Multimedia Đọc Báo in

Niềm vui nước sạch về xã nghèo

08:16, 05/06/2012

Từ khi công trình nước sạch tập trung (NSTT) tại xã Cư Kty (huyện Krông Bông) đi vào hoạt động, đã đem đến niềm vui lớn cho người dân nơi đây.

        Nhân viên kỹ thuật vận hành máy  tại  công trình nước sạch tập trung của  xã Cư Kty.
Nhân viên kỹ thuật vận hành máy tại công trình nước sạch tập trung của xã Cư Kty.

Xã Cư Kty cách trung tâm huyện Krông Bông khoảng 20km về hướng Đông Bắc, toàn xã có 1.074 hộ dân, định cư tại 8 thôn, buôn. Đây là vùng có tầng địa chất khá phức tạp, địa hình dốc với nhiều đồi núi đá, nên nguồn nước ngầm khan hiếm và phân bố không đều, việc đào, khoan giếng gặp nhiều khó khăn, trong khi phần lớn giếng nước của bà con vào mùa khô thì cạn róc, mưa xuống nước đục ngầu không thể sử dụng được. Theo thống kê của địa phương, có trên 80% số hộ trong xã thiếu nước sạch thường xuyên, tập trung ở các thôn 1, 2, 3, 7, 8, nước sinh hoạt chủ yếu dựa vào sông Krông Ana chảy qua địa bàn xã (khoảng 10km) luôn trong tình trạng đục ngầu, ô nhiễm, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe người dân. Chị Lê Thị Thơ, thôn 1 cho hay: trước đây, cũng như nhiều bà con trong xã, hằng ngày vợ chồng chị phải thay phiên nhau chở thùng phuy đi mua nước giếng của một số hộ dân nơi khác về dùng, với giá từ 100.000 - 120.000 đồng/m3. Nước mua về chỉ dùng tiết kiệm để nấu ăn, uống, nhưng mỗi tháng cũng mất ngót nghét 3m3; còn tắm, giặt… vẫn phải ra sông Krông Ana.

Người dân xã Cư Kty phấn khởi vì có nước sạch về tận nhà.
Người dân xã Cư Kty phấn khởi vì có nước sạch về tận nhà.

Khi Công trình NSTT của địa phương hoàn thành đưa vào sử dụng tháng 1- 2012, đã chấm dứt tình trạng khó khăn trên và đem lại nguồn nước bảo đảm an toàn vệ sinh cho người dân sử dụng, nỗi mong chờ nước sạch bấy lâu nay đã thành hiện thực. Công trình NSTT xã Cư Kty được khởi công xây dựng từ năm 2008, với quy mô gồm 4 giếng khoan sâu hàng trăm mét/giếng, được trang bị 4 máy bơm công suất 550m3/ngày đêm, bơm trực tiếp qua bể lọc rồi đến 2 bể chứa trên đồi cao (50m3/bể), sau đó dẫn nước xuống khu dân cư qua các đường ống chính, với năng lực cung cấp nước cho khoảng 1.004 hộ dân trong xã. Toàn bộ nguồn vốn xây dựng gần 10 tỷ đồng, Nhà nước đầu tư 90%, còn lại do sức dân đóng góp. Cùng với  hệ thống ống dẫn nước được chôn lấp dọc các tuyến đường thôn buôn, rất thuận lợi trong việc phục vụ nước sạch đến từng hộ dân. Ai đăng ký sử dụng nước sạch đều được hỗ trợ miễn phí một đồng hồ nước, còn chỉ phải mua đường ống nối từ ống chính vào nhà mình mà thôi. Ông Lê Quang Huỳnh, thôn 1 cho biết, gia đình ông đã lắp hệ thống nước sạch được hơn tháng nay, dòng chảy khá mạnh và ổn định. Giờ đây có nước sạch về tận nhà mà chi phí không đáng kể, gia đình ông sử dụng thoải mái cũng chỉ hết 50.000 đồng/tháng, thay vì phải mất từ 300.000- 400.000 đồng/tháng mua nước như trước đây. Không giấu nổi niềm vui khi có dòng nước sạch mát về tận nhà, chị Hồ Thị Liên, thôn 7 bộc bạch: Trước đây, gia đình chị thường lấy nước sông về xử lý qua bể lọc hoặc dùng phèn lắng cặn xong  mới sử dụng, nhưng do nguồn nước không bảo đảm vệ sinh nên sức khỏe mọi người luôn bất ổn, trẻ nhỏ trong nhà thường bị bệnh về đường ruột, nhiều bà con trong thôn còn hay bị đau mắt hột, ghẻ ngứa... Từ khi có nước sạch, tình trạng đó đã chấm dứt, chưa kể bản thân chị có nhiều thời gian hơn cho công việc đồng áng vì không phải chầu chực đi mua nước sạch hay chở nước dưới sông về dùng nữa. Anh Nguyễn Văn Tùng, cán bộ địa chính kiêm phụ trách các công trình nước sạch nông thôn xã Cư Kty cho hay, công trình NSTT của địa phương mới đi vào hoạt động từ đầu năm, hiện đã có gần 200 hộ dân đăng ký sử dụng, dự kiến đến cuối năm 2013, con số này sẽ tiếp tục được nâng lên khoảng 450-500 hộ. Giờ đây, bất kể là mùa mưa hay nắng, công trình vẫn cung cấp đầy đủ, ổn định nguồn nước sạch cho dân, góp phần giúp bà con có điều kiện nâng cao chất lượng cuộc sống.

Lê Thành


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.