Multimedia Đọc Báo in

Nỗi lo thực phẩm bẩn!

08:40, 10/09/2012

Sau nhiều thông tin về chất tạo nạc trong thịt heo, hoặc lạm dụng chất bảo quản, hóa chất kích thích trong rau, củ, quả do người trồng và tiểu thương chạy theo lợi nhuận mà làm liều… đã dấy lên nhiều lo lắng về thị trường thực phẩm không an toàn. Theo đó, người tiêu dùng (NTD) phải đối mặt với nhiều loại thực phẩm bẩn, ẩn chứa nguy cơ gây hại đến sức khỏe con người.

Tràn lan thực phẩm bẩn

Cứ mỗi lần xách giỏ đi chợ, không ít bà nội trợ tỏ ra phân vân trong việc lựa chọn thực phẩm, bởi nỗi sợ mua phải thực phẩm sử dụng nhiều hóa chất, chất kích thích hoặc mua phải hàng giả, hàng Trung Quốc  kém chất lượng… Mới đây, thông tin về nhiều cơ sở sản xuất giá đỗ ở huyện Hóc Môn (TP. HCM) sử dụng hóa chất Soda ASH Light có nguồn gốc từ Trung Quốc để kích thích giá phát triển nhanh lại trắng, mập, không có rễ khiến nhiều NTD lo lắng. Theo các chuyên gia, khi loại hóa chất này vào cơ thể có thể gây bệnh mãn tính, ảnh hưởng lên gan, thận, thần kinh, thậm chí gây ung thư. Sau khi có thông tin trên, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát đã chỉ đạo Cục Bảo vệ thực vật thành lập ngay đoàn kiểm tra việc sản xuất giá ăn bằng nguyên liệu và hóa chất từ Trung Quốc. Tại các địa phương trong cả nước, trong khi các cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra thì nhiều NTD tỏ ra dè dặt hơn khi sử dụng, bởi đây là loại thực phẩm được dùng khá nhiều tại các cửa hàng ăn uống hoặc trong các bữa ăn gia đình. Theo một chủ cửa hàng bán phở trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột: trung bình mỗi ngày quán này sử dụng hết 3 kg giá để ăn kèm với bún, phở; tuy nhiên thời gian gần đây, nhiều người trở nên e ngại với giá hơn, nên mỗi ngày chỉ tiêu thụ hết hơn 1,5 kg.

 NTD  tỏ ra  e ngại với nhiều loại  thực phẩm Trung Quốc được bày bán tràn lan tại  các chợ.
NTD tỏ ra e ngại với nhiều loại thực phẩm Trung Quốc được bày bán tràn lan tại các chợ.

Không chỉ riêng giá ăn, nhiều loại thực phẩm thiết yếu khác cũng đứng trước nguy cơ đe dọa cao đến sức khỏe NTD. Có thể kể ra vụ thịt heo nhiễm chất cấm, táo Fuji nhiễm độc, quả dừa tươi ngâm chất tẩy trắng, nho Trung Quốc “đội lốt” nho Mỹ giá rẻ được bày bán tràn lan trên vỉa hè, các chợ dân sinh… Rầm rộ nhất có lẽ phải kể đến các sản phẩm xí muội, trái cây sấy khô không rõ nguồn gốc, không bao bì, nhãn mác, có xuất xứ từ Trung Quốc được bày bán tràn lan tại các chợ trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột. Theo một tiểu thương tại chợ tạm Buôn Ma Thuột, có đến trên 70% ô mai, xí muội trên thị trường có nguồn gốc từ Trung Quốc, được nhập từ các chợ đầu mối ở TP. Hồ Chí Minh về. Bên cạnh đó, các loại gia vị, mực khô, măng khô Trung Quốc cũng được bán phổ biến, người bán có thể để hết tháng này qua tháng khác mà không lo bị nấm, mốc. Riêng về thực phẩm tươi sống, trong đó củ, quả tại các chợ chiếm đa số là hàng Trung Quốc. Nhiều tiểu thương thừa nhận nông sản của nước này quả to, nhìn tươi ngon, màu sắc lại bắt mắt, bán rất chạy hàng; đặc biệt có thể để được rất lâu mà không sợ hư, thối.

