Nước đá dùng liền: Có bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm?
Kỳ cuối: Lập lại trật tự trong sản xuất nước đá dùng liền: Trách nhiệm thuộc về ai ?
Chất lượng nước đá chưa được kiểm soát chặt chẽ, vấn đề VSATTP đang bị bỏ ngỏ là những nguyên nhân khiến nỗi lo về sức khỏe của người tiêu dùng ngày càng tăng cao. Tuy nhiên, để tháo gỡ được vấn đề này không phải là chuyện “ngày một, ngày hai” mà cần sự hợp tác từ nhiều phía.
Kiểm tra chất lượng kho lạnh của cơ sở sản xuất nước đá Dak Kuin (thôn 2, xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin) . |
Thực tế cho thấy, phần lớn các cơ sở sản xuất nước đá dùng liền trên địa bàn tỉnh hiện có quy mô nhỏ lẻ, manh mún, sử dụng máy móc, thiết bị và công nghệ sản xuất lạc hậu. Thế nhưng, khi đề cập đến chuyện đầu tư, lắp đặt công nghệ sản xuất hiện đại để sản xuất nước đá đúng tiêu chuẩn chất lượng theo quy định cũng có cơ sở gật đầu chấp nhận theo kiểu “đã đâm lao thì phải theo lao”, song vẫn không ít chủ cơ sở lắc đầu từ chối và ai cũng có cái lý của riêng mình. Theo ông Cao Văn Minh, quản lý cơ sở sản xuất nước đá Minh Mai (thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana), với dây chuyền hiện có và công suất mỗi ngày chỉ đạt vài tạ, sau khi trừ các chi phí liên quan, lợi nhuận còn lại chẳng là bao. Trong khi đó, để có một dây chuyền sản xuất đáp ứng được các tiêu chuẩn theo quy định thì vốn đầu tư phải lên đến tiền tỷ, mà giá sản phẩm lại không thể tăng một cách tùy tiện vì còn phải cạnh tranh nên lợi nhuận lại càng sụt giảm và thậm chí có thể thua lỗ. Do đó, trong trường hợp bắt buộc phải thực hiện, cơ sở có thể tính đến chuyện chỉ sản xuất đá cây hoặc ngừng hoạt động. Cũng trong tâm trạng lo lắng sụt giảm lợi nhuận, bà Nguyễn Thị Nhã, quản lý cơ sở sản xuất nước đá Dak Kuin cho rằng, việc sản xuất kinh doanh nước đá của gia đình một phần là để tăng thu nhập nhưng phần khác là để giải quyết việc làm cho lao động trong nhà. Hiện tại chi phí đầu tư cho hệ thống máy móc phục vụ sản xuất đá viên của gia đình đã trội lên con số hơn 1 tỷ đồng, chưa kể chi phí đưa nước đi kiểm nghiệm chất lượng hàng năm, nếu ngừng hoạt động thì việc chuyển nhượng máy móc sẽ dẫn đến hao hụt tài chính rất lớn. Chính vì vậy, trong thời gian tới cơ sở sẽ tiếp tục đầu tư để hoàn thiện những phần còn thiếu sót.
Bên cạnh tâm lý “sợ” đầu tư của chủ cơ sở sản xuất, điều khiến cơ quan quản lý VSATTP lo ngại là phần lớn người dân có thói quen sử dụng nước đá cây để ướp thực phẩm vào trong ăn, uống, giải khát. Điều này càng được các cơ sở chế biến, kinh doanh thực phẩm lưu động lạm dụng khi nhận thầu các bữa ăn tập thể đông người như đám cưới, đám giỗ, liên hoan… hòng tăng lợi nhuận. Theo bác sĩ Bùi Quang Lộc, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP, một trong những nguyên nhân khiến tất cả những thực phẩm (trong đó có nước đá) kém chất lượng, không bảo đảm quy định tồn tại trên thị trường là do người tiêu dùng dễ tính, không phân biệt đúng chất lượng sản phẩm. Các cơ sở sản xuất nước đá chui, kém chất lượng ắt phải tự đóng cửa khi và chỉ khi người dân không sử dụng nước đá cây, nước đá không rõ nguồn gốc trong ăn, uống hàng ngày. Chính vì người tiêu dùng không để ý đến chất lượng sản phẩm nước đá nên các chủ cơ sở sản xuất cũng nảy sinh tâm lý ngại đầu tư chỉ tính toán làm sao cho chi phí ít để hạ giá thành sản phẩm, thu hút được nhiều khách hàng. Bác sĩ Lộc cũng cho biết thêm, trước thực trạng sản xuất nước đá tràn lan, không bảo đảm VSATTP trên địa bàn, trong đợt kiểm tra, rà soát vừa qua, Chi cục đã kết hợp giữa kiểm tra với tuyên truyền cho cơ sở nắm được quy chuẩn đối với sản xuất nước đá dùng liền, đồng thời gia hạn cho họ thời gian 3 tháng để chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại được đề cập trong đợt kiểm tra. Trong thời gian tới, để siết chặt công tác quản lý vấn đề chất lượng trong sản xuất nước đá dùng liền, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, Chi cục sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện xử lý những cơ sở có sản phẩm không đạt chất lượng. Những cơ sở nào có nhiều sai phạm sẽ bị xử lý bằng các biện pháp chế tài mạnh.
Có thể thấy rõ hậu quả của việc sản xuất nước đá dùng liền không tuân thủ các quy định về VSATTP. Nước đá không bảo đảm vệ sinh có thể chứa các vi trùng gây bệnh là nguồn gốc phát sinh các dịch bệnh nguy hiểm đối với sức khỏe và tính mạng của con người như tả, lỵ, thương hàn, thậm chí là ngộ độc thực phẩm hàng loạt. Trong điều kiện hiện nay, tuy người tiêu dùng không có đủ điều kiện để kiểm tra xem nước đá có bảo đảm chất lượng hay không trước khi sử dụng, nhưng nếu các cơ sở sản xuất kinh doanh đều nghiêm túc chấp hành quy định của nhà nước về VSATTP, ngành chức năng tăng cường kiểm tra, cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP đối với những cơ sở đạt chuẩn, kiên quyết loại trừ các cơ sở sản xuất không đủ điều kiện, sản xuất nước đá bẩn đưa vào thị trường và mỗi người tiêu dùng đều có ý thức bảo vệ mình trong việc sử dụng nước đá thì chuyện lập lại trật tự trong sản xuất kinh doanh nước đá dùng liền sẽ trở thành hiện thực...
Kim Oanh
Ý kiến bạn đọc