Multimedia Đọc Báo in

Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, một cách giáo dục hiệu quả tại Trường THCS Nguyễn Tất Thành

09:35, 28/07/2012

Trong những năm qua, cán bộ giáo viên, nhân viên và các em học sinh Trường THCS Nguyễn Tất Thành (xã Phú Xuân) luôn luôn có ý thức tham gia thực hiện hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”. Những hoạt động ấy không nằm ngoài lẽ sống “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây”  và hơn thế nhà trường xem đây là một cách giáo dục hiệu quả.

Ở thôn 5 xã Phú Xuân có Mẹ Việt Nam Anh hùng Lê Thị Xin sinh năm 1914, tại xã Quỳnh Lương, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An trong một gia đình có truyền thống yêu nước. Năm 1953, chồng của Mẹ - ông Lê Công Tố là Trung đội phó trung đội du kích đã dũng cảm hi sinh trong một trận chiến đấu với quân thù. Dùng lựu đạn tiêu diệt địch, không may, lựu đạn không nổ, ông bị bọn Pháp đã bắt được và giết hại. Trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, tham gia chiến dịch Mậu Thân 1968, người con đầu lòng của mẹ tên là Lê Công Ty đã ngã xuống tại chiến trường miền Nam. Một lần nữa, mẹ Xin lại chịu nỗi đau thương khôn cùng trước sự mất mát của người thân.

Các em học sinh Liên đội trường THCS Nguyễn Tất Thành thăm Mẹ VNAH Lê Thị Xin
Các em học sinh Liên đội trường THCS Nguyễn Tất Thành thăm Mẹ VNAH Lê Thị Xin

Năm học 2008-2009, Trường THCS Nguyễn Tất Thành đã tổ chức Lễ công bố nhận chăm sóc Mẹ Việt Nam Anh hùng Lê Thị Xin. Từ đó đến nay, mỗi dịp lễ, tết, sinh nhật của Mẹ, khai giảng năm học của nhà trường, hay những lúc Mẹ đau yếu do trái gió trở trời hay lúc thường nhật, thầy và trò nhà trường vẫn đến thăm và tặng quà  Mẹ. Những lúc thầy trò của trường đến thăm, trên đôi môi già nua, nhăn nheo lại móm mém nụ cười đôn hậu, hoà lẫn những giọt nước mắt tuởng chừng như đã cạn tự khi nào của Mẹ. Và các em học sinh lại được nghe Mẹ kể về những hồi ức bi tráng của thế hệ đi trước. Nay tuy đã tuổi cao sức yếu, nhưng Mẹ Xin vẫn tựa như “cuốn từ điển sống”, lưu lại những tháng năm hào hùng của dân tộc mà qua sách vở, lớp lớp học sinh chưa hẳn đã cảm nhận hết.

Liên Đội Nguyễn Tất Thành còn có nhiều hoạt động đền ơn đáp nghĩa khác như thăm và tặng quà các thương binh đang sinh sống trên địa bàn xã, đóng góp 3 tấn giấy vụn gây quỹ xây dựng khu di tích Kim Đồng ở tỉnh Cao Bằng, từ năm 2009 đến năm 2012, toàn trường đã đóng góp gần 20 triệu đồng vào Quỹ đền ơn đáp nghĩa của huyện, hằng năm nhà trường đều tổ chức gặp mặt, tặng quà các thầy cô giáo là cựu quân nhân trong đơn vị…

Đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ người trồng cây” là truyền thống tốt đẹp đi vào tiềm thức của mỗi con người Việt Nam, việc tổ chức các hoạt động đền ơn đáp nghĩa trược hết xuất phát từ đạo lý ấy. Theo thầy Nguyễn Xuân Việt, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Tất Thành, khi các hoạt động "Đền ơn đáp nghĩa" được tổ chức trong môi trường trường học đã góp phần bồi dưỡng thêm cho tâm hồn các em học sinh biết trân trọng quá khứ, biết hướng về cội nguồn, biết sống ân nghĩa và thuỷ chung…từ đó, hình thành nhân cách toàn diện cho các em.


Giang Nam
 


Ý kiến bạn đọc