Truyền thông phòng chống bệnh tay, chân, miệng: Nhìn từ “điểm nóng” Khánh Xuân
Phường Khánh Xuân đang được xem là “điểm nóng” của bệnh tay, chân, miệng (TCM) trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột, với số ca mắc nhiều nhất trong 21 xã, phường toàn thành phố và có 1 trường hợp tử vong (đây cũng là ca tử vong duy nhất của cả tỉnh). Vì vậy chính quyền địa phương đã chủ động triển khai kế hoạch ứng phó, đặc biệt là đẩy mạnh công tác truyền thông.
Nhân viên Trạm Y tế phường truyền đạt kiến thức phòng bệnh TCM cho bà mẹ có con nhỏ. |
Đứng trước tình hình bệnh TCM đang lây lan rộng với số ca mắc cao, thậm chí lúc cao điểm (tháng 3, tháng 4 – 2012), mỗi tuần ghi nhận 7-8 trường hợp, thêm trường hợp 1 cháu tử vong vì TCM khiến người dân hoang mang, lo lắng, UBND phường Khánh Xuân đã thành lập đội tuyên truyền phòng chống dịch TCM và 16 tổ truyền thông (gồm: cộng tác viên y tế, dân số, cán bộ tổ dân phố) tại 15 tổ dân phố và buôn Ea Rang để triển khai các hoạt động truyền thông phòng chống bệnh TCM. Hàng ngày, đội tuyên truyền và các tổ truyền thông trực tiếp đến từng hộ dân để làm công tác truyền thông, cấp phát hóa chất và hướng dẫn bà con cách pha hóa chất khử khuẩn môi trường, làm sạch nền nhà, cách thực hiện vệ sinh cá nhân phòng bệnh TCM. Chị Trịnh Hoàng Yến, thành viên tổ truyền thông của tổ dân phố 4 chia sẻ: “Để đạt mục tiêu đề ra là nâng cao ý thức phòng bệnh của người dân, các thành viên trong tổ đã đến từng gia đình có trẻ nhỏ tuyên truyền và hướng dẫn bà con giữ vệ sinh sạch sẽ cho trẻ, dùng xà bông rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, không cho trẻ tiếp xúc với những nơi dơ bẩn hay đến gần nơi có dịch bệnh. Sau khi tuyên truyền, phát thuốc khử trùng, hướng dẫn bà con cách pha chế và thực hành lau chùi, ngày hôm sau chúng tôi quay trở lại kiểm tra, những gia đình nào chưa thực hiện thì tiếp tục động viên, giải thích và thuyết phục bà con hợp tác giữ gìn vệ sinh cho gia đình cũng như cộng đồng”. Cùng với lực lượng của phường, các đội phòng chống dịch cơ động của thành phố và tỉnh cũng tổ chức các đợt truyền thông, làm công tác tiêu độc, khử trùng ở các ổ dịch và phát thuốc sát khuẩn để người dân tự thực hiện trong vòng một tuần sau đó. Khi phát hiện một lớp mầm non tư thục có 4 trẻ mắc bệnh, chính quyền đã kiên quyết đóng cửa lớp để tổng vệ sinh bàn ghế, đồ dùng dạy học, đồ chơi của trẻ nhằm tránh lây lan. Nhờ triển khai đồng bộ các biện pháp tuyên truyền kết hợp với cấp phát hóa chất đầy đủ cho người dân khử khuẩn tại nhà, đến nay dịch bệnh TCM đã giảm đáng kể. Y sĩ Nguyễn Văn Hinh, cán bộ phụ trách công tác phòng chống dịch bệnh Trạm Y tế phường Khánh Xuân cho biết: Việc đẩy mạnh công tác truyền thông đã phần nào giúp người dân nhận thức đúng hơn về bệnh TCM, từ chỗ lo lắng, hoang mang chuyển sang tham gia đắc lực vào việc phòng, chống dịch bệnh. Nhờ vậy, đến thời điểm này dịch bệnh trên địa bàn phường đã tạm lắng, mỗi tuần chỉ ghi nhận 1-2 ca bệnh mới, chủ yếu ở phân độ nhẹ”.
Quả thực, nhờ hoạt động truyền thông được đẩy mạnh, ý thức người dân về phòng chống dịch bệnh TCM đã nâng lên, thể hiện qua việc thực hành vệ sinh hằng ngày và cách ly trẻ mắc bệnh. Chị Nguyễn Thị Ngọc Châu (tổ dân phố 3, phường Khánh Xuân) bộc bạch: “Em có hai con, một cháu 3 tuổi, một cháu 10 tháng tuổi. Qua tuyên truyền hằng ngày ở nhà em đã thường xuyên rửa tay bằng xà phòng cho cả mẹ lẫn con nhiều lần và pha thuốc sát khuẩn lau nhà cửa để phòng bệnh. Nếu thấy các con sốt, mọc mẩn đỏ ở miệng và tay, chân, em sẽ đưa đến trạm y tế ngay”. Chị Nguyễn Thị Mỹ Dung (tổ dân phố 12) thì thổ lộ: “Nhà có con nhỏ nên tôi thường xuyên dọn vệ sinh sạch sẽ, thực hiện rửa tay bằng xà phòng theo hướng dẫn để phòng bệnh”.
Mặc dù thời điểm này, bệnh TCM trên địa bàn phường Khánh Xuân đã có dấu hiệu giảm, nhưng chính quyền địa phương không hề lơ là công tác phòng chống bệnh. Các tổ truyền thông vẫn thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn các gia đình có trẻ mới mắc bệnh thực hiện vệ sinh, cách ly tốt và đưa trẻ đến cơ sở y tế để được điều trị kịp thời, cố gắng không để xảy ra thêm trường hợp tử vong do TCM. UBND phường đã trích kinh phí từ ngân sách dự phòng của địa phương hỗ trợ thành viên các tổ truyền thông và hỗ trợ xăng xe cho các cộng tác viên y tế thôn, buôn tại những khu vực trọng điểm của dịch. Bằng cách lấy truyền thông làm tâm điểm cho chiến dịch phòng chống bệnh TCM, mô hình tổ truyền thông của phường Khánh Xuân đem lại hiệu quả trong việc khống chế số ca bệnh trên địa bàn, được Trung tâm Y tế thành phố Buôn Ma Thuột triển khai nhân rộng ra tất cả 21 xã, phường.
Kim Oanh
Ý kiến bạn đọc