Một già làng làm kinh tế giỏi, mẫu mực với buôn làng
Đó là già làng Y Het Niê (tên thường gọi là Ma Yam), người dân tộc Êđê ở buôn Ngô B xã Hòa Phong (Krông Bông).
Trước kia, gia đình ông cũng giống như dân ở đây, đều khăn gói lên rừng chặt cây, đốt rừng làm nương rẫy theo lối sống du canh, du cư. Làm lụng chăm chỉ, vất vả quanh năm suốt tháng mà cái ăn, cái mặc vẫn luôn luôn thiếu thốn. Cái vòng luẩn quẩn phá rừng - làm rẫy - đói nghèo cứ vây riết gia đình và mọi người trong buôn. Nhiều đêm nằm trằn trọc không ngủ được, ông thấy ở nhiều nơi đất đai, điều kiện tự nhiên còn khó khăn hơn nhưng họ vẫn làm giàu, sao mình sống ở nơi đây có điều kiện khí hậu, đất đai rộng sao không làm được, chẳng lẽ cứ chịu mãi cái nghèo đeo bám. Qua thông tin đại chúng, thêm vào đó là sự hướng dẫn “ cầm tay chỉ việc” của nhiều cán bộ huyện và xã, ông nhận thức được phương thức phát triển kinh tế và bàn với vợ con quyết định thay đổi cách làm ăn. Đầu tiên, ông hướng dẫn gia đình cải tạo đất rừng làm ruộng nước, mở mang đất rẫy trồng cây cà phê. Năm 1987, buôn Ngô B được tái lập, ông xin chính quyền khai khẩn thêm đất hoang hóa mở rộng diện tích canh tác từ vài sào ban đầu, rồi một ha và nhiều hơn thế. Vừa mở rộng diện tích, ông vừa tính toán qui hoạch đất để thâm canh, lấy ngắn nuôi dài. Sau nhiều năm miệt mài lao động, đổ biết bao mồ hôi, công sức, gia đình ông nay đã có hơn 1ha đất lúa, 3 ha đất rẫy trồng cây ngắn ngày và gần 3 ha cà phê. Bên cạnh đó, ông tìm kiếm những giống trâu, bò ở các xã trong huyện, tạo giống tốt, gầy đàn. Đàn trâu, bò của gia đình ông có lúc lên đến hàng chục con vừa cung cấp nguồn phân bón và sức cày, kéo. Có thu nhập, đời sống khá hẳn lên, ông sắm sửa những máy móc chuyên dụng trong sản xuất nông nghiệp như: Máy cày, máy hút nước, máy bóc hạt ngô và nhiều máy móc vật dụng giá trị khác trong gia đình. Khi đã có của ăn của để, ông đầu tư cho con cái ăn học và tạo lập cơ sở vật chất cho con cái khi xây dựng gia đình. Bà con ở nhiều nơi biết tiếng đến gặp ông học kinh nghiệm xây dựng mô hình phát triển kinh tế gia đình. Già làng Ma Yam nhiệt tình trao đổi những kiến thức về thổ nhưỡng, cách chọn cây trồng phù hợp, chọn vật nuôi năng suất, chất lượng, giá trị cao. Ông Y Liệu Niê, chủ tịch xã Hòa Phong cho biết: “Già làng Ma Yam Niê là một người rất năng động về làm ăn kinh tế, sống rất tình nghĩa với bà con trong buôn, luôn luôn giúp đỡ, hướng dẫn cho mọi người về phương thức làm ăn và thực hiện nghĩa vụ công dân. Đặc biệt, những người con của già làng đều thành đạt trong công việc và có cuộc sống kinh tế ổn định”. Chỉ tính riêng trong năm 2011, gia đình ông đã thu về 08 tấn lúa, hơn 70 tấn sắn và 2 tấn cà phê nhân. Quân bình mỗi năm gia đình thu về hơn 120 triệu từ chăn nuôi và trồng cây nông, công nghiệp sau khi đã trừ hết các khoản chi phí. Một niềm vui mới đến với gia đình, đó là đầu năm 2012 gia đình ông đã xây được một ngôi nhà hơn 500 triệu đồng. Già làng Ma Yam tâm sự: “Nếu mình không có trách nhiệm với buôn làng, với con cháu thì cái đói, cái khổ cứ bám riết dân làng mình, đáng lo hơn nữa là kẻ xấu sẽ lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin, thật thà của bà con mà xúi dục, kích động bà con có những việc làm không tốt, ảnh hưởng đến trật tự trị an, ảnh hưởng đến sự đoàn kết buôn làng, không yên tâm lao động sản xuất xây dựng đời sống mới”.
Hình ảnh già làng Ma Yam với mái tóc hoa râm, thủ thỉ, hiền lành luôn rảo bước đôi chân dẻo dai đi khắp lượt buôn vận động bà con nghe theo Đảng, theo lý tưởng Bác Hồ, để có được cuộc sống ổn định, ấm no, không phải chịu cảnh thiếu đói khi đến mùa giáp hạt. Đây là cách vận động người dân hiệu quả hơn bất cứ cách làm nào khác, bởi hình ảnh của già làng Ma Yam đã là một minh chứng sống động cho mọi người dân noi theo.
Nguyễn Trung Thu
Ý kiến bạn đọc