Điều đáng nói là sau các vụ bê bối về thực phẩm bẩn (phần lớn là của Trung Quốc) trong khi các cơ quan chức năng ráo riết vào cuộc kiểm tra, kiểm chứng để bảo vệ NTD thì nhiều người ngay lập tức tỏ ra dè dặt hơn, thậm chí tẩy chay loại thực phẩm này, nhưng chỉ sau một thời gian ngắn rồi mọi việc lại vẫn đâu vào đấy (?!)

Chỉ biết trông chờ vào ý thức người bán

Chị Đoàn Thị Bình (phường Tân Thành, TP. Buôn Ma Thuột) nói: đi chợ bây giờ mặc dù thực phẩm vô cùng phong phú, cái gì cũng có nhưng lại rất khó lựa chọn bởi ăn gì cũng sợ độc bởi các loại rau, củ, thịt không nhiễm thuốc kích thích thì là chất tạo nạc, không hàng giả thì cũng sợ vấp phải hàng Trung Quốc kém chất lượng… Để phần nào yên tâm hơn khi sử dụng thực phẩm, nhiều người có xu hướng ưu tiên tìm mua thực phẩm của địa phương, trong đó có nhiều thực phẩm sạch (chủ yếu là rau, củ, các loại cá) do người dân các xã, phường lân cận tự túc nuôi trồng để sử dụng trong gia đình, còn dư đem ra chợ bán hoặc hàng trong nước sản xuất. Đặc biệt, cần chọn mua ở những cửa hàng quen biết, nơi tin cậy như siêu thị, trung tâm thương mại. Tuy thận trọng là vậy, song để phân biệt được thực phẩm sạch, thì có lẽ với bà nội trợ nào cũng không dễ, nên chỉ biết mua theo quán tính hoặc trông chờ vào ý thức của người bán là chính.

Theo Chi cục Quản lý thị trường Dak Lak: trong các đợt kiểm tra, kiểm soát mặt hàng thực phẩm tại các cửa hàng, đại lý trên địa bàn tỉnh, hầu hết đều phát hiện vi phạm về nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm, nhãn phụ bằng tiếng Việt (đối với các sản phẩm nhập ngoại). Riêng về vệ sinh an toàn thực phẩm, mặc dù các hộ kinh doanh đều ký cam kết bảo đảm vệ  sinh an toàn thực phẩm nhưng không phải hộ nào cũng chấp hành nghiêm. Mới đây, Sở NN-PTNT tỉnh cũng đã thành lập đoàn kiểm tra về chất lượng phân bón, giống cây trồng và thức ăn chăn nuôi đợt 1- 2012 trên phạm vi toàn tỉnh và tiến hành lấy mẫu thức ăn chăn nuôi nghi có chứa  chất tạo nạc gửi về Bộ chủ quản để phân tích chất lượng. Ông Nguyễn Phú Cường, Vụ Khoa học công nghệ (Bộ Công thương) thừa nhận một thực tế:Tại Việt Nam, hàng năm có hàng tấn các loại phụ gia thực phẩm và chất hỗ trợ chế biến không đạt tiêu chuẩn đã được tiêu thụ. Tuy nhiên chỉ số ít phụ gia, thực phẩm bẩn là được phát hiện; hầu hết các loại này đều được nhập từ nước ngoài. Trong khi đó, NTD vì không hiểu biết nên sử dụng phụ gia rất bừa bãi. Ông Cường cũng cho rằng, khó khăn lớn nhất vẫn là do Việt Nam có địa hình rộng với hơn 1000 km bờ biển và hàng trăm nghìn km đường biên giáp Trung Quốc nên việc kiểm soát xuất, nhập phụ gia và thực phẩm là rất khó khăn”. Chính vì vậy, ông Cường kiến nghị: trước mắt, cần phải đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức về cách sử dụng phụ gia, thực phẩm an toàn cho người dân để từ đó, giúp nâng cao ý thức của cả người mua và người bán.

Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc