Multimedia Đọc Báo in

Thay đổi tập tục tảo hôn, kết hôn cận huyết thống ở huyện Krông Pak: Vẫn là vấn đề nhận thức

07:35, 29/05/2012

Tảo hôn, kết hôn cận huyết thống là những tập tục lạc hậu tồn tại lâu đời trong đời sống của nhiều dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa trên địa bàn huyện Krông Pak. Đây là một trong những nguyên nhân chính làm suy thoái chất lượng nòi giống và là rào cản trong việc triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng dân số cũng như phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Tăng cường công tác truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của người dân được xem là giải pháp căn bản nhất để thay đổi những tập tục trên.

Những quan niệm lạc hậu

Có dịp đến các xã vùng sâu, vùng xa ở huyện Krông Pak tìm hiểu về vấn đề dân số sẽ thấy quan niệm “nữ thập tam, nam thập lục” vẫn tồn tại trong suy nghĩ của một số bậc cha mẹ. Sự kém hiểu biết về pháp luật cùng với nhu cầu cần thêm người làm nương rẫy, sớm có cháu nối dõi… đã khiến tình trạng tảo hôn còn khá phổ biến. Điều đáng nói, những thanh thiếu niên kết hôn, trở thành cha mẹ khi tâm sinh lý, cơ thể chưa phát triển toàn diện đã gây nên nhiều hệ lụy khôn lường. Năm 2008, khi mới 13 tuổi và đang học lớp 7, H’Lịch BKrông ở buôn Pok, xã Ea Kênh bỗng xin gia đình nghỉ học để lấy chồng vì đã lỡ yêu và có thai... Tuy biết chúng chưa đủ tuổi kết hôn nhưng theo như lời bà H’Ngon Bkrông, mẹ của H’Lịch thì “lỡ” rồi, biết làm sao được. Bà H’Ngon còn cho rằng đây cũng là việc bình thường vì ngày xưa mình cũng lấy chồng khi mới 14 tuổi. Thế là một đám cưới đông vui được tổ chức trước sự chứng kiến của bà con, dòng họ. Điều đáng nói là đứa con trai đầu lòng của cặp vợ chồng trẻ khi sinh ra chỉ nặng 1,6 kg và sau một tháng chỉ tăng thêm 0,5 kg nữa nên rất yếu ớt, thường xuyên đau ốm. Hai vợ chồng đều học hành dở dang, con còn nhỏ, mọi sinh hoạt, chi tiêu trông chờ vào mấy đồng làm thuê của chồng nên cuộc sống thiếu trước hụt sau.

Cán bộ dân số xã Ea Uy (huyện Krông Pak) trò chuyện với chị H’Nhem ở buôn Dak Rơ Leang 1.
Cán bộ dân số xã Ea Uy (huyện Krông Pak) trò chuyện với chị H’Nhem ở buôn Dak Rơ Leang 1.

Không chỉ dựng vợ, gả chồng cho con trước tuổi quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình, nhiều bậc cha mẹ ở một số thôn, buôn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn giữ quan niệm “họ hàng lấy nhau càng gần gũi và không phải chia sẻ tài sản với người ngoài”. Vì vậy, dù hai người là con cô, con cậu hay con chú, con bác đều lấy được. Năm 2008, chị em họ H’Mai Niê và Y Tuyn Ayun ở buôn Ea Đun (xã Ea Kênh) xin phép gia đình được tổ chức đám cưới. Ông Y Kơn, bố của H’Mai cho biết: “Những cuộc hôn nhân con cô, con cậu đã thành tục lệ lâu đời của người Êđê, bởi họ hàng cùng dòng máu có lấy nhau thì mới thương nhau, mới giữ được của nả trong nhà, vợ chồng cũng không bỏ nhau…”. Chính vì quan niệm như vậy nên khi hai đứa xin lấy nhau vợ chồng ông và dòng họ không can ngăn gì! Cũng có trường hợp mặc dù gia đình hai bên không đồng ý nhưng vì lỡ yêu nhau rồi nên hai người vẫn quyết tâm chung sống. Chẳng hạn như chuyện của chị H’Nhem ở buôn Dak Rơ Leang 1 (xã Ea Uy). Khi biết H’Nhem yêu con của em trai mình, bà H’Long và mọi người trong nhà đã phản đối. Năn nỉ, thuyết phục gia đình mãi không được, “vợ chồng” H’Nhem bảo nhau ra cánh đồng cách xa buôn dựng một căn nhà tạm cùng chung sống. Đến khi đứa con gái đầu lòng được 2 tuổi, bố mẹ 2 bên đành chấp nhận tổ chức hôn lễ vì không muốn mất dòng dõi của mình.

Tăng cường truyền thông thay đổi nhận thức

Theo Trung tâm Dân số - KHHGĐ huyện Krông Pak thì không phải người dân không biết Luật Hôn nhân và Gia đình vì hằng năm, Trung tâm thường xuyên phối hợp với các ngành liên quan tổ chức nhiều đợt tuyên truyền cho người dân, tuy nhiên “phép vua thua lệ làng”. Trước thực trạng trên, tháng 9-2009 Chi cục Dân số-KHHGĐ tỉnh đã triển khai mô hình can thiệp làm giảm tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết thống xã Ea Phê, Ea Kênh. Đến nay, mô hình đã được nhân rộng thêm ở 2 xã Ea Uy và Ea Hiu. Chị Vũ Thị Lụa, chuyên trách dân số xã Ea Uy cho biết: “Toàn xã có 10 thôn, buôn thì đa số đều có trường hợp tảo hôn hoặc kết hôn cận huyết thống, nhưng phổ biến hơn cả là ở 5 buôn đồng bào dân tộc thiểu số Êđê và Xê Đăng. Mặc dù biết hậu quả của tảo hôn và kết hôn cận huyết thống nhưng vì đó là những phong tục của người đồng bào nên trước đây chúng tôi cũng chỉ tuyên truyền vậy thôi, họ nghe theo thì tốt, không cũng đành chịu. Từ khi mô hình được triển khai có sự vào cuộc của chính quyền, đoàn thể, ngành chức năng và ban tự quản các thôn, buôn thì vấn đề trên mới được quan tâm thực sự. Nhờ vậy, trong năm 2011 toàn xã chỉ có 2 trường hợp tảo hôn và kết hôn cận huyết thống”.

Theo ông Bùi Phụng, Giám đốc Trung tâm Dân số - KHHGĐ huyện Krông Pak, để triển khai hiệu quả mô hình can thiệp giảm tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết thống thì điều quan trọng nhất là đẩy mạnh công tác truyền thông nhằm thay đổi nhận thức, hành vi của đối tượng. Do đó, thời gian qua Trung tâm đã phối hợp với các ngành liên quan xây dựng chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền nội dung của mô hình, phát tờ rơi, tổ chức nói chuyện chuyên đề với sự tham gia của già làng, trưởng buôn, chính quyền, đoàn thể địa phương và người dân, xây dựng các điểm truyền thông tại trạm y tế xã, thành lập 21 nhóm sinh hoạt cộng đồng… Cùng với công tác tuyên truyền, giáo dục, mô hình còn cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh…

Có thể thấy, khi mô hình triển khai đã huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị tại địa bàn cùng vào cuộc nhằm tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức, hành động của các đối tượng. So với trước khi triển khai mô hình, tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết thống trên địa bàn huyện tuy có giảm nhưng vẫn còn nhiều. Chỉ riêng trong năm 2011, toàn huyện có 11 trường hợp tảo hôn, 2 trường hợp kết hôn cận huyết thống. Dẫu biết rằng, tảo hôn và kết hôn cận huyết thống là tập tục có từ lâu đời của một số đồng bào dân tộc thiểu số và không thể thay đổi trong một sớm một chiều. Nhưng hy vọng với sự quan tâm, vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành đẩy mạnh tuyên truyền, vận động cùng với sự phát triển của đời sống, xã hội thì đồng bào sẽ xóa bỏ được những tập tục lạc hậu trên.

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc