Multimedia Đọc Báo in

Hát cùng chiến sĩ Trường Sa

08:16, 30/10/2012

Không khí thật sôi nổi, gần gũi, ấm áp, dường như không có khoảng cách khán giả - ca sĩ… là điều dễ nhận thấy ở các buổi giao lưu văn nghệ giữa các nghệ sĩ với những chiến sĩ hải quân nhân dịp các đoàn ra thăm, tặng quà quân và dân đảo Trường Sa.

Có lẽ đây là lần đầu tiên các chiến sĩ và nhân dân đảo Song Tử Tây mới có dịp gặp gỡ, nghe thần tượng, ca sĩ nổi tiếng, vốn là Phó Giám đốc Nhà hát ca múa nhạc Thăng Long (Hà Nội) cùng đoàn văn nghệ sĩ của các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang vượt hàng ngàn hải lý từ đất liền ra biểu diễn phục vụ. Chính vì vậy khi đoàn vừa đặt chân xuống đảo, dù thủ tục chào hỏi chưa kết thúc nhưng đông đảo chiến sĩ, bà con đã háo hức tề tựu tại Nhà văn hóa chờ đợi các nghệ sĩ giao lưu, biểu diễn. Tiền sảnh Nhà văn hóa đảo nhanh chóng được trưng dụng làm sân khấu. Đó là một sân khấu rất đặc biệt, không màn hình led, không hệ thống âm thanh, ánh sáng, và tất nhiên cũng không có người dẫn chương trình. Không để mọi người chờ lâu, ca sĩ Tấn Minh với phong cách giản dị, gần gũi vốn có cầm micrô bước ra đứng giữa mọi người, cất giọng trầm ấm, vang lên bài “Gần lắm Trường Sa” thiết tha như một lời tri ân của người đất liền dành tặng cho những chiến sĩ ở đảo xa. Không khí buổi giao lưu bắt đầu “nóng” lên khi ca sĩ Tấn Minh được mọi người yêu cầu hát liên tiếp 2 bài đã góp phần làm nên tên tuổi của anh là “Thuyền và biển”, “Đêm thành phố đầy sao”. Bên dưới, các chiến sĩ say sưa hòa nhịp theo tiếng hát. Cùng góp mặt tại buổi giao lưu, các cô gái xinh đẹp, duyên dáng trong đoàn dân ca quan họ Bắc Ninh dù vẫn còn chếnh choáng do say sóng song cũng nhanh chóng “nhập cuộc”, đem đến những tiết mục biểu diễn đặc sắc, nhận được sự tán thưởng, cổ vũ nồng nhiệt của khán giả. Không chịu “lép vế” các ca sĩ chuyên nghiệp, những chàng lính hải quân trẻ tự tin khẳng định vai trò chủ nhà, bước lên góp vui bằng các tiết mục “cây nhà lá vườn”. Chiến sĩ Phạm Xuân Toại bật mí: “Em mê anh Tấn Minh lắm bởi anh hát những bài hát dòng nhạc truyền thống, cách mạng… không chê vào đâu được. Trước giờ chỉ nghe ca sĩ mình mến mộ qua ti vi thôi, nhờ dịp may hiếm có này em mới tận mắt gặp anh ấy và tranh thủ xin chụp vài tấm hình kỷ niệm”. 

Ca sĩ Tấn Minh (người cầm đàn) giao lưu với chiến sĩ  trên Nhà giàn DK1/14.
Ca sĩ Tấn Minh (người cầm đàn) giao lưu với chiến sĩ trên Nhà giàn DK1/14.

Hai giờ biểu diễn văn nghệ trên đảo Song Tử Tây nhanh chóng trôi qua, dù các ca sĩ hát hết mình, “cháy” hết mình nhưng dường như thời gian quá ngắn ngủi, mới chỉ phần nào làm thỏa mãn được sự khát khao của chiến sĩ, nhân dân trên đảo, mọi người lại phải chia tay để lên tàu, để lại đằng sau những ánh mắt rưng rưng, những đôi tay bin rịn, lưu luyến, dùng dằng như cố níu kéo chút thời gian.

Và ở tất cả 9 điểm đảo chúng tôi ghé qua, mặc dù thời gian eo hẹp không cho phép đoàn ở lại lâu, nhưng các văn nghệ sĩ luôn tranh thủ hát biểu diễn phục vụ cán bộ, chiến sĩ mọi lúc, mọi nơi bằng tất cả nhiệt huyết, tình cảm, trái tim và tình yêu biển đảo. Đáp lại nơi nào họ qua cũng nhận được tình cảm quý mến chân thành của cán bộ, chiến sĩ trên đảo. Ca sĩ Khánh Hòa (Nhà hát ca Múa nhạc Thăng Long), ca sĩ đầu tiên thực hiện một video ca nhạc về Trường Sa xúc động bày tỏ: “Đây là lần thứ 3 tôi may mắn được ra thăm Trường Sa, song mỗi lần đến tôi lại trào dâng một niềm cảm xúc mãnh liệt; cảm nhận rõ hơn những hy sinh gian khổ mà các chiến sĩ hải quân ngày ngày phải đối mặt, vậy mà họ vẫn hết sức lạc quan, yêu đời, chính vì vậy tôi muốn dùng tiếng ca để động viên các chiến sĩ tiếp tục chắc tay súng nơi đầu sóng ngọn gió, bảo vệ vững chắc biển đảo Tổ quốc”. Còn ca sĩ Tấn Minh thì chia sẻ: “Tôi thật sự ấn tượng với cách thể hiện tình cảm mang đậm chất “lính”, mà các chiến sĩ đảo dành tặng sau những tiết mục biểu diễn. Những trái bàng vuông hay những con ốc, chiếc vỏ sò mang đặc trưng của lính đảo tặng là món quà tinh thần, phần thưởng quý giá trong chuyến “lưu diễn” đặc biệt này của tôi”. Có một điểm chung giữa các văn nghệ sĩ khi được tham gia đoàn công tác ra đảo là họ rất ý thức, vinh dự và tự hào với công việc ý nghĩa của mình. Một ca sĩ tiết lộ: “Đối với một ca sĩ nếu mất thời gian 2 tuần lưu diễn thì “thất thu” cũng nhiều, song để được trải nghiệm, chia sẻ, hiểu thêm về cuộc sống của cán bộ, chiến sĩ nhân dân ở đầu sóng ngọn gió thì có lẽ mọi sự so sánh về vật chất đều trở thành khập khiễng, méo mó”. Còn nhà thơ Phạm Xuân Nguyên, Chủ tịch Hội nhà văn Hà Nội, người góp mặt trong tất cả các buổi giao lưu với bài thơ đầy xúc động “Đường chân trời” do ông sáng tác ngay trong hành trình ra thăm Trường Sa thì ví von ngắn gọn: “Được đi Trường Sa còn khó hơn đi nước ngoài, chưa hẳn có tiền là đi được!”.

Có một sự trùng hợp ngẫu nhiên trong các buổi giao lưu văn nghệ là phần lớn ca khúc ca sĩ trình bày đều mang chủ đề biển đảo, ngợi ca hình ảnh người lính hải quân kiên trung, bằng ý chí, quyết tâm đã vượt qua bao gian lao thử thách, chắc tay súng bảo vệ biển trời Tổ quốc. Để rồi những khi họ cất cao tiếng hát, với những giai điệu thiết tha, thể hiện tình yêu vô bờ bến, sự tự hào về biển đảo thân yêu ngay giữa đất biển trời Tổ quốc thì dường như mọi khoảng cách về địa lý đã được xóa nhòa, thu hẹp. 

Đăng Triều


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.