuôr Đăng (Cư M’gar) do đã đốt hơn 0,7 ha rừng tại tiểu khu 540 thuộc lâm truờng quản lý, trong đó phá mới 0,4 ha, thiệt hại rừng 100%. Song những vụ đốt rừng lớn có quy mô lớn do người Mông di cư tự do phá tại địa bàn lâm trường quản lý thì đa số là không kiểm soát được… Cũng theo UBND xã Ea Kiết, từ đầu năm 2012 đến nay, UBND xã đã phối hợp với các ngành chức năng và chủ rừng tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng, ngăn chặn việc phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái phép. Trong đó, đã tổ chức được 4 đợt tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng tại thôn 2, buôn Ja Wầm B, buôn Mông thu hút 240 hộ tham gia và ký 120 bản cam kết không vi phạm tài nguyên rừng. Tuy nhiên, tình trạng chặt phá rừng của đồng bào Mông di cư tự do ở xã Ea Kiết (Cư M’gar) vẫn tiếp diễn phức tạp đòi hỏi bên cạnh công tác tuyên truyền, cần có biện pháp xử lý kịp thời và nghiêm khắc những đối tượng thường xuyên xâm hại tài nguyên rừng, vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng.
Xuân Hòa
Ý kiến bạn đọc