Multimedia Đọc Báo in

Câu lạc bộ “Kết nối mẹ và con gái” - nơi các bà mẹ học cách làm bạn với con

06:27, 03/07/2012

Làm thế nào trở thành “người bạn” tin cậy để con cái thực sự gần gũi, tâm sự, chia sẻ, thổ lộ mọi niềm vui, nỗi buồn, khó khăn, vướng mắc trong cuộc sống không phải là điều dễ dàng với bất kỳ người làm cha, mẹ nào. Xuất phát từ thực tế này, Câu lạc bộ (CLB) “Kết nối mẹ và con gái” ở xã Ea Hiu (huyện Krông Pak) ra đời đã góp phần nâng cao nhận thức, kỹ năng tạo sự gắn kết giữa mẹ và con gái.

“Hái hoa dân chủ” là một trong những nội dung sinh động, hấp dẫn, thu hút đông đảo thành viên CLB “Kết nối mẹ và con gái” xã Ea Hiu tham gia.
“Hái hoa dân chủ” là một trong những nội dung sinh động, hấp dẫn, thu hút đông đảo thành viên CLB “Kết nối mẹ và con gái” xã Ea Hiu tham gia.

“Khi con đã đến tuổi vị thành niên, cha mẹ cần phải làm gì? Chị hãy cho biết nguyên tắc cơ bản nào sau đây để dạy con là đúng? Những yếu tố nào ảnh hưởng đến sự phát triển cơ thể trẻ em? Khi có một bạn khác giới thổ lộ tình cảm với mình, em sẽ xử sự như thế nào? Làm thế nào để trở thành con ngoan, trò giỏi?...” là những câu hỏi được nêu lên trong phần “Hái hoa dân chủ” tại buổi sinh hoạt CLB “Kết nối mẹ và con gái” xã Ea Hiu nhân Ngày Gia đình Việt Nam 28-6-2012. Phần lớn thành viên CLB là những phụ nữ người dân tộc thiểu số, chủ yếu làm nông, ít có điều kiện tiếp cận các kênh thông tin nuôi dạy con cái, hiểu biết về giới tính, sức khỏe sinh sản còn hạn chế nên “ngại” hoặc không biết cách trò chuyện với con về những vấn đề nhạy cảm, nhưng các câu trả lời của họ đã khiến những người có mặt tại buổi sinh hoạt hôm ấy thực sự ngạc nhiên. Các nội dung về cách xử sự trong quan hệ với bạn khác giới, nhận thức về vấn đề kết hôn, bình đẳng giới, sự phát triển của cơ thể bé gái… được các mẹ và con gái trả lời, lý giải, nêu ví dụ bằng những trường hợp cụ thể đã khiến buổi sinh hoạt trở nên sinh động, hấp dẫn, thu hút sự quan tâm, theo dõi của mọi người.

CLB “Kết nối mẹ và con gái” xã Ea Hiu được thành lập cuối năm 2009 với 30 thành viên ở CLB mẹ và 30 thành viên là những học sinh từ 13 đến 16 tuổi ở CLB Con gái. CLB nhằm tăng cường sự gắn kết trong gia đình đặc biệt là giữa mẹ và con gái thông qua việc trao đổi cởi mở về giới, chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình, khuyến khích các bạn trẻ sống có trách nhiệm và có lập trường vững vàng để không bị tác động xấu cả về mặt xã hội, thân thể, tình dục... Chị Trịnh Thị Oanh, Chủ tịch Hội LHPN huyện Krông Pak cho biết, xã Ea Hiu là một trong 2 địa phương của huyện được chọn thí điểm xây dựng mô hình CLB “Kết nối mẹ và con gái”, bởi nơi đây có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, trình độ dân trí không đồng đều, tỷ lệ sinh con thứ 3 cao, tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết thống vẫn còn… Vì vậy, để giúp hội viên dễ dàng tiếp thu kiến thức, dựa trên những nội dung đã được tập huấn, Ban Thường vụ Hội LHPN huyện đã linh hoạt nghiên cứu, soạn thảo các chuyên đề, câu hỏi trắc nghiệm phù hợp, hướng dẫn Ban Chủ nhiệm CLB tổ chức các hình thức sinh hoạt phù hợp với thực tế địa phương. Đến với CLB, mẹ và con gái được tham gia các hoạt động văn nghệ, trò chơi sôi động, vui vẻ, xóa dần sự e ngại, rụt rè. Mỗi buổi sinh hoạt, các thành viên lại được tiếp cận với một nội dung mới, như chăm sóc sức khỏe sinh sản, tìm hiểu tâm lý lứa tuổi dậy thì, các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục và cách phòng tránh, các biện pháp tránh thai, cách chia sẻ, tâm sự với những người con tuổi mới lớn, giữ gìn vệ sinh môi trường sống, vệ sinh an toàn thực phẩm, cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”… Đồng thời thảo luận, trao đổi kiến thức, kinh nghiệm của bản thân trong việc xây dựng gia đình, nuôi dạy con cái từ những điều làm đúng đến những kiến thức, ứng xử sai lầm trước đó. Chị Muôn Hoa (dân tộc Vân Kiều), thành viên CLB cho biết, từ ngày tham gia CLB chị biết thêm nhiều kiến thức nuôi dạy con cũng như nắm bắt những thay đổi giới tính, tâm sinh lý của con gái ở lứa tuổi dậy thì, kiên nhẫn lắng nghe con, học cách chia sẻ, động viên chúng vượt qua những khó khăn, trở ngại trong cuộc sống. “Thay vì cho mình có quyền áp đặt suy nghĩ của người lớn vào con trẻ, thì mình gần gũi, trao đổi, tâm sự làm bạn với con”, chị Muôn Hoa thổ lộ. Chị có 4 con (3 gái, 1 trai), trong đó cháu Niê Adua Nguyệt, học sinh lớp 11 cũng là thành viên CLB Con. Từ ngày cùng tham gia sinh hoạt ở CLB, hai mẹ con cởi mở hơn trong giao tiếp, khi Nguyệt gặp những vấn đề vướng mắc trong việc học tập hay bạn bè đều sẵn lòng chia sẻ và nhờ mẹ giúp đỡ. Là một trong những thành viên đầu tiên tham gia vào CLB Con, cháu Phạm Thị Kim Mỹ, học sinh lớp 8, Trường THCS Ea Hiu thổ lộ: “Em thấy tham gia sinh hoạt ở CLB rất vui và bổ ích. Những thay đổi, thắc mắc thầm kín của cơ thể hay mối quan hệ với bạn khác giới em mạnh dạn trò chuyện, trao đổi để được mẹ giải thích, hướng dẫn cách chăm sóc bản thân, điều chỉnh quan hệ bạn bè. Không những vậy, việc tham gia sinh hoạt tại CLB đã cung cấp thêm nhiều kiến thức giúp em học tốt hơn môn Sinh học”.

Chị Mó Hạnh, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Ea Hiu đánh giá, so với những CLB trước như “CLB gia đình hạnh phúc”, “Không sinh con thứ 3”, “Gia đình không có tội phạm và tệ nạn xã hội”… thì CLB “Kết nối mẹ và con gái” đã thực sự tạo được một sân chơi bổ ích, phù hợp và đáp ứng mong muốn của nhiều chị em nên thu hút các thành viên tham gia sinh hoạt đều đặn. CLB đã thực sự bắc nhịp cầu kết nối mẹ và con.

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.