“Điểm tựa” của nữ cán bộ Hội
Mọi người thường nói “Phía sau thành công của người đàn ông có bóng dáng người phụ nữ”, cònđối với những cán bộ hội phụ nữ, người chồng đã trở thành “điểm tựa” để họ tham gia công tác xã hội.
Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Tân Tiến (huyện Krông Pak) Trần Thị Kim Hoa. |
Đảm nhận cương vị Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Tân Tiến (huyện Krông Pak) khi mới 24 tuổi, lúc đầu chị Trần Thị Kim Hoa gặp nhiều khó khăn, bỡ ngỡ. Làm thế nào đẩy mạnh công tác Hội, giúp cải thiện đời sống của trên 1.850 hội viên luôn là trăn trở của chị. Vì vậy, bên cạnh việc học tiếng Êđê để có thể gần gũi, hiểu những tâm tư, tình cảm, khó khăn của hội viên, chị tích cực thành lập các câu lạc bộ, 6 tổ vay vốn, 14 nhóm tín dụng tiết kiệm, vận động chị em có kinh tế khá giúp hội viên khó khăn, tập trung phối hợp tuyên truyền các biện pháp chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình… “Mình càng tâm huyết với công tác Hội bao nhiêu thì càng phải dành nhiều thời gian bấy nhiêu. Để đến được tận các buôn tuyên truyền, vận động, hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, sử dụng vốn vay cho hội viên nhiều hôm phải đi bộ, đi nhờ xe máy cày và thậm chí ở lại qua đêm. Nếu không có sự cảm thông, sẻ chia, động viên của ông xã có lẽ mình đã bỏ cuộc rồi”, chị Hoa thổ lộ. Để vợ yên tâm tham gia công tác xã hội và tập trung theo học Đại học Luật hệ tại chức ở TP. Buôn Ma Thuột, anh Nguyễn Xuân Ninh – chồng chị đã gánh vác việc chăm sóc 1,2 ha cà phê, chăn nuôi heo, đưa đón con đi học… Đối với anh, chuyện nhà cửa, bếp núc không là việc riêng của phụ nữ như bao người nghĩ, người đàn ông cũng phải chia sẻ. Chị Hoa luôn cố gắng sắp xếp công việc một cách khoa học, hợp lý để có thêm thời gian làm tròn vai trò, trách nhiệm của một người vợ, người mẹ trong gia đình. Sau gần 10 năm gắn bó với công tác Hội, khó khăn, vất vả cũng nhiều song những kết quả đã đạt được như: đời sống hội viên ngày càng ổn định, 56 chị được giúp thoát nghèo bền vững, số hộ sinh con thứ 3 trở lên giảm đáng kể, gia đình luôn hòa thuận, êm ấm... là niềm vui và sự động viên, khích lệ lớn nhất đối với chị.
Chị Amí Sơri (bên trái) thăm hỏi hội viên sử dụng vốn vay hiệu quả. |
Gần 15 năm làm Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Ea Tar (huyện Cư Mgar), Amí Sơri không nhớ hết những lần phải bỏ dở việc đang làm đến giúp gia đình hội viên, lúc giải quyết những bất hòa, khi hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, hỗ trợ vốn, cây, con giống cho chị em phát triển kinh tế… Nhờ sự gần gũi, tận tình, sẵn sàng lắng nghe chị em tâm sự, chia sẻ những băn khoăn, thắc mắc để cùng đưa ra biện pháp giải quyết nên chị ngày càng được chị em tin tưởng, yêu quý. Hiểu được khó khăn lớn nhất trong phát triển kinh tế của hội viên là thiếu vốn và kinh nghiệm sản xuất, chị xác định muốn có điều kiện giúp đỡ chị em thì trước tiên kinh tế gia đình mình phải vững. Vì thế, vợ chồng chị chăm chỉ phát dọn 1 ha đất trống để trồng hoa màu, tích lũy vốn mua thêm 3 ha đất trồng cà phê, điều; đồng thời, đầu tư chuồng trại chăn nuôi 15 con heo, mở quán buôn bán nhỏ tại nhà, mỗi năm thu nhập trên 400 triệu đồng. Kinh tế gia đình ổn định, chị bàn bạc và được chồng thống nhất giúp đỡ hội viên, người dân trong buôn từ cây, con giống đến vốn xây dựng, sửa chữa nhà ở. Cũng từ đó, nhiều gia đình ở đây hòa thuận hơn, cái khó, cái nghèo giảm đáng kể. Được mọi người tín nhiệm, Amí Sơri bận rộn hơn. Nhờ có sự chia sẻ, cảm thông của người bạn đời là Ama Sơri, gia đình chị có được sự đầm ấm, hạnh phúc, các con học hành đến nơi đến chốn. Hiểu và mong muốn san sẻ cùng vợ, nên ngoài việc nương rẫy, anh luôn phụ giúp chị công việc nhà. “Tham gia công tác Hội nên bà ấy đi miết, biết vậy nhưng tôi luôn tạo mọi điều kiện để vợ hoàn thành tốt nhiệm vụ. Trong nhà rất nhiều việc nhưng nếu mỗi người một tay thì đâu sẽ vào đấy”, Ama Sơri bộc bạch.
Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Ea Kao (TP. Buôn Ma Thuột) Trịnh Thị Tuyết (bên phải) luôn gần gũi, chia sẻ khó khăn với hội viên. |
Từ chi hội phó rồi chi hội trưởng Chi hội phụ nữ, Bí thư chi bộ thôn 2 đến Phó Chủ tịch, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Ea Kao (TP. Buôn Ma Thuột) không chỉ là quá trình phấn đấu, cống hiến bền bỉ của chị Trịnh Thị Tuyết mà có cả sự kề vai, sát cánh của chồng là anh Lê Viết Dũng. Trách nhiệm càng cao, công việc càng nhiều, thời gian lo cho công tác Hội nhiều hơn cho gia đình, nhưng chưa bao giờ chị Tuyết nghe chồng phiền trách. Trái lại, anh Dũng luôn là người bên cạnh động viên, khích lệ chị mỗi khi gặp khó khăn. Bởi hơn ai hết, anh hiểu người cán bộ phải đặt lợi ích của người dân lên trên hết. Để vợ có thời gian tham gia công tác xã hội, anh đảm nhận việc chăm sóc 7,5 sào cà phê, tiêu, 1 sào ao cá, chăn nuôi hơn 20 con heo giúp kinh tế gia đình thêm vững vàng. Hiểu và trân trọng điều đó, mỗi ngày chị Tuyết đều thức dậy từ 4 giờ sáng lo việc giặt giũ, nấu cơm, lau nhà, chở con đi học rồi mới đi làm. Đến mùa bơ, chị còn sắp xếp thời gian đến tận các nhà vườn thu mua, chở đi nhập cho các thương lái góp phần tăng thêm thu nhập gia đình. Theo chị, để chồng hiểu, sẵn sàng chia sẻ mọi việc, trước hết phải tạo dựng lòng tin và cố gắng làm tròn bổn phận của người vợ, người mẹ trong gia đình. “Làm công tác Hội nhiều khi phải đi đêm về hôm, kề vai sát cánh cùng chị em trong các đợt tập huấn, chuyển giao khoa học – kỹ thuật, các lớp dạy nghề, duy trì hoạt động của câu lạc bộ… Do đó, nếu không có sự cảm thông, chia sẻ của chồng thì khó mà hoàn thành tốt nhiệm vụ”, chị Tuyết nhìn nhận. Từ sự ủng hộ của chồng, sự giúp đỡ, tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền địa phương, chị Tuyết làm tốt hơn công tác Hội, đưa phong trào phụ nữ xã Ea Kao ngày càng phát triển, đời sống hội viên ổn định hơn trước.
Có thể nói, đối với phụ nữ nói chung, nữ cán bộ hội nói riêng, có được người bạn đời hiểu và sẵn sàng chia sẻ giúp họ hoàn thành công việc là món quà vô giá, “điểm tựa” vững chắc để chị em an tâm làm tốt công việc xã hội cũng như xây dựng gia đình đầm ấm, hạnh phúc.
Nguyễn Xuân
Ý kiến bạn đọc