Multimedia Đọc Báo in

Xã Anh hùng Dak Phơi trên đường đổi mới

21:12, 01/09/2012

Về xã Dak Phơi (huyện Lak) vào một ngày cuối tháng Tám, chúng tôi cảm nhận dường như Dak Phơi đang được khoác lên mình “chiếc áo mới”. Trong không gian êm ả của một vùng quê từng bị bom đạn Mỹ cày xới nay vang lên rộn rã tiếng máy cày, máy xay xát lúa và cả tiếng của trẻ nhỏ ê a học bài

Đàn gia súc trong xã phát triển không ngừng góp phần cải thiện cuộc sống người dân.
Đàn gia súc trong xã phát triển không ngừng góp phần cải thiện cuộc sống người dân.

 Trong ngôi nhà khang trang nằm ẩn mình dưới dãy Cư Yang Sin hùng vĩ, chúng tôi được nghe già làng Y Bang Cil (86 tuổi, ở buôn Liêng Keh) kể những câu chuyện cảm động về một thời gian khổ, hào hùng: Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhân dân Dak Phơi từ người già cho đến trẻ em đều một lòng một dạ theo Đảng, Bác Hồ. Những thanh niên trai tráng khỏe mạnh ở các buôn M’nông xung phong vào rừng theo bộ đội lập căn cứ đánh giặc, những cô gái thì làm giao liên gùi đạn dược, lương thực vào tiếp tế cho các khu căn cứ. Năm 1966, khi Mỹ - Diệm đàn áp mạnh, xã Dak Phơi được chọn làm căn cứ cách mạng H10, gọi là xã 1 và xã 2 theo yêu cầu kháng chiến. Những năm 1967, 1968 do Mỹ - Ngụy càn quét ác liệt nên bà con phải thực hiện “vườn không nhà trống”, kéo nhau vào tận rừng sâu để tránh giặc khủng bố. Trước tình hình đó, một số cán bộ cách mạng nòng cốt được tăng cường xuống địa phương lãnh đạo nhân dân đứng lên đánh giặc. Người dân nơi đây không chỉ nuôi giấu, bảo vệ cán bộ cách mạng mà còn trực tiếp vót hàng ngàn mũi chông, góp hàng trăm tấn lương thực phục vụ cách mạng, kháng chiến. Nhiều nhà cửa trong làng bị giặc đốt cháy thành tro bụi nhưng không một người dân nào nản chí mà vẫn kiên cường bám trụ, tăng gia sản xuất để tiếp tế lương thực, nuôi dưỡng bộ đội, nổi dậy phá ấp chiến lược, tham gia các cuộc đấu tranh chính trị. Trải qua cuộc kháng chiến, hàng trăm người con ưu tú trên mảnh đất này đã anh dũng hy sinh cho nền độc lập dân tộc. Năm 1977, xã Dak Phơi vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Sau ngày đất nước hòa bình, cũng giống như những địa phương khác, xã Dak Phơi đứng trước muôn vàn khó khăn, thử thách để xây dựng cuộc sống mới. Phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang, người dân trong xã đoàn kết một lòng cùng nhau xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Những năm gần đây, được sự quan tâm đầu tư của Đảng và Nhà nước, đời sống người dân đã có nhiều khởi sắc. Trong đó, những người lính năm xưa đã trải qua chiến tranh, lập nên những chiến công, nay lại đi đầu trên trận tuyến chống đói nghèo. Chẳng hạn như nhà già làng Y Bang Cil, mặc dù cả hai vợ chồng đều có lương hưu, tiền trợ cấp thương binh nhưng vẫn chăm lo tăng gia sản xuất, trồng cà phê, điều, ca cao và nhận khoán rừng keo lai nên kinh tế gia đình cũng khá giả. Nhiều gia đình không những thoát khỏi đói nghèo mà còn vươn lên làm giàu, mua sắm được ti vi, xe máy, tủ lạnh… Toàn xã có 1.184 hộ với 6.167 khẩu gồm 5 dân tộc anh em (Tày, Nùng, M’nông, Mông và Kinh) sinh sống, đa số hộ dân đã thoát khỏi đói nghèo, nhà nhà đủ cơm ăn, áo mặc, điện thắp sáng được Nhà nước đầu tư kéo về tất cả các thôn, buôn. Đặc biệt, buôn Liêng Keh là một trong những buôn có nhiều gia đình chính sách nhất xã, bà con không ỷ lại Nhà nước mà phát huy nội lực vươn lên nên cả buôn không có gia đình nào thuộc diện hộ nghèo, đời sống một số hộ trở nên khá, giàu. Người dân Dak Phơi đã xóa bỏ được tập tục đốt rừng làm nương rẫy, biết làm lúa 2 vụ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi và đưa vào những giống cây trồng có giá trị kinh tế cao. Hiện toàn xã có 421 ha cà phê, 435 ha lúa nước, 881 ha lúa cạn, 220 ha điều và còn hơn 190 hộ nhận khoán trồng 211 ha cây keo lai, hằng năm cho thu nhập trên 50 triệu đồng/hộ.

Bên cạnh khuyến khích người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xã còn chú trọng đến việc phát triển đàn gia súc, gia cầm nhằm giải quyết nhu cầu thực phẩm tại chỗ, từng bước xây dựng nền sản xuất hàng hóa. Khi đời sống vật chất được cải thiện, người dân chăm lo đến việc học hành của con cái, 100% trẻ em trong độ tuổi đến trường đều được đi học, trong xã hiện có 3 trường học từ mầm non đến trung học cơ sở với trên 1.000 học sinh...

Phó Bí thư Đảng ủy xã Y Chuyên cho biết: Thời gian tới, xã vừa khuyến khích đồng bào mở rộng diện tích cây trồng, mặt khác phối hợp với Trung tâm khuyến nông huyện, các công ty chuyển giao khoa học - kỹ thuật để tăng năng suất, hiệu quả và đầu ra bền vững cho sản phẩm. Đồng thời sẽ quan tâm đầu tư phát triển giao thông nông thôn, hệ thống thủy lợi, đường điện, trong đó tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân góp công, góp của để nâng cấp, cải tạo các tuyến đường liên buôn, liên xã… phấn đấu đưa đời sống kinh tế - xã hội của địa phương ngày càng đi lên, xứng đáng một xã giàu truyền thống cách mạng.

Thế Hùng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.