Nghị lực vươn lên của một thương binh nặng
Tham gia vào lực lượng vũ trang thuộc Huyện đội H9 (Krông Bông) năm 1968 khi mới vừa tròn 16 tuổi, Y Bhiôl Niê (còn gọi là Ama Út) ở buôn Cư Drăm, xã Cư Drăm (Krông Bông) đã tham gia rất nhiều trận chiến đấu từ Thành cổ Quảng Trị đến các tỉnh miền Trung-Tây Nguyên. Năm 1972, anh được rút về lực lượng công an tỉnh Dak Lak, tham gia nhiều trận đấu và truy quét Fulrô. Anh đã 8 lần bị thương với 27 vết đạn trên khắp cơ thể (hiện trong cơ thể anh vẫn còn 17 mảnh đạn) với tỷ lệ thương tật 61%. Năm 1990, vì sức khỏe yếu nên Y Bhiôl xin về nghỉ chế độ.
Thương binh Ama Út bên rẫy ngô của gia đình. |
Khi anh về nghỉ, hoàn cảnh gia đình hết sức khó khăn nên dù sức khỏe có hạn, nhiều lúc trái gió, trở trời những vết đạn lại nhói đau, Ama Út vẫn nén đau cùng vợ đi làm ruộng, làm rẫy. Anh tâm sự: “Mình lập gia đình muộn, khi mình về nghỉ chế độ mới sinh đứa con đầu lòng nên đến nay các con vẫn còn nhỏ. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, lại neo người nên mình phải cố gắng lao động để có tiền nuôi các con ăn học”. Vợ chồng anh sớm hôm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” để canh tác trên 5 ha đất ruộng, rẫy. Nhờ cần cù, chịu khó làm ăn, mỗi vụ gia đình anh thu về gần 40 tấn ngô, 10 tấn sắn, 2 tấn lúa. Anh còn nuôi thêm 6 con bò và nhiều heo gà. Vừa qua Ama Út lại trồng mới hơn 1 ha cà phê, mua sắm xe cày, xe công nông để phục vụ sản xuất. Kinh tế chưa dư giả nhưng vợ chồng anh đã có đủ sức để lo cho mẹ già và nuôi 5 con đi học (một người học Trường Sĩ quan Lục quân, hai người học Trung cấp Luật và hai người vẫn đang còn học phổ thông).
Tấm gương vượt qua hoàn cảnh, thương tật để vươn lên của anh thương binh nặng Ama Út được bà con trong buôn Cư Drăm hết sức khâm phục. Không những thế, vợ chồng anh còn là những đảng viên mẫu mực ở địa phương.
Tùng Lâm
Ý kiến bạn đọc