Multimedia Đọc Báo in

Thận trọng với trái cây không rõ nguồn gốc

06:11, 29/06/2012

Thời gian gần đây, nhiều người tỏ ra dè chừng với các sản phẩm trái cây ngoại nhập, nhất là khi có thông tin táo Trung Quốc được bọc trong túi có tẩm thuốc trừ sâu. Trong khi đó, các chủ sạp kinh doanh trái cây tại các chợ và các tuyến đường thì lại tìm mọi cách lập lờ nguồn gốc xuất xứ về loại sản phẩm này để đánh lừa NTD…

Ảnh mang tính minh họa
Ảnh mang tính minh họa

Không chỉ có mặt trong siêu thị, ngày nay, trái cây nhập ngoại được bày bán phổ biến tại hầu hết các chợ dân sinh trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột. Ưu điểm của những loại trái cây này hơn hẳn hàng trong nước bởi quả to đều, màu sắc bắt mắt và khi ăn có độ ngọt, giòn nhất định. Theo tìm hiểu, riêng mặt hàng táo ngoại nhập tại các chợ, quầy, sạp bán lẻ trái cây trên địa bàn TP đã có đến hơn 4 loại, với hai màu xanh, đỏ, được các chủ sạp quảng cáo là hàng nhập chủ yếu từ Nhật, Mỹ, chỉ một số ít là của Trung Quốc, bán với mức giá từ 30.000 đến 70.000 đồng/ kg. Hầu hết các loại này có quả to đều, màu sắc đẹp và có độ bóng, nhưng nhiều khi ngay cả người bán lẫn người mua đều không phân biệt được đâu là táo Trung Quốc, đâu là táo Nhật. Một vài chủ sạp trái cây cho biết, riêng táo Trung Quốc (quen gọi là táo tàu) thường có hai loại, táo bở, giá 30-40.000 đồng/ kg và táo đường có vỏ bóng, đẹp mắt, giòn, giá 55-60.000 đồng/ kg. Song, loại táo đường của Trung Quốc và Mỹ nhìn chung có vỏ bề ngoài giống nhau nên rất khó phân biệt. Bà T, chủ quầy trái cây trên đường Quang Trung (TP. Buôn Ma Thuột) thẳng thắn, tuy làm nghề bán trái cây trên mười năm nay, nhưng thú thật bản thân bà cũng không phân biệt được đâu là táo Trung Quốc, táo Mỹ hay táo Nhật. Phía đầu mối cung cấp đóng thùng, dán tem của nước nào thì bà nhập hàng với mức giá đó chứ cũng không thể kiểm chứng được?!

Tuy nhiên, mới đây, thông tin thương hiệu táo nổi tiếng Hồng Phú Sĩ được trồng ở một số địa phương tại thành phố Yên Đài, tỉnh Sơn Đông (Trung Quốc) đã được bọc trong túi nhựa tẩm thuốc trừ sâu cực độc từ khi còn xanh cho tới lúc chín, khiến nhiều NTD trên địa bàn tỉnh trở nên lo ngại về độ an toàn của sản phẩm này. Trong khi đó, một vài chủ buôn trái cây, kể cả những người có thâm niên trong nghề cũng thừa nhận, họ không rõ lắm về loại táo Hồng Phú Sĩ, chỉ biết gọi chung những loại táo nhập từ Trung Quốc về là táo tàu (gồm, táo đường và táo bở) và thường rẻ hơn các loại táo khác từ 25.000 - 30.000 đồng/ kg.

Sau hàng loạt vụ việc thực phẩm Trung Quốc bị nhiễm độc, giờ lại đến thông tin táo bọc trong túi nhiễm thuốc trừ sâu càng khiến NTD trở nên cảnh giác hơn với các sản phẩm có xuất xứ từ quốc gia này. Nếu như trước đây, NTD thường chỉ chú ý chọn những loại trái cây đẹp mắt thì nay đã quan tâm nhiều hơn đến nguồn gốc của sản phẩm. Nắm bắt được tâm lý đó, nhiều tiểu thương tại các chợ lại cố tình mập mờ xuất xứ của sản phẩm để đánh lừa NTD. Hầu hết họ đều tìm cách “né” chữ Trung Quốc để bán cho được hàng. Thay vào đó, quảng cáo với khách hàng đây là trái cây nhập từ Mỹ, Nhật… Về phía NTD, bằng mắt thường lại càng khó phân biệt trái cây có xuất xứ từ nước nào, cộng với tâm lý cho rằng trái cây nhập ngoại thường bảo đảm chất lượng nhờ qua các khâu kiểm soát chặt chẽ, và giá thành cao hơn nên… tốt hơn (!?), vì thế, cứ an tâm chọn mua mà đâu biết rằng vô tình mình đã bị móc túi khi mua nhầm phải trái cây của Trung Quốc. Chị Q. ở phường Tân Lập, TP. Buôn Ma Thuột cho hay, trong các loại trái cây, quả táo nhìn đẹp mắt, dễ bày biện nên chị rất chuộng mua về chưng vào các dịp lễ, rằm. Dù nghi ngờ là táo tàu nhưng người bán cứ khăng khăng là táo Nhật, nên chị mua đại chứ thực hư cũng chẳng biết thế nào. Còn chị Lan (phường Tân Thành) chia sẻ: vốn thích ăn táo nên theo kinh nghiệm, chị cứ thấy quả nào màu sắc đẹp mắt, vỏ bóng, quả to, không bị dập là chọn mua. Mới đây, nghe nói táo Trung Quốc bị nhiễm thuốc trừ sâu nên chị cũng bắt đầu e dè với loại trái cây này hơn… Về phía  cơ  quan  chức năng, ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) cho biết, trước thông tin trên, Cục BVTV đang theo dõi rất sát mọi thông tin cũng như động thái xử lý từ phía nhà chức trách Trung Quốc. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị ở cửa khẩu tăng cường kiểm soát lấy mẫu, đặc biệt là táo có xuất xứ từ Trung Quốc. Tuy nhiên, ông Hồng khẳng định, phần lớn hoa quả từ Trung Quốc sang Việt Nam bằng chính ngạch được cơ quan chức năng trong nước giám sát, kiểm soát chặt chẽ, kể cả lấy mẫu phân tích dư lượng thuốc trừ sâu, chất bảo quản. Hiện, táo là một trong những loại trái cây được lấy mẫu thường xuyên kiểm nghiệm để đánh giá độ an toàn đối với người sử dụng. Kết quả kiểm tra mới nhất cho thấy, có khoảng 30% mẫu táo chứa dư lượng thuốc BVTV, nhưng đều nằm dưới ngưỡng cho phép... Ông cũng khuyến cáo, người dân không nên lo lắng vì hàng nhập khẩu, đặc biệt là táo vào nước ta được kiểm tra, giám sát theo quy định. Tuy nhiên, để bảo đảm an toàn, NTD nên mua ở các cửa hàng có địa chỉ, nguồn gốc, nhãn mác rõ ràng được các cơ quan quản lý nhà nước kiểm soát chặt chẽ. Việc mua hàng trôi nổi thì rất khó biết được chất lượng thế nào, cũng khó để có thể phân biệt táo đỏ từ Trung Quốc, Mỹ hay Australia. Thực tế táo Trung Quốc xuất đi rất nhiều nước trên thế giới, chiếm 40% lượng táo đường cung cấp trên thị trường thế giới.

Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc