Multimedia Đọc Báo in

Thấy gì qua công bố chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2011 của VCCI ?

07:58, 22/05/2012

Theo tổng hợp của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) của tỉnh Dak Lak năm 2011 chỉ được 53,46 điểm, giảm 20 bậc so với năm 2010 và hiện đứng thứ 58/63 tỉnh thành trên cả nước. Đây là vị trí thấp nhất từ trước đến nay của tỉnh với điểm số của các chỉ số thành phần đều sụt giảm “không phanh”…

Nhiều chỉ số “rớt hạng”

Theo Sở Kế hoạch – Đầu tư cho biết, trong 9 chỉ số thành phần của tỉnh (căn cứ để VCCI đánh giá, xếp hạng năng lực cạnh tranh), chỉ có chỉ số thành phần về Chi phí thời gian để thực hiện các quy định của Nhà nước là lạc quan nhất của tỉnh, đứng thứ 16 trên toàn quốc. Còn lại 8 chỉ số thành phần khác đều ở nửa bên dưới bảng xếp hạng, mà phần lớn là ở vị trí rất thấp so với cả nước.

Đẩy mạnh cải cách hành chính một trong những giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.             Ảnh: N.S
Đẩy mạnh cải cách hành chính, một trong những giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Ảnh: N.S

Cụ thể, đối với chỉ số thành phần Chi phí gia nhập thị trường, tuy có cải thiện về thứ hạng nhưng vẫn ở vị trí rất thấp trong bảng xếp hạng chung của cả nước với vị trí 59/63 (năm 2010 đứng ở vị trí 62). Chỉ số thành phần Tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất đứng ở vị trí thứ 52 trên toàn quốc (năm 2010 đứng thứ 37). Chỉ số thành phần Thiết chế pháp lý cũng là một chỉ tiêu kém của tỉnh, đứng thứ 54/63. Đối với chỉ số thành phần Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp thì giảm từ vị trí thứ 23 năm 2010 xuống vị trí 37 trong năm 2011. Tương tự, chỉ số thành phần Chất lượng đào tạo lao động xếp ở vị trí 59, trong khi năm 2010 chỉ số này đạt cao nhất tỉnh và đứng thứ 11 toàn quốc. Chỉ số thành phần Tính minh bạch và tiếp cận thông tin cũng không khá hơn mấy khi đứng thứ 35 trên bảng tổng hợp.

Đáng quan tâm hơn cả là chỉ số thành phần Chi phí không chính thức đứng ở vị trí 54/63, giảm đáng kể so với vị trí thứ 30 trong năm 2010. Qua phân tích cho thấy, tất cả các chỉ tiêu trong chỉ số thành phần này đều giảm mạnh cả về điểm số và vị trí. Đáng kể nhất là chỉ tiêu % doanh nghiệp cho rằng các doanh nghiệp cùng ngành phải trả chi phí không chính thức (giảm từ vị trí 26 xuống vị trí 58) và % doanh nghiệp phải chi hơn 10% doanh thu cho các loại chi phí không chính thức (giảm xuống vị trí thứ 62/63). Theo ông Nguyễn Viết Tượng, Giám đốc Sở Kế hoạch – Đầu tư thì tình trạng này cho thấy phản ánh của doanh nghiệp về việc cán bộ công chức đòi hỏi, vòi vĩnh nhằm trục lợi cá nhân tăng lên so với năm 2010. Đây thực sự là một hồi chuông báo động đối với lực lượng cán bộ công chức của tỉnh, cần phải được chỉnh đốn mạnh mẽ.

Cũng liên quan đến vai trò, trách nhiệm của cán bộ, chỉ số thành phần Tính năng động và tiên phong của lãnh đạo tỉnh trong năm 2011 được VCCI đánh giá là một trong những chỉ số thành phần thấp nhất, xếp thứ 59/63 tỉnh thành, giảm 17 bậc so với năm 2010. Trong chỉ số thành phần này có 3 tiêu chí, gồm: Cán bộ tỉnh nắm vững các chính sách, quy định hiện hành trong khung khổ pháp luật để giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp; Tỉnh sáng tạo và sáng suốt trong việc giải quyết những trở ngại đối với cộng đồng doanh nghiệp tư nhân; Cảm nhận của doanh nghiệp về thái độ của chính quyền tỉnh đối với khu vực tư nhân. Tất cả 3 chỉ tiêu này đều giảm về điểm số và vị trí so với năm 2010 lần lượt nằm ở các thứ hạng 57,55 và 60.

Giải pháp nào cải thiện PCI?

Thực ra, không đợi đến khi chỉ số PCI của tỉnh “chạm đáy” thì tỉnh mới bàn cách cải thiện, mà ngay từ đầu năm 2011, UBND tỉnh đã ra quyết định thành lập Tổ công tác PCI với cơ cấu tổ chức gồm 1 tổ trưởng (do một phó giám đốc Sở Kế hoạch – Đầu tư đảm nhiệm), 2 tổ phó và các thành viên từ các sở, ban, ngành liên quan, Sở Kế hoạch - Đầu tư là cơ quan thường trực của tổ. Tuy nhiên, theo nhìn nhận của ông Nguyễn Viết Tượng, Giám đốc sở thì cơ quan thường trực vẫn chưa tham mưu kịp thời cho UBND tỉnh về việc triển khai các nhiệm vụ nâng cao chỉ số thành phần PCI. Về vấn đề này, Sở cũng đã nhận khuyết điểm trước UBND tỉnh. Tuy nhiên, theo ông Tượng thì hoạt động của tổ công tác PCI đang còn vướng một số khó khăn cần sớm được khắc phục. Cụ thể, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, tổ trưởng PCI cũng chỉ là một lãnh đạo cấp sở nên không thể trực tiếp chỉ đạo các sở, ngành. Trong khi đó, các thành viên trong tổ hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm nên việc tập trung cho công việc này còn thấp. Một số sở, ngành và UBND cấp huyện còn xem nhẹ việc nâng cao chỉ số PCI nên các nội dung chỉ đạo của UBND tỉnh chưa được tích cực thực hiện…

Mới đây, ngày 9-5-2012, UBND tỉnh đã tổ chức cuộc họp với thành phần là các thành viên UBND tỉnh, giám đốc các sở, ban, ngành, lãnh đạo các địa phương để nghe báo cáo đánh giá, phân tích chỉ số PCI của tỉnh năm 2011, đồng thời bàn giải pháp để cải thiện tình hình trong năm 2012.

Tại cuộc họp này, ý kiến của một số đơn vị liên quan tỏ ra “không phục” với kết quả khảo sát, đánh giá của VCCI. Ông Nguyễn Đức Dục, Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường tỏ ý băn khoăn “không hiểu sao chỉ số thành phần Tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất lại thấp thế? Trong khi tại Sở không hề thêm thủ tục nào mà chỉ có bớt đi…”. Ông Dục cũng cam đoan là không thể có trường hợp cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất kéo dài đến 45 ngày như khảo sát của VCCI công bố. Cùng quan điểm này, ông Phan Hồng, Giám đốc Sở Giáo dục – Đào tạo cần phải xem lại phương thức khảo sát, bởi chất lượng đào tạo của Dak Lak ngày càng được nâng cao chứ không thể tuột dốc như kết quả khảo sát của VCCI được…

Trong khi đó, quan điểm của ông Y Dhăm Ênuôl, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh thì ngược lại. Ông Y Dhăm cho rằng kết quả khảo sát và công bố của VCCI là rất bổ ích, là cơ sở cho các cơ quan, đơn vị, cá nhân nhìn nhận lại bản thân mình. “Theo tôi, chỉ số PCI mà VCCI công bố là những đánh giá rất khách quan, rất đúng. Chúng ta cần phải nhìn nhận nghiêm túc để rút kinh nghiệm. Nếu chúng ta dám nhìn thẳng vào sự thật để khắc phục những yếu kém, phát huy những điểm mạnh, hết lòng phục vụ nhân dân, tận tình với doanh nghiệp, trong đó phải đặt tính tiên phong của người lãnh đạo lên hàng đầu, thì đương nhiên tình hình sẽ thay đổi. Và tôi tin rằng chỉ số PCI của chúng ta sẽ được cải thiện trong thời gian đến ” – ông Y Dhăm nhấn mạnh.

          Việt Cường 

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.