Multimedia Đọc Báo in

Xây dựng Luật An toàn vệ sinh lao động: Để bảo vệ người lao động tốt hơn

06:41, 11/09/2012

Ở nước ta, mỗi năm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đã cướp đi sinh mạng, gây thương tật, để lại di chứng nặng nề cho hàng nghìn người lao động. Vì vậy, rất cần xây dựng một quy chuẩn an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ ) nhằm bảo đảm quyền lợi cho người lao động.

Nghề xây dựng có nguy cơ tai nạn lao động cao nhất...
Nghề xây dựng có nguy cơ tai nạn lao động cao nhất...

Theo thống kê chưa đầy đủ của cơ quan chức năng, 5 năm qua trên địa bàn tỉnh xảy ra hơn 120 vụ tai nạn lao động (TNLĐ) làm hơn 100 người chết và bị thương. Điều đáng nói là số vụ TNLĐ năm sau cao hơn năm trước. Tuy nhiên, đó mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, trên thực tế rất nhiều doanh nghiệp khi xảy ra TNLĐ không báo cáo nên không phản ánh đúng tình hình TNLĐ hiện nay.

Trong Tuần lễ Quốc gia về ATVSLĐ năm 2012, qua thanh tra, kiểm tra và tự kiểm tra tại 551 doanh nghiệp cho thấy: công tác ATVSLĐ ở đa số các doanh nghiệp còn lỏng lẻo, mang tính đối phó; việc xử phạt hành vi phạm pháp luật về ATVSLĐ chưa nghiêm, chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe; việc triển khai và áp dụng các văn bản hướng dẫn còn nhiều tồn tại, vướng mắc; chưa quản lý chặt việc kiểm định kiểm tra an toàn các loại máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động; kinh phí đầu tư cho công tác ATVSLĐ của nhiều  doanh nghiệp còn hạn hẹp, chưa được người sử dụng lao động quan tâm đúng mức...

Theo ông Nguyễn Duy Tuyết, Chánh thanh tra Sở LĐ-TB&XH, qua điều tra những vụ TNLĐ cho thấy nguyên nhân đến từ 3 phía: Người sử dụng lao động, người lao động và cơ quan quản lý. Nhiều địa phương có thế mạnh về ngành khai thác đá, xây dựng…lại buông lỏng quản lý. Sở LĐTB & XH chỉ có 4 thanh tra, không có thanh tra riêng trong lĩnh vực ATLĐ, trong khi cả tỉnh có đến hơn 6.000 doanh nghiệp nên việc thanh, kiểm tra rất hạn chế. Cơ chế, chính sách về ATLĐ còn bất cập, phần lớn doanh nghiệp chưa tuân thủ nghiêm pháp luật về ATVSLĐ. Số lao động tự do (thợ xây, thợ hồ, khai thác đá, khai thác các loại khoáng sản khác, làm thuê, làng nghề…) trên địa  bàn  chiếm tỷ lệ khá lớn và cũng là đối tượng  phải gánh chịu nhiều rủi ro do TNLĐ, bệnh nghề nghiệp nhưng lại ít nhận được quan tâm hỗ trợ từ các chính sách về ATLĐ. Vì vậy, các quy định về ATVSLĐ chỉ gói gọn trong một chương của Bộ Luật Lao động như hiện nay là quá ít, cần phải được cụ thể hóa trong một luật riêng mang tính pháp lý cao hơn. Bộ Luật Lao động chỉ quy định đối tượng áp dụng là những hoạt động lao động có quan hệ lao động giữa người lao động làm công ăn lương với người sử dụng lao động và các mối quan hệ xã hội khác có liên quan trực tiếp với quan hệ lao động. Trong khi đó, công tác ATVSLĐ lại liên quan đến cả những đối tượng không thuộc phạm vi trên như: người lao động trong các cơ sở sản xuất kinh doanh nhỏ, lao động làm thuê cho các hộ gia đình hoặc làng nghề, nông dân, lao động tự do… không có giao kết hợp đồng lao động. Khi xảy ra TNLĐ những người thuộc diện này rất thiệt thòi vì không hề được hưởng bất cứ chế độ gì. Bộ Luật Lao động cũng chưa quy định rõ quyền, trách nhiệm của các bên liên quan, các đối tượng hoạt động dịch vụ về ATVSLĐ, các hoạt động ngoài quan hệ lao động; chưa đề cập một số nội dung khác như: Quỹ bồi thường, trợ cấp TNLĐ, bệnh nghề nghiệp; phòng ngừa TNLĐ, bệnh nghề nghiệp; cơ chế hoạt động của các cơ sở dịch vụ ATVSLĐ; lĩnh vực tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật ATVSLĐ…

Khi nhiều nội dung quan trọng về ATVSLĐ chưa được quy định hoặc không quy định rõ trong các luật, văn bản hiện hành thì việc cần thiết là phải xây dựng một luật riêng quy định tất cả các vấn đề liên quan đến người lao động để họ thực sự được bảo đảm quyền lợi chính đáng. Vấn đề này đã được Bộ LĐTB & XH đưa ra bàn thảo và đang tiến hành xây dựng Luật ATVSLĐ với mục tiêu hướng tới đảm bảo ATLĐ cho tất cả người lao động, dự kiến sẽ trình Quốc hội vào cuối năm 2012 …Việc nghiên cứu xây dựng Luật ATVSLĐ theo hướng tách ra từ Bộ Luật Lao động nhằm đơn giản hóa các thủ tục hành chính, đồng thời chỉ rõ trách nhiệm của từng thành phần cụ thể: Nhà nước, người sử dụng lao động, người lao động và các đối tượng liên quan… góp phần xây dựng khung pháp lý về ATVSLĐ của nước ta ngày càng chặt chẽ hơn.

Minh Quân

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.