Multimedia Đọc Báo in

Trong hào khí tháng Tám hôm nay...

07:44, 17/08/2012

Một ngày tháng Tám hôm nay, sải bước chân trên mỗi buôn làng, cảm sâu từ những nếp nhà dài bình yên, trong thăm thẳm ánh mắt già làng trưởng bản vẫn còn đó hào khí tháng Tám năm xưa. Hào khí ấy như một sợi chỉ đỏ xuyên suốt chiều dài lịch sử để thế hệ nối tiếp thế hệ trân trọng, gìn giữ thành quả của độc lập và tự chủ; để niềm vui mỗi buôn làng nhân lên bằng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Đường  vào buôn Ea Nao  (xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột) được  đầu tư  xây dựng khang trang, sạch đẹp. Ảnh: Nguyễn Xuân
Đường vào buôn Ea Nao (xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột) được đầu tư xây dựng khang trang, sạch đẹp. Ảnh: Nguyễn Xuân

Nhớ, mỗi độ tháng 8 về...

Trải qua biết bao thăng trầm của buôn làng, đến hôm nay, khi cuộc sống của bà con đã có nhiều thay đổi, nhưng với già làng buôn Cuôr Kăp (xã Hòa Thắng, TP. Buôn Ma Thuột) Y Bhăt Kbuôr (tên thường gọi là già Ai Mak), không khí của những ngày đất nước giành được độc lập vẫn là ký ức không thể phai mờ.

Già làng Y Bhăt Kbuôr
Già làng Y Bhăt Kbuôr

Ngoài 90 tuổi, đôi mắt đã mờ đi, đôi chân không còn nhanh nhẹn, đôi tai cũng nặng đi phần nào nhưng ký ức về những ngày lịch sử của dân tộc vẫn hằn sâu trong ký ức của già. Già kể, là một buôn làng nằm gần với tỉnh lị Buôn Ma Thuột nên giặc Pháp ra sức dùng mọi cách kìm kẹp, khống chế bà con. Tuy nhiên, với tinh thần quật khởi, rất nhiều người trong buôn đã tìm cách đến với Việt Minh. Trong gia đình, người anh họ của già đã sớm theo Cách mạng. Thế nên, dù bị giặc Pháp dùng mọi cách khống chế, nhưng hầu như mọi thành viên trong gia đình đều nhận thức được khí thế cách mạng. Trong những ngày tháng 8-1945, khi cả nước đang trong không khí phấn khởi của niềm vui độc lập thì giặc Pháp dồn tất cả người dân trong buôn tập trung về trung tâm Buôn Ma Thuột để dễ bề quản lý. Những ai chống đối liền bị chúng thẳng tay bắn giết mà không cần biết đó là người già, phụ nữ hay trẻ em.  Bản thân già khi ấy là một chàng trai cường tráng đã cùng với trai tráng trong buôn tổ chức nhiều hoạt động bí mật chống đối lại sự kìm kẹp này. Già nói: “Khi hay tin Đất nước độc lập, bà con trong buôn ai cũng mừng. Buôn làng không còn bị quân xâm lược quấy phá. Thế là từ đây người già, người trẻ ai cũng được hạnh phúc nên ai cũng tỏ ra xúc động”. Già bảo, nhờ có Đảng, có Nhà nước quan tâm nên buôn làng đang thay da đổi thịt từng ngày. Người đói không còn, người nghèo cũng ít đi nhiều, đường nhựa, điện chiếu sáng trải khắp trong buôn. “Từng sống và chứng kiến qua biết bao nhiêu thăng trầm của buôn làng, nhưng có nằm mơ tôi cũng không tưởng tượng ra được cuộc sống buôn làng hôm nay”, già tâm sự. Riêng đối với già Y Bhăt Kbuôr, tuy đã tuổi cao sức yếu, nhưng ngày ngày già vẫn cùng con cháu lên nương, lên rẫy, chăm con heo, con bò trong chuồng. Với điều kiện như hiện nay, già hoàn toàn có thể nghỉ ngơi, nhưng theo già, cần phải làm gương cho con cháu trong buôn noi theo, hơn nữa lao động cũng là cách rèn luyện sức khỏe.

Ngày mới ở buôn Tuôr

Nằm ngay bên Quốc lộ 14, song ở buôn Tuôr (xã Hòa Phú, TP. Buôn Ma Thuột) không có sự ồn ào, náo nhiệt của phố xá mà vẫn vẹn nguyên nhịp sống êm đềm: nhà cửa ẩn mình trong những bóng cây xanh, người dân bầu bạn cùng ruộng vườn trù phú… 

Buôn Tuôr đã được sử dụng nước sạch.
Buôn Tuôr đã được sử dụng nước sạch.

Nhớ lại những thăng trầm của buôn làng mình, già làng Y Thút Byă say sưa kể, thủa trước nếp sống du canh du cư cùng những hủ tục lạc hậu tồn tại khiến cho cuộc sống của bà con buôn mình luôn bị nghèo đói bủa vây. Cơm không đủ ăn, cái mặc cũng thiếu và buồn hơn là lũ trẻ ít có điều kiện đến trường học tập. Rồi mọi cái cũng thay đổi kể từ khi Đảng và Nhà nước tập trung đầu tư phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Qua tuyên truyền của chính quyền và các đoàn thể ở địa phương, bà con trong buôn đã nâng cao nhận thức trong việc xây dựng nếp sống mới, biết áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất chăn nuôi. Cây trồng vật nuôi cho sản lượng cao, kinh tế của các hộ gia đình cũng nâng lên đáng kể và đã xuất hiện những gương sản xuất giỏi với thu nhập mỗi năm lên đến hàng trăm triệu đồng, đặc biệt tỷ lệ hộ nghèo trong buôn giảm dần qua từng năm, đến nay chỉ còn 13 hộ nghèo (chiếm hơn 10% tổng số hộ của buôn). Được tiếp cận với những cái mới, nghe những điều hay, từ đó đã có những đổi thay trong sinh hoạt. Cái đổi thay mà Già làng Y Thút nói đến được thể hiện khá đầy đủ trong cuộc sống thường nhật của người dân. Đến nay, hầu hết các gia đình trong buôn đều có phương tiện nghe, nhìn, xe máy, máy móc phục vụ sản xuất và nhiều phương tiện sinh hoạt đắt tiền. Đời sống kinh tế ổn định, người dân buôn Tuôr đã có điều kiện tham gia đóng góp các công trình phúc lợi phục vụ đời sống sinh hoạt như: điện, đường, trường, trạm, nước sinh hoạt… Đặc biệt, trẻ em trong độ tuổi đều được đến trường, nhiều em đã học lên đến cao đẳng, đại học và trung học chuyên nghiệp.

Có lẽ, với những người như già làng Y Thút, chỉ tạo được bước nhảy vọt trong phát triển kinh tế buôn làng thôi chưa đủ, điều ông day dứt là làm thế nào để duy trì được văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Chia sẻ với chúng tôi già nói, vận động bà con đẩy mạnh các hoạt động văn hóa, văn nghệ để phục vụ đời sống tinh thần là một nhiệm vụ vô cùng quan trọng, bởi thông qua đó giúp cho thế hệ trẻ hôm nay hiểu được văn hóa truyền thống của cha ông mình để lại. Sự nhiệt tình của già đã lan tỏa đến nhiều người dân khác trong buôn hoạt động văn hóa, văn nghệ được khơi dậy, góp phần đưa buôn Tuôr ngày càng tiến gần đến nếp sống mới: hiện đại nhưng giàu bản sắc văn hóa dân tộc.

No ấm đã “ở lại” với buôn K’Bu

Già làng Ama Ly
Già làng Ama Ly

Trong những ngày tháng 8, đi dọc các ngã đường trong buôn K’Bu (xã Hòa Khánh, TP. Buôn Ma Thuột) đều rợp cờ đỏ sao vàng, già Ama Ly cảm thấy cái bụng đã vui lên nhiều. Các ngã đường làng giờ đã được trải nhựa phẳng lì, sạch sẽ. Lục trong tâm tưởng, già thấy như có gì rất đỗi thiêng liêng hiện về khi nhấc những bước chân qua con đường quen thuộc này. Với già Ama Ly thì buôn K’Bu là nơi sinh ra, nuôi dưỡng ông với bao kỷ niệm gắn bó. Vùng đất này, một thời già từng che chở cán bộ, cất giấu quần áo, thuốc men, giấu từng nắm gạo trong những chiếc bầu đựng nước để tiếp tế cho bộ đội ta. Hơn 60 mùa rẫy trôi qua, chừng đó năm in dấu trong ông bao kỷ niệm thắm đượm tình nghĩa với bà con và chứng kiến nhiều đổi thay của xóm làng. Đất nước đã thanh bình, như một phần trách nhiệm với bao lớp người đi trước, già dạy bảo con cháu trong gia đình, bà con buôn làng sống có trách nhiệm với xã hội, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của một người công dân đối với đất nước. Để lớp trẻ không quên được “cái hồn cốt của dân tộc mình”, tranh thủ những lúc nông nhàn, già dạy cho con trai trong buôn biết đánh cái cồng, cái chiêng, con gái biết dệt nên những tấm thổ cẩm xinh xắn. Ở buôn K’Bu này, Ama Ly còn là người tiên phong học cách làm lúa nước và tiến hành làm lúa 2 vụ, áp dụng nhiều biện pháp khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất, mang lại kinh tế cho gia đình mình. Không chỉ vậy, già còn gần gũi, hỗ trợ bà con về cây, con giống, bày cách làm kinh tế có hiệu quả, đạt năng suất cao. Nhờ đó, mỗi mùa lúa của bà con trong buôn đã nặng trĩu hạt hơn, cuộc sống sống đi vào ổn định. Dân làng giờ đã no cái bụng, không còn canh cánh nỗi lo thiếu gạo mùa giáp hạt như trước đây nữa. Già nói, thế hệ sau này phải biết trân trọng những thành quả mà cha ông đã để lại, phải xây dựng, gìn giữ và phát huy các giá trị truyền thống của dân tộc. Giữ cho nếp nhà, nếp làng buôn luôn văn minh, nghĩa tình.

Giang Nam - Kim Oanh - Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.