Giáo dục trẻ hiệu quả từ mô hình Câu lạc bộ Ông bà cháu
Thành lập và đi vào hoạt động chưa lâu, mô hình Câu lạc bộ (CLB) “Ông bà cháu” ở xã Ea Kpam (Cư M’gar) đã mang lại hiệu quả thiết thực…
Một buổi sinh hoạt CLB Ông bà cháu. |
Đến thôn 3 xã Ea Kpam vào buổi sinh hoạt CLB Ông bà cháu, nhìn những nụ cười móm mém bên cạnh bao ánh mắt trẻ thơ rạng ngời niềm vui mới thấy được giá trị của những buổi sinh hoạt như thế này. Cụ ông Chu Huy Hà, Phó Chủ nhiệm CLB cho biết: CLB có 18 gia đình hội viên tham gia với 29 cụ ông, cụ bà và 30 cháu từ 1 tuổi đến 16 tuổi, gồm cả gia đình gương mẫu cùng những gia đình còn có thiếu sót, sao nhãng trong việc chăm sóc, bảo vệ trẻ em và được phân bổ đều khắp trên địa bàn thôn. Mỗi tháng CLB sinh hoạt 1 lần với nhiều hình thức như: kể chuyện truyền thống; văn nghệ; vận động, giúp đỡ, động viên những gia đình có con cháu chưa được chăm ngoan, bỏ học… quan tâm hơn để các cháu đi học đều, không rơi vào tệ nạn xã hội; hướng dẫn các gia đình có cháu nhỏ cách xây dựng ngôi nhà an toàn, tạo môi trường sống lành mạnh, hợp vệ sinh, phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ. Xen giữa các buổi sinh hoạt là những câu chuyện cụ thể nhằm giáo dục đạo đức, văn hóa truyền thống dân tộc, gia đình, dòng họ; cách ứng xử giữa các thành viên trong gia đình, nhất là gia đình có nhiều thế hệ cùng chung sống rất phổ biến tại địa phương; Phối hợp với các đoàn thể tuyên truyền những chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong lĩnh vực bảo vệ, chăm sóc trẻ em; vấn đề bình đẳng giới; chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; những kiến thức, công nghệ mới trong chăn nuôi, trồng trọt để phát triển kinh tế gia đình…Các cháu nhỏ trong CLB luôn được quan tâm sát sao, khen thưởng, động viên kịp thời các cháu có thành tích học tập hoặc những hành động tốt trong cuộc sống, nhưng cũng uốn nắn kịp thời những cháu có biểu hiện chưa ngoan. Chính vì vậy mà các buổi sinh hoạt của CLB luôn đông đủ các thế hệ ông bà cháu.
Nói về hiệu quả của việc sinh hoạt CLB Ông bà cháu, cụ ông Nguyễn Thạc Lam hào hứng: Hơn ai hết, gia đình tôi thấy được vai trò quan trọng của CLB trong việc bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Hơn 1 năm trước đây cháu nội tôi là Nguyễn Thạc Tuấn đang học lớp 7 thì tự động bỏ học. CLB Ông bà cháu đã kịp thời đến gia đình con trai tôi tìm hiểu nguyên nhân và động viên, giúp đỡ để cháu tiếp tục đến lớp. Thì ra, vì kinh tế gia đình khó khăn, bố mẹ bắt làm lụng nhiều khiến cháu học hành sa sút, không theo kịp chương trình nên nản chí, bỏ học. CLB đã vận động đoàn thể cho gia đình con trai tôi vay vốn xóa đói giảm nghèo, hỗ trợ kỹ thuật chăn nuôi, đồng thời cử các cháu học sinh khá giỏi kèm cặp hỗ trợ cháu Tuấn. Nay thì gia đình con tôi đã có kinh tế khá vững, cháu Tuấn là học sinh tiên tiến, vẫn thường được CLB khen thưởng động viên…
Còn nhiều trường hợp khác đã được CLB Ông bà cháu giúp đỡ và chuyển biến tốt. Trước đây, thôn 3 là một điểm nóng về các tệ nạn xã hội, đua xe gây tai nạn, gây rối trật tự nơi công cộng, trẻ em bỏ học đi chơi điện tử… Từ khi có CLB đến nay, thanh thiếu niên hư trong thôn giảm hẳn, tình trạng gây rối trật tự, trẻ em bỏ học đã chấm dứt. Cả CLB Ông bà cháu có 23 cháu đang đi học thì kết thúc năm học 2011-2012 có 13 cháu đạt học sinh khá, giỏi, được CLB khen thưởng.
Gia đình cụ Nguyễn Xuân Cường, Chủ nhiệm CLB Ông bà cháu là một điển hình mẫu mực cho các gia đình khác noi theo. Năm nay đã bước sang tuổi 83 nhưng cụ vẫn hăng say tham gia các phong trào ở địa phương, là người có uy tín và được chính quyền địa phương trao tặng nhiều bằng khen, giấy khen. Cụ Cường là cựu chiến binh từng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ nên giáo dục tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ chính từ những câu chuyện lịch sử hấp dẫn, cuốn hút của một nhân chứng sống. Gia đình cụ thuộc diện “tứ đại đồng đường” với 4 người con, 20 cháu, 15 chắt và 2 chít. Các con cháu, chắt của cụ đều chăm chỉ học tập, lao động, có cuộc sống khá giả, đối nhân xử thế tốt… Cụ Cường chia sẻ: “Muốn vận động được các thành viên trong CLB thì trước hết con cháu trong gia đình mình phải gương mẫu . Cụ được bầu làm chủ nhiệm CLB vừa là vinh dự, nhưng cũng là “áp lực” tốt lên các thành viên trong gia đình, khiến cả nhà luôn không ngừng nỗ lực lao động, học tập, chú ý đến cách ứng xử trong gia đình, ngoài xã hội sao cho đúng mực, hợp tình hợp lý… Chính vì thế, các cháu chưa ngoan, những gia đình còn nhiều mâu thuẫn hoặc chưa chăm lo đến sức khỏe người già khi được tôi khuyên giải đều có chuyển biến tích cực…”
Cụ bà Trần Thị Vợi, thành viên CLB tâm sự: Qua hoạt động của CLB, vai trò của người cao tuổi được phát huy, những lúc ốm đau, bệnh tật, gia đình gặp khó khăn đều được CLB thăm hỏi, động viên, hỗ trợ kịp thời. Bản thân tôi luôn mong muốn có sức khỏe dồi dào để động viên con cháu làm tròn nghĩa vụ đối với quê hương, đất nước. Gia đình yên vui hạnh phúc, con cháu chăm ngoan học hành, hiếu thảo với ông bà, cha mẹ là điều đáng quý nhất…”. Còn cháu Nguyễn Thị Quỳnh Mai (lớp 5A, trường TH Nguyễn Bá Ngọc) thì hồ hởi: Cháu rất thích và háo hức chờ đến ngày được đi sinh hoạt CLB Ông bà cháu. Tại đây cháu được nghe nhiều điều bổ ích mà ông bà chỉ bảo, được động viên, khen thưởng mỗi khi có thành tích học tập tốt nên càng muốn phấn đấu nhiều hơn”…
CLB Ông bà cháu ở thôn 3 xã Ea Kpam là một trong số 5 mô hình mà Sở LĐ-TB&XH triển khai thực hiện thí điểm từ đầu năm 2011 nhằm tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vai trò, trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền, các hội, đoàn thể quần chúng đối với công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em tại cơ sở; vai trò và trách nhiệm của cộng đồng, xã hội và của từng gia đình trong việc bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, giáo dục kỹ năng sống cho những trẻ em chưa ngoan, hạn chế những nguy cơ trẻ em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt (như: trẻ lang thang, bỏ học, phải lao động nặng nhọc kiếm tiền, trẻ bị xâm hại, bị tai nạn thương tích, bị khuyết tật…). Bước đầu cho thấy hầu hết ở các mô hình hoạt động tốt đều đạt mục đích đề ra, và có thể nhân rộng trong toàn tỉnh thời gian tới.
Minh Quân
Ý kiến bạn đọc